Bộ Công Thương đồng hành cùng ngành nông nghiệp chuyển đổi số trong hoạt động thương mại
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA) - Bộ Công Thương đã hợp tác với Visa nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân.
- Khai mạc diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam 2021
- Chuyển đổi số phục vụ phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội
- Phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược để quá trình chuyển đổi số đạt hiệu quả cao
- Bình Phước: Đầu tư xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số
- Gia tăng giá trị nông sản nhờ chuyển đổi số
Theo thỏa thuận, để khẳng định vị thế chủ chốt của ngành nông nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế Việt Nam, Visa cùng với iDEA sẽ thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử, chấp nhận thanh toán số và số hóa các hoạt động vận hành.
Tạo tiền đề đưa nông nghiệp Việt Nam tiến vào hành trình chuyển đổi số.
“Chuyển đổi số trong hoạt động thương mại, thương mại điện tử là cần thiết cho sản xuất nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Thông qua chương trình hợp tác này, Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Visa sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt, doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân vượt qua khó khăn trong hành trình chuyển đổi số. Từ đó, chúng ta có thể định vị ngành sản xuất, ngành nông nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trụ cột cho nền kinh tế và hướng ra thị trường thế giới”- ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) - cho biết.
Bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Visa Việt Nam và Lào - chia sẻ: Chúng tôi rất vui mừng khi thông qua hợp tác này, có thể đóng góp chuyên môn và đưa các giải pháp thanh toán điện tử của mình đến gần hơn với ngành nông nghiệp Việt Nam. Việc hội nhập vào hành trình số hóa sẽ tạo ưu thế để nhà sản xuất Việt Nam phát triển nhanh hơn, đồng thời hiện đại hóa và nâng cao năng suất của hệ thống phân phối sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Đại dịch Covid-19 đã chứng kiến sự chuyển dịch nhanh chóng sang các giải pháp số trên toàn thế giới. Vì vậy để thành công, người bán buộc phải thay đổi để thích ứng với xu thế này. Mặc dù nông nghiệp là ngành trọng điểm của nền kinh tế của Việt Nam - đóng góp 14% vào tổng GDP và 60% cơ hội việc làm - song triển vọng tăng trưởng vẫn chưa được khai thác tối đa do sự thiếu hụt các công cụ vận hành, quản lý tài chính.
Visa sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân trong bước đầu xây dựng kiến thức, thiết lập khả năng bán hàng trên nền tảng số, phối hợp với các đơn vị chấp nhận thanh toán số. Từ đó tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển cho ngành nông nghiệp thông qua những giải pháp thanh toán điện tử và chấp nhận thanh toán số của Visa. Trên nền tảng do Visa hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ có thêm phương tiện để phát triển hoạt động vận hành và hậu cần cũng như các giải pháp thu hút khách hàng.
Cụ thể, Visa cùng với các đối tác và đơn vị chấp nhận thanh toán, sẽ mang đến cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã và hộ nông dân cơ hội tiếp cận với các giải pháp và công nghệ thanh toán số, bao gồm: Giải pháp phê duyệt nhà bán hàng siêu tốc - giúp nhà bán hàng được ngân hàng thanh toán và đơn vị hỗ trợ thanh toán phê duyệt triển khai chấp nhận thanh toán số một cách nhanh chóng; Thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại; Bộ công cụ hỗ trợ doanh nghiệp và nhà quản lý tối ưu hóa hoạt động hàng ngày, đặc biệt thúc đẩy các hoạt động trọng yếu của quá trình kinh doanh; Chương trình kỹ năng kinh doanh thực tiễn để có thể quản lý nguồn tài chính tốt hơn và đưa ra các quyết định kinh doanh một cách tự tin và sáng suốt.
Theo/congthuong.vn