Bộ Công Thương lập đoàn kiểm tra điện mặt trời mái nhà tại 10 địa phương
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 185/TTg-CN ngày 9/2/2021 về việc rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời, Bộ Công Thương cho biết đã lập đoàn kiểm tra và dự kiến kiểm tra tại 10 địa phương, thời gian thực hiện 40 ngày và khi có kết quả sẽ thông tin đến các cơ quan báo chí.
Liên quan đến việc phát triển nóng các dự án điện mặt trời tại nhiều địa phương trên cả nước trong thời gian qua, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay, sẽ kiểm tra thực tế tại 10 tỉnh về việc phát triển điện mặt trời.
Theo đó, ông Dũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 185/TTg-CN ngày 9/2/2021 về việc rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời, Bộ Công Thương cho biết đã lập đoàn kiểm tra và dự kiến kiểm tra tại 10 địa phương, thời gian thực hiện 40 ngày và khi có kết quả sẽ thông tin đến các cơ quan báo chí.
Điện mặt trời mái nhà là nguồn điện sạch, tái tạo, có tính chất phân tán, quy mô nhỏ, được tiêu thụ tại chỗ, giảm tổn thất của quá trình truyền tải, phân phối, tận dụng hạ tầng lưới điện hiện có của ngành điện, có thời gian phát chủ yếu vào ban ngày, trong giờ cao điểm của hệ thống điện, giúp giảm đỉnh phụ tải.
Đây cũng là loại hình năng lượng tái tạo tận dụng được diện tích mặt bằng mái nhà tại các khu dân cư, doanh nghiệp vốn đã có sẵn cơ sở hạ tầng lưới điện đầy đủ, thuận tiện trong việc đấu nối,... Do đó, cần khuyến khích các thành phần kinh tế như hộ gia đình, doanh nghiệp tham gia đầu tư để cấp điện tự dùng và phần dư bán lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Bộ Công Thương kiểm tra việc phát triển điện mặt trời mái nhà tại 10 địa phương.
Số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, tính đến hết ngày 31/12/2020, cả nước có 105.996 hệ thống điện mặt trời mái nhà đi vào vận hành, tổng công suất lắp đặt 9.731 MWp. Sản lượng tích lũy ước đạt khoảng 1.337.093 MWh, góp phần bổ sung nguồn điện sạch tại chỗ, góp phần giải quyết nguy cơ thiếu điện năm 2020. Tuy nhiên, đến nay Quyết định 13 về giá điện mặt trời đã hiệu lực vào cuối năm 2020 nên cần phải ban hành cơ chế chính sách mới. Trong đó điện mặt trời mặt nước và mặt đất áp dụng cơ chế đấu thầu còn điện mặt trời mái nhà áp dụng cơ chế cố định.
Cùng với với sự phát triển mạnh của các dự án điện mặt trời, theo báo cáo của SSI Research, năm 2020, các doanh nghiệp làm điện mặt trời đã huy động tổng cộng 29.900 tỷ đồng (tăng 254% so với năm 2019) vốn trái phiếu.
Ước tính đến cuối năm 2020, các ngân hàng đã rót 84.000 tỷ đồng cho vay năng lượng tái tạo, phần lớn là cho vay các dự án điện mặt trời. Theo quy định hiện hành của ngành ngân hàng, tín dụng điện mặt trời không nằm trong danh mục bị hạn chế, thậm chí còn được khuyến khích cho vay, do được xếp vào diện cho vay ‘tín dụng xanh’ (nguồn năng lượng tái tạo).
Trước đó, ngày 10/3, Bộ Công Thương đã có công văn hỏa tốc đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương thực hiện rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời.Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị EVN tổng hợp các dự án điện mặt trời được hưởng giá bán điện theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng.
Bộ Công Thương đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổng hợp các dự án điện mặt trời được hưởng giá bán điện theo Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng đó, EVN chỉ đạo các Tổng công ty điện lực, đơn vị điện lực tỉnh lập danh sách đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) có quy mô công suất từ 100 kWp trở lên đã đi vào vận hành, được áp dụng giá bán điện quy định tại Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện toàn quốc có 106.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà, là nguồn đóng góp quý cho hệ thống điện quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, giá điện theo Quyết định 13 chỉ có hiệu lực đến hết năm 2020, do đó cần phải ban hành chính sách mới cho điện mặt trời. Trong đó, với điện mặt trời mặt nước và mặt đất áp dụng cơ chế đấu thầu, còn điện mặt trời mái nhà áp dụng cơ chế cố định.
Liên quan đến việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời, tránh phát triển ồ ạt và quá tải đường dây, ông Dũng cho rằng, việc quá tải lưới điện diễn ra vào năm 2019 và đầu 2020 tại một số địa phương như Ninh Thuận do những địa phương này có tốc độ phát triển dự án rất nhanh. Trong khi các dự án điện mặt trời có tốc độ xây dựng chỉ 4-6 tháng nhưng đường dây truyền tải xây dựng phải mất từ 2 năm trở lên nên sự tương thích về đầu tư và phối hợp chưa nhịp nhàng.
Tuy nhiên, vừa qua, EVN đã xây dựng nhiều công trình, dự án truyền tải, nhiều dự án của tư nhân… nên cơ bản đến nay tình trạng quá tải do năng lượng tái tạo đã không còn.
Thùy Chi (T/h)