Bộ Công Thương: Thứ trưởng Đặng Hoàng An làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản

20:13, 03/11/2022

Ngày 2/11, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đã có buổi làm việc với phái đoàn của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI ). Buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An và JCCI xoay quanh các nội dung về chính sách phát triển năng lượng và hiện đại hoá các thủ tục hành chính.

Quang cảnh buổi làm việc. (Nguồn ảnh: CTTĐT-Bộ Công Thương)

Chia sẻ về sự hỗ trợ của Nhật Bản đối với chính sách năng lượng Việt Nam thời gian qua, ông Mr. Aguin Toru - Trưởng nhóm công tác WT6 - Ban sáng kiến chung Nhật Việt thông tin, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản sẵn sàng đóng góp vào quá trình chuyển đổi năng lượng thực tế nhằm đồng thời đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững và trung hòa cacbon ở Việt Nam vào năm 2050. Hiện, công nghệ khử cacbon của Nhật Bản và lộ trình chuyển đổi năng lượng sang trung hòa cacbon có thể được phát huy trong Quy hoạch điện VIII của Việt Nam.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp Nhật Bản cũng sẽ đóng góp vào quá trình chuyển đổi năng lượng thực tế bằng cách đẩy mạnh các quỹ tư nhân cần thiết để thực hiện Quy hoạch điện VIII và thực hiện xã hội hóa các công nghệ khử cacbon.

Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI ). (Nguồn ảnh: CTTĐT-Bộ Công Thương)

Tuy nhiên, ông Mr. Aguin Toru kiến nghị, Việt Nam cần nới lỏng các điều kiện cấp giấy phép kết nối lưới điện, khuyến khích sử dụng thiết bị phát điện năng lượng mặt trời đặt trên mái nhà trong các nhà máy. Đồng thời, việc nghiên cứu lại cơ chế FIT có tác dụng tăng tỷ lệ sản xuất điện năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, phía Nhật Bản đã bày tỏ mong muốn phía Bộ Công Thương hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản trong vấn đề cắt giảm các thủ tục hành chính, và về thương mại điện tử. Bởi hiện một số doanh nghiệp Nhật Bản vẫn còn gặp khó khăn trong việc hoàn thiện các thủ tục để kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử từ các Sở Công Thương địa phương. Việc sớm tháo gỡ khó khăn trong thương mại điện tử sẽ thúc đẩy kinh doanh của hai nước phát triển trên môi trường công nghệ số, đáp ứng nhu cầu cấp thiết hiện nay của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Cũng tại buổi làm việc, phía Nhật Bản đã ghi nhận sự hỗ trợ tích cực của Việt Nam, đặc biệt là Bộ Công Thương đối với các doanh nghiệp Nhật Bản. Đại diện Hiệp hội Thương mại & Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) bày tỏ: "Chúng tôi gửi lời biết ơn tới Chính phủ Việt Nam đã quan tâm đến việc cung cấp điện ổn định cho Khu công nghiệp Thăng Long, nơi tập trung các doanh nghiệp Nhật Bản khối ngành sản xuất. Cung cấp nguồn điện ổn định là vấn đề vô cùng quan trọng đối với ngành công nghiệp sản xuất, và chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa từ phía Việt Nam".

Liên quan đến việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đặng Hoàng An ghi nhận các nội dung phản ánh của JCCI về các vướng mắc trong quá trình đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh để tổng hợp, lưu ý các cơ quan cấp phép, làm dữ liệu đánh giá tác động của chính sách hiện nay và đề xuất các giải pháp hiệu quả hơn trong quản lý nhà nước giai đoạn tới; đồng thời khẳng định Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế, giảm bớt thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính nói chung, trong đó có việc cấp Giấy phép kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Đại diện Bộ Công Thương. (Nguồn ảnh: CTTĐT-Bộ Công Thương)

Thông tin về vấn đề năng lượng, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ Nhật Bản đến Việt Nam. "Trong quá khứ, Nhật Bản đã hỗ trợ ngành năng lượng của Việt Nam khá nhiều, cũng như trong thời gian tới đối với ngành năng lượng, sự hỗ trợ về tài chính rất quý, và sự hỗ trợ về công nghệ từ phía Nhật Bản còn quý hơn nữa"- Thứ trưởng Đặng Hoàng An bày tỏ và khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo. Việt Nam có tiềm năng về điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, trong đó luôn chú trọng việc khuyến khích điện tự dùng trong quy hoạch. Tuy nhiên, dù ưu tiên phát triển các loại hình này nhưng vẫn phải có cơ chế quản lý.

Đối với nguồn điện gió, sinh khối... cơ chế giá FIT không được tiếp tục nữa, theo đó, thời gian tới sẽ áp dụng theo cơ chế giá mới tuân thủ Luật Giá, Luật Điện lực. Cụ thể, đơn vị mua - bán phải đàm phán theo khung giá Bộ Công Thương ban hành.

"Về việc thu xếp vốn đối với các dự án năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cũng hướng tới làm sao các ngân hàng có thể hỗ trợ được. Tuy nhiên, hiện nay, các ngân hàng đưa ra điều kiện khá ngặt nghèo như phải có bảo lãnh Chính phủ, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cơ chế đặc biệt… Những yêu cầu như vậy an toàn cho các tổ chức tín dụng nhưng gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi áp dụng với pháp luật Việt Nam. Theo đó, để khả thi, cần thiết kế một cơ chế bảo hiểm đầu tư cho các doanh nghiệp" - Thứ trưởng An cho biết thêm.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cũng bày tỏ mong muốn phía Nhật Bản tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam hơn nữa không chỉ về tài chính mà còn về mặt công nghệ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam hướng đến mục tiêu thực hiện cam kết tại COP26 vào năm 2050.

Minh Tuân (T/h)