Bộ GD&ĐT lý giải vì sao ngành khoa học cơ bản khó tuyển và đầu vào chưa cao
Những năm qua, nhiều ngành khoa học cơ bản rơi vào tình trạng khó tuyển sinh dù điểm xét tuyển đầu vào không cao và học phí ở mức thấp nhất trong các ngành đào tạo. Ngày 9/5, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã lý giải về vấn đề này.
- Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với viên chức ngành khoa học công nghệ
- Ngành Khoa học và Công nghệ Thủ đô đạt nhiều kết quả tích cực trong năm 2021
- Ngành Khoa học máy tính sẽ tuyển thẳng 21 thí sinh môn Tin học và 29 thí sinh môn Toán
- Đại học Bách khoa Hà Nội: Ngành Khoa học máy tính (IT1) lấy điểm chuẩn cao nhất là 29,04
Theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị tuyển sinh 2023, trong mùa tuyển sinh năm 2022, các lĩnh vực như: Nông Lâm Nghiệp và Thủy sản; Dịch vụ vận tải; Khoa học sự sống; Thú y; Khoa học tự nhiên; Toán và Thống kê; Dịch vụ xã hội có tỷ lệ tuyển sinh thấp nhất.
Trong đó lĩnh vực Nông Lâm Nghiệp và Thủy sản đạt 0,86%; lĩnh vực Khoa học sự sống đạt 0,64%; Lĩnh vực Khoa học tự nhiên đạt 0,44%; Lĩnh vực Toán và thống kê chỉ đạt 0,40%.
Trong 3 năm liền (2020 – 2022), bốn lĩnh vực: Nông lâm nghiệp và Thủy sản; Khoa học sự sống; Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.
Ngay cả ở những trường đại học top đầu thì kết quả tuyển sinh những ngành khoa học cơ bản cũng không mấy khả quan.
Tỷ lệ sinh viên theo học và nhập học mới ngành khoa học cơ bản có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây.
Với Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2022, các ngành Vật lý học, Hải dương học, Kỹ thuật hạt nhân, Địa chất học, Khoa học môi trường, Kỹ thuật địa chất, Công nghệ kỹ thuật môi trường có mức điểm sàn thấp.
Đối với phương thức xét kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ngành Hải dương học, Khoa học môi trường, Địa chất học, Kỹ thuật địa chất điểm chuẩn chỉ 610 điểm; ngành Vật lý học, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật hạt nhân cũng chỉ cao hơn 10 điểm.
Năm 2022, Ngành hải dương học của Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ tuyển được 2 sinh viên. Ngành Khí tượng thủy văn cũng chỉ tuyển được trên 10 sinh viên.
Khoa Thủy sản của Học viện Nông nghiệp Việt Nam năm 2022 chỉ tuyển được 18 thí sinh.
Ngành CNTT đạt 100% chỉ tiêu, ngành Hải Dương học, Địa chất không tuyển được SV.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 9/5, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, khối ngành Toán và Khoa học tự nhiên, trong đó có các ngành khoa học cơ bản là những ngành nền tảng, thiết yếu đối với phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.
Tuy nhiên, tỉ lệ sinh viên theo học và nhập học mới có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây, trừ lĩnh vực Toán và thống kê có sự cải thiện trong năm 2022.
Năm 2022, số sinh viên đại học được tuyển mới của khối này chỉ chiếm xấp xỉ 1,3% tổng số sinh viên tất cả các ngành. Ngay cả đối với khối học sinh các trường chuyên, được ưu tiên đầu tư, tỉ lệ chọn học các ngành này ở bậc đại học cũng không cao.
Theo số liệu thống kê tuyển sinh năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 75 trường trung học phổ thông chuyên của cả nước, chỉ có 709 trên tổng số hơn 25.000 em trúng tuyển các trường đại học trong nước (2,8%) chọn học khối Toán và khoa học tự nhiên.
Điều đáng lo ngại là điểm xét tuyển bình quân của các sinh viên trúng tuyển của hầu hết các ngành này nằm ở mức trung bình và dưới trung bình tất cả lĩnh vực đào tạo (trừ nhóm ngành Toán học có đầu vào khá tốt trong một vài năm gần đây).
Thực trạng này đang là nguy cơ dẫn tới thiếu hụt nguồn nhân lực khoa học - công nghệ trình độ cao cho đất nước.
Về việc các ngành khoa học cơ bản khó tuyển sinh và chất lượng đầu vào chưa cao, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phân tích, vấn đề nằm ở quan hệ khép kín giữa nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ phát triển của nền kinh tế và nhu cầu của thị trường việc làm.
Thông thường, nếu không có sự can thiệp, điều tiết của Nhà nước, quan hệ này tuân thủ hoàn toàn quy luật thị trường.
Nếu trình độ phát triển của nền kinh tế còn thấp, thị trường việc làm sẽ không có nhu cầu cao về nguồn nhân lực khoa học - công nghệ, như vậy sẽ ít thí sinh chọn học những ngành khoa học - công nghệ. Và nếu nguồn nhân lực chất lượng cao khoa học - công nghệ chưa sẵn sàng thì cũng sẽ không thúc đẩy được đầu tư phát triển nền kinh tế tri thức.
Thứ trưởng Sơn cho biết, nếu không phát triển được khoa học cơ bản sẽ không có các công nghệ nền tảng và không có các công nghệ nền tảng thì sẽ không có công nghệ mũi nhọn.
Không có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học - công nghệ sẽ không thu hút được đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, nền kinh tế sẽ đánh mất năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, sự thiếu hụt nhân lực trong các ngành khoa học cơ bản sẽ không thể khắc phục được trong một thời gian ngắn, mà phải mất rất nhiều năm.
Nhiệm vụ đặt ra không chỉ là phải giữ các ngành khoa học cơ bản, mà còn phải phát triển mạnh hơn nữa, gia tăng cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực.
Chân Hoàn (T/h)