Bộ trưởng GTVT: Áp dụng công nghệ, mở thêm 'luồng xanh' cho hàng hóa lưu thông
Nếu các “luồng xanh” (luồng đến, luồng đi và luồng đi qua) quá tải, các Sở GTVT địa phương cần khẩn trương điều tiết, trao đổi để mở thêm “luồng xanh” giải tỏa hàng hóa.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu mở thêm “luồng xanh” khi xảy ra ùn tắc xe chở hàng hoá.
Yêu cầu trên được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đưa ra tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ GTVT và 19 tỉnh khu vực phía nam (TPHCM, các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ và lân cận) diễn ra chiều tối ngày 13/7.
Chưa thống nhất khâu kiểm soát y tế với lái xe
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, để bảo đảm giao thông thông suốt, Cục Quản lý đường bộ 4 đã khẩn trương phối hợp với các Sở GTVT tháo dỡ dải phân cách, lắp đặt biển báo, hoàn trả bê tông nhựa để quay đầu xe nhằm hạn chế tối đa việc ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm soát trên Quốc lộ 22 (Tây Ninh), Quốc lộ 1 (Long An), Quốc lộ 1K (Đồng Nai).
Tổng cục Đường bộ cũng khẩn trương yêu cầu các Sở GTVT bố trí làn cho “luồng xanh”, chỗ quay đầu xe cho các chốt, biển báo, cử thêm người để điều tiết giao thông, miễn phí xe quay đầu trên cao tốc...
“Tình hình giao thông tại các chốt kiểm dịch trên các tuyến quốc lộ, cao tốc và các chốt trên các tuyến đường đi/đến TPHCM kể từ ngày thực hiện Chỉ thị 16 (9/7) đến nay cơ bản thông thoáng, không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Trong 2 ngày đầu, tại một số chốt kiểm soát có xảy ra tình trạng ùn ứ do xe vận chuyển nhu yếu phẩm tăng cao, nhưng tình trạng ùn ứ chỉ diễn ra ngắn, không kéo dài”, ông Huyện cho biết.
Tuy nhiên, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ cũng chỉ ra bất cập hiện nay ở khâu kiểm tra, kiểm soát y tế tại các chốt giao thông.
Cụ thể, lực lượng kiểm tra y tế còn mỏng; việc chấp thuận kết quả xét nghiệm bằng phương pháp kháng nguyên (test nhanh) và PCR có thời điểm chưa thống nhất, gây khó khăn cho lái xe khi vận chuyển hàng hóa; lái xe muốn qua chốt để dỡ hàng hóa xuống phải cách ly dù có xét nghiệm dẫn đến khó khăn trong việc vận chuyển và lưu thông hàng hóa…
Đại diện cho các doanh nghiệp vận tải ô tô, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị: Cần xem xét quy định thời hạn đối với giấy xét nghiệm COVID-19. Vì thời gian lái xe hoàn thành 1 chuyến xe nội tỉnh và lân cận thì 3 ngày là phù hợp nhưng nếu phạm vi từ Nam ra Bắc phải tối thiểu 7 ngày, kể cả thời gian giao nhận hàng. Thời hạn giấy xét nghiệm hiện nay (3 ngày) khiến các lái xe bị lúng túng khi giấy xét nghiệm quá hạn.
Đối với quy định lái xe phải cách ly sau khi đi qua vùng có dịch bệnh (7 ngày, 14 ngày, 21 ngày tùy từng địa phương), ông Quyền cho rằng, áp dụng quy định này thì chỉ trong một thời gian ngắn sẽ thiếu lái xe.
Do đó, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề xuất xem xét không cách ly y tế với lái xe; kiến nghị địa phương hoặc đơn vị vận tải sắp xếp nơi ở tập trung cho lái xe, ưu tiên ngay tại các bãi đậu, đỗ để thuận tiện trong kiểm soát và hạn chế lái xe tiếp xúc khi trở về địa phương từ vùng dịch.
