Bình Lục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
Những năm qua nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đến nay huyện Bình Lục (Hà Nam) đã đạt được nhiều chuyển biến rõ rệt.
Mô hình chăn nuôi bò sử dụng công nghệ đệm lót sinh học tại xã Đồn Xá, huyện Bình Lục (Hà Nam).
Chủ động tiếp cận công nghệ mới
Nông nghiệp CNC là nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững…
Nhận thức rõ việc này, từ năm 2016 huyện Bình Lục đã chủ động tiếp cận và chọn lọc các công nghệ mới được tích hợp ứng dụng trong nông nghiệp CNC như: tự động hóa, cơ giới hóa các khâu sản xuất nông nghiệp, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học; giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao; quy trình canh tác tiên tiến, canh tác hữu cơ…phù hợp với thực tế canh tác, sản xuất địa phương.
Để chuyển đổi từ nền sản xuất nhỏ, lẻ lên sản xuất tập trung, quy mô lớn ứng dụng CNC gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, Bình Lục đã thực hiện mô hình tích tụ ruộng đất hàng trăm ha, nhằm phục vụ mặt bằng cho các mô hình nông nghiệp; đồng thời, địa phương đã chuyển đổi nhiều diện tích đất canh tác lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng mới.
Để tạo ra các sản phẩm năng suất, chất lượng cao theo hướng hàng hóa, địa phương đã chú trọng đưa các giống cây trồng chất lượng cao vào sản xuất; nâng cao kỹ thuật canh tác; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; sử dụng các công nghệ như tưới nhỏ giọt, bảo quản sau thu hoạch; nuôi trồng thủy sản; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm;... Từ đó hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tạo ra các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp về địa phương thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Bước đột phá trong nông nghiệp, nông thôn
Từ việc chủ động tiếp cận công nghệ, nhiều ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống cây con mới có năng suất, chất lượng được áp dụng vào canh tác, sản xuất.
Trong thâm canh lúa, diện tích gieo thẳng bằng công cụ s ạ hàng tăng nhanh, năm 2020 đạt tới 50% diện tích vụ xuân, 20% diện tích vụ mùa; diện tích cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên áp dụng ở các xã, thị trấn với diện tích 800 ha mỗi vụ; diện tích mạ khay cấy bằng máy đã được nhân rộng ở nhiều xã với diện tích mỗi năm 350ha, đã góp phần giảm chi phí tăng năng suất lúa.
Trong trồng trọt, diện tích các cây ăn quả đặc sản có giá trị được mở rộng như bưởi Diễn, ổi Đài Loan, chuối ngự Đại Hoàng, chanh đào, chanh tứ quí thay thế dần các loại cây truyền thống, với giá trị thu nhập bình quân năm 2020 là 120 triệu đồng/ha/năm. Huyện cũng đã quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn xã Đồng Du và thị trấn Bình Mỹ với diện tích 121,73ha, kêu gọi thu hút các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC vào đầu tư vào sản xuất. Các mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thay đổi diện mạo địa phương, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân rõ rệt.
Ông Phạm Văn Đức, ở thôn An Bài 2, xã Đồng Du phấn khởi: Khu vườn trồng nho 1,8ha của gia đình tôi từ khi ứng dụng CNC vào sản xuất đã cải thiện năng suất chất lượng rõ rệt, hiện nay trừ chi phí mỗi năm khu vườn mô hình cho thu về trên 1,5 tỷ đồng. Thấy mô hình gia đình hiệu quả, nhiều hộ trong xã cũng đang làm theo, và tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho người làm sau, chỉ mong ai cũng làm ăn hiệu quả, để làng xã cùng nhau làm giàu…
“Hiện địa phương đã có 17/17 xã, thị trấn đăng ký mô hình tích tụ ruộng đất để liên kết với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đã triển khai gần 60 mô hình tích tụ ruộng đất, liên kết tiêu thụ sản phẩm với 8 doanh nghiệp để sản xuất lúa, rau củ quả với tổng diện tích 679,95 ha tại 17 xã, thị trấn để sản xuất lúa, rau củ quả sạch, trong đó địa phương đã 6 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Đối với mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, huyện chúng tôi có 16 mô hình nhà kính, nhà màn trồng dưa vân lưới, trồng nho, rau củ quả sạch liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với diện tích 3ha giá trị thu nhập bình quân 1,2 tỷ đồng/ha/năm...Đã có nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu trên chính đồng đất quê hương mình” – Ông Đỗ Thế Trọng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Lục chia sẻ.
Mô hình trồng nho ứng dụng CNC của ông Phạm Văn Đức, ở thôn An Bài 2, xã Đồng Du mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng. |
Còn trong lĩnh vực chăn nuôi, địa phương đã quy hoạch 7 khu chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản tập trung tại 7 xã có diện tích 69,5ha với giá trị thu nhập ước đạt 350 triệu đồng/ha/năm và triển khai được 2 mô hình nuôi cá sông trong ao; quy hoạch vùng chăn nuôi lợn, gà tập trung quy mô lớn làm vệ tinh cung ứng nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Trong cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, toàn huyện Bình Lục hiện có gần 1.600 máy nông nghiệp các loại. Trong đó, số máy làm đất có công suất lớn từ 34 mã lực trở lên là 145 máy, máy gặt đập liên hoàn 118 máy, máy cấy 10 máy với tổng kinh phí đầu tư 101,274 tỷ đồng, cùng hệ thống kênh mương thủy lợi, đường nội đồng được kiên cố hóa đồng bộ...phục vụ hiệu quả cho việc sản xuất, canh tác nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại.
Những thay đổi lớn nhờ các mô hình sản xuất nông nghiệp CNC đem lại, đã tạo đà cho Bình Lục về đích nông thôn mới năm 2019. Ngoài ra, hiện địa phương đã thành lập được 16 Hợp tác xã kiểu mới cùng 36 Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp.
Đồng chí Lê Xuân Huy, Bí thư Huyện ủy Bình Lục cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 05 ngày 08/04/2016 của Tỉnh ủy Hà Nam về đẩy mạnh nông nghiệp hóa, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, nông thôn…Bình Lục đã triển khai đồng bộ các kế hoạch, giải pháp, đặc biệt việc ứng dụng CNC trong sản suất nông nghiệp đã đem lại hiệu quả lớn, tạo sức bật đột phá toàn diện cho địa phương; đồng thời tạo ra chuyển biến lớn trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, người sản xuất đã có cơ hội tiếp cận và nắm bắt được các tiến bộ khoa học - kỹ thuật; từ đó, giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản. Các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC ở địa phương hiện nay đều đạt hiệu quả kinh tế vượt trội ngoài sức mong đợi...
Nói về phương hướng, Bí thư Lê Xuân Huy cho biết: Thời gian tới trên quy mô toàn huyện, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ đầu tư về kinh phí để hoàn thiện thêm cơ sở hạ tầng nông thôn, hệ thống thủy lợi, đường nội đồng; đặc biệt sẽ chú trọng ưu tiên đầu tư về vốn và thu hút đầu tư vào các vùng quy hoạch sản xuất cây trồng hàng hóa; xúc tiến các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản có lợi thế tại địa phương và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào địa bàn; có cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời cho nông dân, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung; đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng CNC, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp…, xem đây là các tiền đề quan trọng đề để Bình Lục tiếp tục phấn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu trong một ngày không xa./.
Theo/dangcongsan.vn