“Bình tĩnh”… kinh doanh trong đại dịch Covid-19
Trong đại dịch Covid-19, con người không chỉ cần “bình tĩnh sống” mà các nền kinh tế, các doanh nghiệp cũng cần phải “bình tĩnh… kinh doanh” để duy trì và phát triển. Câu hỏi đặt ra là: Doanh nghiệp làm thế nào để… bình tĩnh?
Có kế hoạch kinh doanh phù hợp, thích ứng với đại dịch chính là câu trả lời!
Theo Tiến sĩ Đào Thị Hương - Giảng viên Trường Đại học Thuỷ lợi: Làn sóng Covid-19 chính là một hiện tượng của thế giới đa cực, gọi tắt là VUCA. Trạng thái VUCA được xác lập khi thỏa mãn 4 điều kiện: Biến động (Volatility), Không chắc chắn (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity). Những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đã một lần nữa đặt thế giới vào tình trạng “VUCA” kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.
Tiến sĩ Hương cho rằng, để tồn tại và phát triển trong thời đại “VUCA” mỗi doanh nghiệp trong đó đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thiết kế cho mình một kịch bản chống dịch và phát triển kinh tế: Đó chính là kế hoạch sản xuất kinh doanh. Để có được một bản kế hoạch kinh doanh phù hợp các doanh nghiệp cần hiểu rõ những mấu chốt cơ bản như: vai trò của một bản kế hoạch kinh doanh và các bước chuẩn bị cho việc lập kế hoạch kinh doanh, các nội dung cơ bản cần có của một bản kế hoạch kinh doanh là gì?
Trước hết doanh nghiệp phải đi sâu phân tích về những biến động xung quanh ngành nghề và thị trường kinh doanh mà doanh nghiệp mình đang thực hiện. Dịch bệnh Covid-19 sẽ làm đảo lộn thị trường và tác động trực tiếp đến tất cả các doanh nghiệp. Chính vì vậy người lập kế hoạch cần tìm ra được những tác động đó đối với doanh nghiệp mình là gì, chúng tạo ra những kẽ hở nào từ đó biết mình phải làm gì trong bản kế hoạch.
Tiến sĩ Hương cũng chỉ ra rằng: Kế hoạch kinh doanh của một doanh nghiệp cần bao phủ ở tất cả các lĩnh vực nhưng phải nhấn mạnh vào các khâu chính gồm: Maketting; sản xuất; hoạt động và thiết kế sản phẩm cuối cùng là mảng tài chính. Đây là những mắt xích quan trọng làm nên một doanh nghiệp, bất kỳ một mắt xích nào trong số này yếu, hổng sẽ khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ giảm doanh thu, tụt dốc, phá sản. Mỗi khâu này phải có một kế hoạch thích ứng riêng với giai đoạn khủng hoảng nhưng phải bám vào định hướng chung của cả doanh nghiệp.
Khi xây dựng kế hoạch Marketing, doanh nghiệp cần phân tích được thị trường khách hàng và các đối thủ cạnh tranh mà mình đang gặp phải, từ đó lên phương án quảng bá sản phẩm phù hợp.
Đối với kế hoạch sản xuất, doanh nghiệp phải lập được dự toán kinh phí và giá thành sản phẩm. Có thể dựa vào một số công cụ hỗ trợ để ra quyết định trong việc lập kế hoạch. Những công cụ này sẽ được Tiến sĩ Đào Thị Hương giới thiệu trong học phần của mình.
Đối với kế hoạch hoạt động, Tiến sĩ Hương cho biết, doanh nghiệp cần nhất là nhân sự. Nhân sự chính là mấu chốt cho việc duy trì hoạt động của một doanh nghiệp . Việc phân bổ nhân sự như thế nào để thích hợp với các hoạt động của công ty trong tình hình mới cũng cần được vạch ra một cách cụ thể.
Kế hoạch tài chính giúp doanh nghiệp sẵn sàng cho mục tiêu đã đặt ra, từ đó đưa ra quyết định quan trọng cho mỗi giai đoạn kinh doanh. Trong bối cảnh nguồn thu bị hạn chế, các khoản tài chính sử dụng trong việc duy trì hoạt động và phát triển doanh nghiệp thì kế hoạch tài chính cần được rõ ràng hơn bao giờ hết. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần áp dụng một số công cụ sử dụng trong phân tích tài chính để đưa ra hoạch định đúng đắn. Việc sử dụng công cụ này như thế nào sẽ được TS Hương hướng dẫn trong chuyên đề này.
Ngoài ra, mỗi kế hoạch kinh doanh được đưa ra cần tính toán được những rủi ro có thể gặp phải. Trong tình huống xảy ra việc A kế hoạch sẽ là gì, trong tình huống B doanh nghiệp sẽ phải thực hiện ra sao? Phân tích được rủi ro chính là cách giúp doanh nghiệp không bị lúng túng, mất phương hướng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả xấu nhất.
Tóm lại, một kế hoạch kinh doanh hoàn hảo được phân tích kỹ những rủi ro chính là “chìa khóa” giúp doanh nghiệp “bình tĩnh” kinh doanh trong đại dịch.
PV