Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ cây Việt Nam (Tree Map)
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”- Xuân Tân Sửu 2021 và hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025. Tại đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ cây Việt Nam (Tree Map) thông qua ứng dụng công nghệ số 4.0
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh; Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành tham gia trồng cây tại buổi Lễ phát động trồng cây.
Thông tin tại buổi lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Tân Sửu 2021 và hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 vừa diễn ra ngày 21/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tại các thành phố lớn của cả nước, trung bình tỷ lệ cây xanh vẫn chưa đạt mức quy định theo quy hoạch chung là 7m2/người khu vực nội thành; khoảng 12m2/người khu vực ngoại thành và 15m2/người theo tiêu chuẩn quốc tế.
Chính vì vậy, với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh,” Thủ tướng Chính phủ đã khởi xướng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm, nhằm góp phần phủ xanh đất trống, phục hồi hệ sinh thái của những vạt rừng trên mọi miền tổ quốc, cũng như để nhân lên màu xanh cho mỗi góc phố, con đường, từng công sở, sân trường hay mỗi ngôi nhà nhỏ ở các khu đô thị và làng quê Việt Nam.
Đặc biệt, để tạo thuận lợi cho việc xác định địa điểm trồng, theo dõi việc quản lý và chăm sóc cây xanh sau khi được trồng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ cây Việt Nam (Tree Map) thông qua ứng dụng công nghệ số 4.0 trên điện thoại thông minh.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi lễ phát động.
Cơ sở dữ liệu Bản đồ cây Việt Nam bao gồm các thông tin: loài cây, địa điểm, quy trình trồng, đặc tính sinh trưởng phát triển, cách chăm sóc, quản lý cụ thể trong điều kiện hoàn cảnh của từng địa phương. Ứng dụng này giúp các cơ quan quản lý Nhà nước đánh giá hiện trạng phân bố cây xanh; xác định các khu vực, địa điểm trồng cây cụ thể; giám sát quá trình sinh trưởng, phát triển sau khi trồng; kết nối các địa chỉ cung cấp nguồn cây, quỹ đất trồng cây. Bản đồ số này cũng sẽ xác định được các khu vực xung yếu cần phục hồi hệ sinh thái, yêu cầu phòng hộ, ngăn chặn xâm nhập mặn, chống sa mạc hóa…; phục vụ sử dụng để công bố bản đồ quy hoạch hạ tầng cây xanh và chỉ tiêu hạ tầng xanh của địa phương.
Ứng dụng này giúp các cơ quan quản lý Nhà nước đánh giá hiện trạng phân bố cây xanh; xác định các khu vực, địa điểm trồng cây cụ thể; giám sát quá trình sinh trưởng, phát triển sau khi trồng; kết nối các địa chỉ cung cấp nguồn cây, quỹ đất trồng cây.
Bản đồ số này cũng sẽ xác định được các khu vực xung yếu cần phục hồi hệ sinh thái, yêu cầu phòng hộ, ngăn chặn xâm nhập mặn, chống sa mạc hóa, phục vụ sử dụng để công bố bản đồ quy hoạch hạ tầng cây xanh và chỉ tiêu hạ tầng xanh của địa phương.
Với sự hỗ trợ của công nghệ nêu trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các cơ quan, đoàn thể, chính quyền các địa phương, các tổ chức, cá nhân cùng có những hành động thiết thực, hăng hái tham gia trồng cây và thực hiện tốt phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ.”
Vị tư lệnh ngành tài nguyên và môi trường cũng kỳ vọng mỗi người dân cùng thực hiện việc trồng, bảo vệ cây xanh, thể hiện sự cam kết, trách nhiệm của thế hệ hôm nay gửi cho con cháu mai sau, góp phần quan trọng vào việc ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện môi sinh, cân bằng hệ sinh thái, bảo đảm sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
Thanh Thanh (T/h)