Lạng Sơn sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ na Chi Lăng

16:30, 23/07/2021

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng, tiêu thụ hàng hóa đang gặp phải những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào khâu phân phối và tiêu thụ là hướng đi đúng đắn. Tới đây, Lạng Sơn sẽ xây dựng bản đồ số và cửa hàng số đối với mặt hàng na Chi Lăng để sản phẩm có thể đi trực tiếp từ người bán đến người tiêu dùng.

Kết thúc vụ vải, dù trong tâm của dịch Covid-19 đợt 4, nhưng Bắc Giang nhưng được đánh giá là thành công khi giá bán luôn được duy trì ổn định từ đầu đến cuối vụ, bình quân của cả vụ đạt 19.800 đồng/kg. Cơ bản bình ổn giá, thậm chí có thời điểm giá vải còn cao hơn những năm không có dịch. Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.821 tỉ đồng, tương đương với năm có doanh thu cao nhất. Trong đó, doanh thu từ vải thiều ước đạt 4.274 tỉ đồng.

Năm nay, thị trường nội địa được quan tâm, mở rộng và chiếm khoảng 58,6% tổng sản lượng tiêu thụ. Vải thiều được bán trực tuyến trên nền tảng online (Facebook, Zalo, YouTube …), hạ tầng internet trên các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) lớn trong nước và quốc tế (Voso, Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, Postmart, Alibaba…) với sản lượng tiêu thụ đạt khoảng trên 6.000 tấn, lớn nhất từ trước tới nay.

Sự thành công vụ vải thiều Bắc Giang cũng là kinh nghiệm cho các địa phương học tập và triển khai. Hiện nay, Lạng Sơn cũng đang sắp vào vụ thu hoạch na Chi Lăng. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng, tiêu thụ hàng hóa đang gặp phải những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào khâu phân phối và tiêu thụ là hướng đi đúng đắn.

Ông Lý Việt Hưng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lạng Sơn – cho biết, cùng với việc kết nối với các sàn TMĐT như như: Sendo, Voso,… tỉnh sẽ xây dựng bản đồ số và cửa hàng số đối với mặt hàng na Chi Lăng để sản phẩm có thể đi trực tiếp từ người bán đến người tiêu dùng.

Tại Hội nghị trực tuyến “Xúc tiến thương mại sản phẩm na Chi Lăng và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2021” mới diễn ra, ông Bùi Huy Hoàng- Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số- Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), khi tham gia sàn TMĐT, các sản phẩm nông sản sẽ có cơ hội tiếp cận được với người tiêu dùng trên phạm vi cả nước, thậm chí là thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, sự phối hợp đồng bộ của cơ quan quản lý sẽ tạo ra một sân chơi công bằng, minh bạch, được quản lý chặt chẽ về mọi mặt. Sản phẩm trực tiếp đi từ tay người sản xuất đến người tiêu dùng mà không cần qua kênh trung gian nên cả người bán và người tiêu dùng đều được hưởng lợi. “Thực tế hiện nay nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam có chất lượng, tiêu chuẩn không thua kém các sản phẩm nhập khẩu nhưng chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trên các sàn TMĐT”, ông Bùi Huy Hoàng nói.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiếp cận với cách bán hàng mới, nhiều nông dân, hợp tác xã chủ cơ sở sản xuất đều có tâm lý “ngại” do không có kiến thức về quản trị và vận hành, đặc biệt là việc bảo quản, vận chuyển.

Bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho biết, na là sản phẩm rất nhạy cảm, chỉ cần công tác thu hái, bảo quản không tốt thì khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng không còn giữ được chất lượng như ban đầu. Điều này gây thiệt hại rất lớn cho cả nhà bán lẻ và nhà cung cấp. Do đó, các hoạt động hỗ trợ nông dân từ phía các sàn TMĐT trong việc đào tạo cũng như chuyển giao "công nghệ bán hàng”, hướng dẫn nông dân thực hành cách livestream, tự đưa sản phẩm lên Facebook, Senlive… để quảng bá, bán hàng và chốt đơn hàng là hết sức quan trọng.

Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn cũng vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định phê duyệt. Theo đó, 3 nhóm nội dung chính của kế hoạch này gồm: Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT; hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, để hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, sẽ hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; hướng dẫn đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm lên sàn; hướng dẫn đăng ký tài khoản thanh toán trực tuyến và thực hiện quy trình đóng gói – kết nối – giao nhận để hộ sản xuất nông nghiệp tác nghiệp trong quá trình kết nối mua bán trên sàn TMĐT.

Việc hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sẽ được triển khai thông qua các hoạt động như: quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp trên kênh phân phối hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế;….

Cùng với đó, giúp người dân các địa phương khác trong nước và quốc tế có thể mua sản phẩm một cách nhanh chóng kể cả trong bối cảnh hạn chế đi lại do dịch bệnh. Đặc biệt là hỗ trợ gắn sản phẩm với thương hiệu cụ thể của từng hộ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo chất lượng sản phẩm nông nghiệp cung cấp tới người tiêu dùng thông qua sàn TMĐT. Vietnam Post và Viettel Post, 2 doanh nghiệp sở hữu các sàn Postmart, Voso được Bộ Thông tin và Truyền thông giao chủ trì triển khai kế hoạch này.

Về phía Bộ Công Thương, với chủ trương đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, chú trọng khai thác các nền tảng số để tiêu thụ nông sản trên thị trường trong nước, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam trên khắp các thị trường quốc tế.

Các sản phẩm lên sàn TMĐT đều được Bộ Công Thương hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn tem nhãn, đảm bảo minh bạch thông tin sản phẩm. Những hoạt động này đã và đang tiếp tục góp phần đẩy mạnh thương hiệu nông sản Việt Nam không chỉ có đầu ra ổn định mà còn giúp “vươn ra biển lớn”, đặc biệt là những thị trường lớn và uy tín trên thế giới, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người nông dân.

Bên cạnh sự vào cuộc của các Bộ, ngành, chức năng, doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, gốc của vấn đề nằm ở khâu sản xuất. Theo đó, người nông dân cần sản xuất theo đúng quy hoạch, số lượng, chất lượng nông sản theo nhu cầu của thị trường. Có như vậy mới gỡ được câu chuyện loay hoay lo đầu ra của nông sản.

Trước đó, sản phẩm mận hậu và xoài tròn Yên Châu – đặc sản của Sơn La chính thức lên sàn TMĐT Shopee. Lễ ký kết Thoả thuận hợp tác giữa UBND tỉnh Sơn La, Cục Xúc tiến thương mại, sàn TMĐT Shopee và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (sàn TMĐT Postmart) đã được thực hiện với mục tiêu hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản và các sản phẩm tiêu biểu khác của tỉnh Sơn La lên sàn TMĐT và livestream bán hàng trực tuyến.

Đối với nhãn Hưng Yên, từ ngày 15/7/2021, Shopee triển khai nhiều hoạt động nhằm quảng bá và tiêu thụ nhãn và các mặt hàng nông sản Hưng Yên khác. Các sản phẩm sẽ được phân phối tại thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với hình thức giao hàng ngay trong ngày. Shopee cũng sẽ tiếp tục áp dụng nhiều chương trình ưu đãi giảm giá và miễn phí vận chuyển cho người dùng khi đặt mua các sản phẩm này.

Không chỉ bán hàng tại thị trường trong nước, hoạt động kết nối trên nền tảng số, TMĐT tới hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ để tiêu thụ sản phẩm nhãn cũng vừa được tỉnh Hưng Yên triển khai nhằm khắc phục những khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19.

Thiên Thanh