Lạng Sơn đột phá trong xây dựng chính quyền điện tử

11:33, 12/06/2021

Sau một tháng triển khai gấp rút, tất cả 1.030 dịch vụ công đủ điều kiện đã được tỉnh Lạng Sơn cung cấp trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh. Đây là bước đột phá trong xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh Lạng Sơn, một tỉnh biên giới còn nhiều khó khăn.

Đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn cho biết, 1.030 dịch vụ công mức độ 4 được cung cấp từ ngày 8-6, trong đó có 838 dịch vụ cấp tỉnh, 149 dịch vụ cấp huyện và 43 dịch vụ cấp xã. Đáng chú ý, việc thực hiện chỉ tiêu đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 đã được tỉnh Lạng Sơn gấp rút triển khai trong một tháng. Ngay sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản đề nghị lãnh đạo các địa phương triển khai các giải pháp để cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021, tỉnh Lạng Sơn đã có kế hoạch thực hiện từ đầu tháng 5, và “về đích” trước thời hạn bảy tháng so với lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đến nay, Lạng Sơn là tỉnh có thời gian thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 nhanh nhất trong cả nước.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên chia sẻ, hoàn thành mục tiêu nêu trên là sự đột phá của tỉnh Lạng Sơn trong lĩnh vực công nghệ số và cung cấp dịch vụ công. Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành, các huyện, thành phố, sự phối hợp chặt chẽ của tỉnh Lạng Sơn với Văn phòng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông. Đặc biệt là nỗ lực làm việc ngày đêm của hàng trăm chuyên gia, cán bộ kỹ thuật và các doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài tỉnh.

Cán bộ Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh TP Lạng Sơn theo dõi các hoạt động trên địa bàn qua ca-mê-ra. Ảnh: ĐẶNG DŨNG

Để nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, UBND tỉnh Lạng Sơn đã yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp biết, sử dụng dịch vụ triệt để. UBND tỉnh cũng đưa ra các chỉ tiêu cần đạt được trong năm 2021 như: Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trực tuyến mức độ 4 đạt từ 30% trở lên; ưu tiên rà soát, lựa chọn các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đưa vào danh sách không tiếp nhận hồ sơ trực tiếp; khuyến khích các tổ chức tài chính, ngân hàng mở rộng cung cấp tài khoản thanh toán trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp.

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là một trong những chỉ tiêu cơ bản nhất trong phát triển Chính phủ điện tử. Đến hết năm 2020, các bộ, ngành, địa phương đã đạt 31% số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, vượt mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7-3-2019 của Chính phủ. Tính đến cuối tháng 5, cả nước đã có ba cơ quan bộ, ngành là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng hai tỉnh Bến Tre và Tây Ninh đã hoàn thành việc đưa 100% số dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4. Lạng Sơn là tỉnh thứ ba trong cả nước hoàn thành sớm chỉ tiêu này.

Theo baonhandan.com.vn