Bình Định: Ứng dụng công nghệ số trong quản lý, bảo vệ rừng
Nhờ áp dụng công nghệ thông tin, công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Bình Định ngày càng được tăng cường và triển khai thực hiện, qua đó mang lại nhiều kết quả tích cực.
Bình Định là một trong địa phương có diện tích rừng khá lớn. Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã giao khoán diện tích hơn 120 nghìn ha rừng cho hộ gia đình, cộng đồng các địa phương bảo vệ; trong đó, diện tích khoán bảo vệ rừng chuyển tiếp hơn 118 nghìn ha, diện tích rừng khoán mới là hơn 1.956 ha. Ngoài ra, tỉnh cũng thực hiện chính sách khoán khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên với tổng diện tích khoán chuyển tiếp 377,8 ha và khoán mới 83,6 ha.
Tính đến nay, Bình Định có hơn 345,5 ha diện tích đất có rừng, gồm: Rừng tự nhiên hơn 214,5 ha, rừng trồng hơn 131 ha, đất chưa có rừng hơn 70,1 ha. Tỷ lệ che phủ của rừng tính đến cuối năm 2022 đạt 56,9%.
Thời gian qua, ngành Kiểm lâm Bình Định đã triển khai nhiều giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước số hoá hoạt động giám sát, quản lý, bảo vệ rừng.
Nhờ những thiết bị hiện đại đã giúp phát hiện, cảnh báo sớm các thay đổi bất thường, kịp thời cập nhất chính xác những biến động về rừng trên địa bàn. Tính từ đầu năm đến nay, Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã phát hiện 120 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 553 triệu đồng.
Trả lời phỏng vấn của VietNamnet, ông Lê Đức Sáu - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh và cấp thẩm quyền đã quan tâm đầu tư, phân bổ kinh phí triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng nói chung và theo dõi diễn biến rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng nói riêng.
"Ngành nông nghiệp Bình Định đã triển khai đến lực lượng kiểm lâm, các chủ rừng và các đơn vị liên quan của ngành triển khai sử dụng các ứng dụng các phần mềm chuyên ngành, các ứng dụng được nghiên cứu, học hỏi nhằm phục vụ cho các hoạt động lâm nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng và theo dõi diễn biến rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh", đại diện Chi cục Kiểm lâm Bình Định nhấn mạnh.
Một số ứng dụng trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng như: hệ thống theo dõi cháy rừng trực tuyến của Cục Kiểm lâm (FireWatch Việt Nam); phần mềm cập nhật diễn biến rừng (FRMS) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hay các phần mềm, ứng dụng GIS trên máy vi tính và trên thiết bị di động giúp nâng cao năng suất, chất lượng công việc; phần mềm v5PFES...
Như vậy, việc sử dụng các ứng dụng đã hỗ trợ rất tốt cho lực lượng kiểm lâm trong quá trình tác nghiệp ngoài thực địa, dữ liệu có thể kết xuất chuyển sang sử dụng trên nền các phần mềm GIS trên máy vi tính để phục vụ số hóa, cắt tách diện tích biến động hoặc thống kê số liệu phục vụ công tác, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và công tác theo dõi, cập nhật diễn biến rừng trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Lê Đức Sáu, sắp tới, Bình Định sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, theo dõi diễn biến rừng và cảnh báo nguy cơ cháy rừng để phát hiện sớm các biến động rừng, cháy rừng; ứng dụng công nghệ máy bay không người lái phục vụ kiểm tra, phát hiện biến động rừng.
Đối với Chi cục Kiểm lâm Bình Định, đơn vị sẽ tăng cường tham mưu cấp thẩm quyền đầu tư kinh phí để mua sắm các trang thiết bị, phương tiện hiện đại nhằm chủ động ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng phá rừng, mất rừng, kiểm soát hiệu quả cháy rừng, nâng cao khả năng giám sát biến động rừng, cháy rừng; đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hệ thống máy vi tính, mạng Internet chất lượng cao,... phục vụ cho hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong ngành lâm nghiệp.
"Chúng tôi sẽ tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và các đơn vị có liên quan", ông Lê Đức Sáu nhấn mạnh.
Theo Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn