Bộ TT&TT đề nghị các Sở TT&TT ban hành Khung kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh
Trong công văn mới gửi các Sở TT&TT, Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cho biết, việc xây dựng Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh có ý nghĩa rất quan trọng, giúp địa phương xác định tầm nhìn và kế hoạch lâu dài.
“Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 1/8/2018. Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Đề án, tháng 5/2019, Bộ TT&TT đã ra Quyết định 829 ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0).
Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0) đã nêu rõ, các Sở TT&TT có trách nhiệm xây dựng Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh của địa phương mình, trình UBND tỉnh, thành phố ban hành sau khi có ý kiến góp ý của Bộ TT&TT.
Trong công văn mới gửi các Sở TT&TT để đôn đốc xây dựng Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh của địa phương, Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cho biết, việc xây dựng Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh có ý nghĩa rất quan trọng, giúp địa phương xác định tầm nhìn và kế hoạch tổng thể, lâu dài, đồng thời bảo đảm tính đồng bộ và bền vững trong phát triển đô thị thông minh.
Kiến trúc ICT là cơ sở tham chiếu để phát triển, cung cấp các dịch vụ đô thị thông minh một cách nhanh chóng, hiệu quả, bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Kiến trúc ICT đóng vai trò nền tảng
Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh đóng vai trò nền tảng tổng thể làm căn cứ để địa phương, doanh nghiệp và các bên liên quan thiết kế, xây dựng các thành phần, chức năng, giải pháp và dịch vụ ứng dụng ICT trong việc xây dựng đô thị thông minh ở địa phương.
Trên tinh thần đó, Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT đề nghị các Sở TT&TT tại những địa phương đang có kế hoạch triển khai, đang triển khai hoặc đang thí điểm dịch vụ đô thị thông minh nhưng vẫn chưa ban hành Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh cần khẩn trương xây dựng, lấy ý kiến Bộ TT&TT và trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành Kiến trúc của địa phương mình.
Cục Tin học hóa cũng lưu ý, Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh của địa phương cần tuân thủ theo đúng Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0).
Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh của tỉnh, thành phố cũng cần đảm bảo là kiến trúc mở, mô-đun hóa, bảo đảm tính tương thích, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu và khả năng mở rộng linh hoạt tùy theo quy mô đô thị, sự thay đổi của các nghiệp vụ liên quan và xu hướng phát triển công nghệ. Kiến trúc ICT là cơ sở tham chiếu để phát triển, cung cấp các dịch vụ đô thị thông minh một cách nhanh chóng, hiệu quả, bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Đối với thành phần Kiến trúc ICT là Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tập trung, đa nhiệm - IOC và các Trung tâm thành phần - OC (nếu có), Cục Tin học hóa đề nghị địa phương tham khảo các văn bản 328 ngày 27/3/2020, 587 ngày 15/5/2020 của Cục để thực hiện.
Trong đó, Cục Tin học hóa lưu ý, các Sở TT&TT cần đảm bảo một số yếu tố như: Cung cấp dịch vụ, tiện ích hướng đến nhiều đối tượng người sử dụng bao gồm chuyên viên, lãnh đạo chính quyền, người dân, du khách, doanh nghiệp, nhà đầu tư… hỗ trợ các nhóm người dùng thực hiện các hoạt động một cách thuận tiện, thông minh và bảo đảm khả năng tương tác giữa các nhóm người dùng;
Khả năng kết nối, tương tác với các hệ thống đã có sẵn và bảo đảm tính mở để có thể dễ dàng kết nối với các hệ thống sẽ hình thành trong tương lai; Năng lực lưu trữ, khai phá, phân tích dữ liệu theo nhiều ngữ cảnh khác nhau phù hợp cho nhiều đối tượng người sử dụng; An toàn an ninh mạng, bảo mật dữ liệu, phân quyền truy cập, phát hiện và cảnh báo sớm các lỗ hổng và mối nguy an ninh mạng.
Về kế hoạch triển khai Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông tin, theo hướng dẫn của Cục Tin học hóa, trên cơ sở Kiến trúc mở và mô-đun hóa đã được xác định trong Kiến trúc ICT, các thành phần của Kiến trúc ICT có thể được đầu tư, quản lý tập trung hoặc bán tập trung (kết hợp giữa tập trung và phân tán) hoặc phân tán, tùy theo thực tiễn phân cấp quản lý, nguồn kinh phí và phân kỳ kinh phí của từng địa phương.
“Căn cứ nhu cầu và tình hình thực tế, địa phương có thể quyết định triển khai IOC hoặc các OC trước, với điều kiện phải bảo đảm khai thác hiệu quả và tuân thủ Kiến trúc ICT của địa phương mình”, đại diện Cục Tin học hóa cho hay.
Hiện có 19 địa phương thí điểm các dịch vụ đô thị thông minh
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cơ quan chủ trì triển khai “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030”, cả nước có 38/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh. Trong đó, 15/38 tỉnh, thành đã phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh trước thời điểm ban hành Đề án 950; 8/38 tỉnh, thành phê duyệt đề án sau thời điểm ban hành Đề án 950; 15/38 tỉnh, thành phố đang triển khai lập đề án.
Về triển khai các dịch vụ đô thị thông minh, có khoảng 30 tỉnh, thành đã phát triển một số dịch vụ về đô thị thông minh; 12/63 tỉnh, thành xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh; 13/63 tỉnh, thành đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh, khoảng trên 10 tỉnh triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị và một số ứng dụng khác.
Tại Chỉ thị 01 ban hành ngày 3/1/2020 về định hướng phát triển ngành TT&TT năm 2020, Bộ TT&TT cũng xác định việc “Sơ kết chương trình thí điểm đô thị thông minh, cấu phần CNTT nhất là việc thí điểm triển khai trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh, từ đó ban hành các hướng dẫn triển khai, tránh làm theo phong trào, không hiệu quả và lãng phí” là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Bộ trong năm 2020.
Đại diện Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cho biết, Bộ đang trực tiếp hướng dẫn việc triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh cho 19 địa phương, bao gồm: Thanh Hóa, Gia Lai, Hà Giang, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bình Định, Hậu Giang, Đắk Nông, Bình Phước, Thái Bình, Đồng Nai, Nam Định, TP. Đà Nẵng, Đắk Lắk, Cao Bằng, Bến Tre, Hà Tĩnh và Thái Nguyên.
Chương trình thí điểm được thực hiện trong năm 2020 gồm thí điểm trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh và triển khai thí điểm một số dịch vụ cơ bản như: phản ánh hiện trường, giám sát điều hành giao thông, an ninh trật tự đô thị, giám sát thông tin, môi trường mạng, giám sát an toàn thông tin.
Dự kiến trong tháng 12/2020, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với các địa phương đánh giá kết quả thí điểm để xem xét, đề xuất triển khai cho giai đoạn tiếp theo.
Thùy Chi