Đồng thời, doanh nghiệp vận tải phải chủ động xét nghiệm COVID-19 cho đội ngũ lái xe, phục vụ trên xe theo đúng quy định để bảo đảm điều kiện tham gia hoạt động vận tải.
Ông Nguyễn Văn Quyền cũng kiến nghị các địa phương bố trí điểm lấy mẫu xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm tại trạm dừng nghỉ được xác định ở cửa ngõ của các tỉnh, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ lái xe, tránh nguy cơ xảy ra ùn ứ tại các chốt kiểm dịch.
Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, đến hết ngày 12/7, Sở GTVT TPHCM đã tổ chức tiếp nhận và cấp mã QR thông hành cho gần 19.000 lượt xe đăng ký của 25 đơn vị.
“Hiện nay, toàn Thành phố có 12 chốt, chốt nào có hiện tượng ùn ứ thì sẽ nghiên cứu bố trí thêm “luồng xanh”, giãn xe. Từ ngày 12/7, Thành phố đã cơ bản không có sự ùn ứ tại các chốt kiểm tra. Chúng tôi cũng sẽ ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho đội ngũ vận tải”, ông Bình thông tin.
Bộ GTVT họp trực tuyến với 19 tỉnh khu vực phía nam (TPHCM, các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ và lân cận) chiều tối ngày 13/7.
Thêm “luồng xanh” khi xảy ra ùn tắc
Trước diễn biến của dịch COVID-19 tại các tỉnh phía nam hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm hàng hóa thiết yếu lưu thông thông suốt cung ứng cho nhân dân các vùng có dịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ lái xe vận tải hàng hóa, bố trí các điểm xét nghiệm COVID-19 cho lực lượng lái xe và trả kết quả nhanh nhất.
Bộ trưởng đề nghị các địa phương áp dụng Chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ rà soát lại “luồng xanh” (luồng đến, luồng đi và luồng đi qua) thông báo với Tổng cục Đường bộ và các Sở GTVT để phối hợp quản lý và phải công bố rõ ràng, minh bạch để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.
Đồng thời, áp dụng tối đa các giải pháp về công nghệ (QR code) để tiếp nhận đăng ký, cấp giấy thông hành; giấy thông hành phải đầy đủ thông tin liên quan đến phương tiện, lộ trình, loại hàng hóa để giảm thiểu thời gian kiểm tra qua các chốt…
“Nếu các “luồng xanh” xảy ra tình trạng quá tải, các Sở GTVT địa phương cần khẩn trương điều tiết, trao đổi để mở thêm “luồng xanh” giải tỏa hàng hóa”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Các Sở GTVT phối hợp với các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh xác định nhu cầu hàng hóa, nhu cầu vận tải ra vào địa phương để phối hợp cùng các tỉnh, thành phố khác điều tiết lưu lượng, lịch trình xe cho phù hợp, tránh gây ùn ứ cục bộ tại từng thời điểm…
Các địa phương xem xét phương án linh hoạt trong việc áp dụng quy định bắt buộc cách ly y tế đối với lái xe khi trở về từ vùng dịch.
Các doanh nghiệp vận tải phải chủ động xét nghiệm COVID-19, theo dõi sức khỏe lái xe. Doanh nghiệp cung cấp hàng hóa và đơn vị tiếp nhận hàng có thể kiểm tra chéo các quy định dịch tễ đối với lái xe, doanh nghiệp vận tải… Các doanh nghiệp sản xuất, khu công nghiệp khi tổ chức đưa đón công nhân phải đăng ký phương tiện, giảm tải 50%, công nhân được xét nghiệm…
Để chủ động trong bối cảnh dịch bệnh còn nguy cơ kéo dài, Bộ trưởng chỉ đạo Tổng cục Đường bộ xây dựng phương án, kịch bản và có hướng dẫn cụ thể về tổ chức hoạt động vận tải đối với từng tình huống khi các địa phương áp dụng Chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ.
Theo/baochinhphu.vn