Bình Phước sẽ trở thành đô thị thông minh lớn nhất Đông Nam Bộ
Sau một năm hợp tác với Tập đoàn VNPT để xây dựng đô thị thông minh, Bình Phước đã có những thay đổi mạnh mẽ và đang hướng tới trở thành đô thị thông minh lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ.
Tháng 7/2019, UBND tỉnh Bình Phước đã ký kết hợp tác với Tập đoàn VNPT nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành công đô thị thông minh (ĐTTM), chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số tại tỉnh Bình Phước.
Ngay sau lễ ký kết, Tập đoàn VNPT đã thực hiện một loạt các nhiệm vụ quan trọng, đó là xây dựng hạ tầng viễn thông-CNTT cho tỉnh Bình Phước, đặc biệt là đường truyền tốc độ cao; rà soát quy trình thủ tục điện tử, liên thông, điều hành tác nghiệp điện tử; xây dựng trung tâm giám sát, điều hành chính quyền điện tử, ĐTTM; tham gia tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh; tư vấn cho tỉnh hoàn thiện các cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ nguồn lực, giải pháp để xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Bình Phước...
Sau khi xác định các nhóm giải pháp trọng tâm và trên nền tảng ứng dụng sẵn có phù hợp với khung kiến trúc ĐTTM, VNPT tập trung triển khai đề án ĐTTM tại Bình Phước theo hướng kiến tạo hệ sinh thái mở, từng bước tích hợp các dịch vụ vào khung kiến trúc ĐTTM để từng bước xây dựng hệ sinh thái ứng dụng tại tỉnh Bình Phước theo mô hình tạo ra những tiện ích thiết thực nhất cho các bên tham gia. ĐTTM Bình Phước khi được tích hợp đầy đủ, trọn vẹn các tính năng công nghệ hiện đại và đưa vào vận hành sẽ trở thành đô thị lớn nhất miền Đông Nam Bộ.
ĐTTM Bình Phước: 01 năm nhìn lại
ictvietnam cho biết, đánh giá kết quả hợp tác giữa hai bên trong một năm qua, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước cho rằng Tập đoàn VNPT đã rất nỗ lực triển khai có hiệu quả các phần việc liên quan, hỗ trợ Bình Phước triển khai thành công nhiều nhiệm vụ ứng dụng CNTT quan trọng trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, VNPT đã hoàn thành đề án xây dựng ĐTTM Bình Phước giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. VNPT đã phối hợp xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM (IOC) tỉnh; triển khai vận hành chính thức Trung tâm IOC thành phố Đồng Xoài; xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu tập trung…
Một góc Thành phố Đồng Xoài
Ngoài thực hiện các nội dung trong Thỏa thuận hợp tác về xây dựng ĐTTM, VNPT đã phối hợp triển khai hoàn thiện kết nối, định tuyến mạng truyền số liệu chuyên dùng cho 310 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh bằng cách lắp đặt đường truyền cáp quang, thiết bị đầu cuối, hệ thống định tuyến chuyên dùng; triển khai các phần mềm ứng dụng, hệ thống email công vụ cho tỉnh với 6.954 hộp thư, tỷ lệ sử dụng email công vụ tại tỉnh đạt trên 85%.
Với những kết quả đã đạt được, VNPT và tỉnh Bình Phước tiếp tục nghiên cứu các giải pháp công nghệ phù hợp để hiện thực hóa ngành nông nghiệp thông minh; hỗ trợ thực hiện kết nối hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh với hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia của Văn phòng Chính phủ; đẩy mạnh việc lắp đặt, phủ sóng, nâng cấp mở rộng mạng 3G/4G/5G. Tỉnh cũng đề xuất Tập đoàn VNPT hỗ trợ tỉnh đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin…
Bình Phước thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên khi lãnh đạo tỉnh quyết tâm phát triển đề án thành phố thông minh đã tạo ra những tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống, xã hội với chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT index) năm 2019 của tỉnh đã tăng 2 bậc so với năm 2018, từ vị trí 58 lên 56 (0,2451 điểm), đây là kết quả nỗ lực của toàn bộ máy chính trị tỉnh nhà trong việc đưa ứng dụng ICT vào khắp các lĩnh vực hoạt động của địa phương, nhất là theo lộ trình xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử.
Việc Bình Phước ứng dụng CNTT trên nền tảng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và hiện đại đã góp phần làm thay đổi chất lượng giáo dục, y tế, du lịch và các dịch vụ công ngày một tốt hơn. Mọi chỉ số liên quan đến các lĩnh vực thiết yếu của tỉnh đều được cập nhật nhanh chóng, rõ ràng và minh bạch… phục vụ tốt công tác quản lý điều hành của các cấp chính quyền địa phương.
Có thể nhận thấy những thay đổi tích cực khi đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tiến tới xây dựng đô thị thông minh ở Bình Phước. Nhờ có ứng dụng các giải pháp CNTT, mà người dân với chính quyền hay doanh nghiệp với các cơ quan quản lý kết nối, tương tác với nhau nhanh chóng và dễ dàng hơn; các cấp chính quyền có nắm bắt mọi nhu cầu và thu thập các phản hồi của người dân về chất lượng dịch vụ công hay về các vấn đề đô thị tốt hơn.
Thùy Chi (T/h)