Bộ Y tế cấm nhận bồi dưỡng sau tiêm vắc xin Covid-19, không phun khử khuẩn ngoài trời
Ngày 2/8, Bộ Y tế có 2 công văn với các nội dung: yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc tiêm chủng miễn phí, không thu tiền hoặc nhận bồi dưỡng từ tổ chức, cá nhân khác và yêu cầu không phun hóa chất khử khuẩn diệt Covid-19 ngoài trời, chỉ phun diện hẹp khi xử lý môi trường khu vực có bệnh nhân Covid-19 tại cộng đồng.
Bộ Y tế cấm nhận bồi dưỡng sau tiêm vắc xin Covid-19
Ngày 2/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã có công văn gửi các tỉnh, thành, yêu cầu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bảo đảm an toàn, tiêm chủng hoàn toàn miễn phí và không nhận "bồi dưỡng" từ các tổ chức, cá nhân.
Theo Bộ Y tế, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đảm bảo việc tiêm chủng vắc xin theo nguyên tắc bình đẳng, công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả, đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời, an toàn và miễn phí cho đối tượng tiêm chủng.
Tuy nhiên, qua phản ánh, tại một số cơ sở tiêm chủng có hiện tượng người đến tiêm chủng bồi dưỡng tự nguyện cho cơ sở tiêm chủng, việc này chưa đúng với chỉ đạo của Chính phủ về miễn phí tiêm chủng cho đối tượng ưu tiên.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị được phân công tiêm chủng vắ xin tiếp tục tổ chức tiêm chủng theo đúng Nghị quyết 21 ngày 26/2 của Chính phủ và kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 năm 2021-2022 ngày 8/7. Theo đó, việc tiêm chủng hoàn toàn miễn phí, không thu tiền, không nhận bồi dưỡng từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân đến tiêm chủng.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các tỉnh, thành đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bảo đảm an toàn, hiệu quả, tăng diện bao phủ vắc xin Covid-19.
Bộ Y tế đề nghị không phun khử khuẩn ngoài trời
Công văn ngày 2/8 của Bộ Y tế gửi các địa phương cũng đề nghị "không áp dụng biện pháp phun hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn vào người trong bất cứ tình huống nào, gồm cả biện pháp dùng máy phun trực tiếp vào người hoặc sử dụng buồng khử khuẩn".
Việc phun khử khuẩn chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp khi xử lý môi trường khu vực có bệnh nhân Covid-19 cộng đồng; đảm bảo đúng liều lượng và phương pháp.
Phun khử khuẩn trên đường phố Hà Nội, tháng 7/2021.
Thời gian qua, một số địa phương áp dụng biện pháp phun hóa chất diệt khuẩn tại nơi công cộng để phòng chống dịch. Tại nhiều cơ quan đã lắp đặt buồng khử khuẩn để phun hóa chất diệt khuẩn cho người đứng trong buồng; một số đơn vị sử dụng máy phun hóa chất diệt khuẩn để phun vào người cách ly, nhập cảnh...
Tuy nhiên, Bộ Y tế dẫn quan điểm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khẳng định những nơi như đường phố, vỉa hè, không phải là nơi chứa virus. Việc phun hóa chất diệt khuẩn ngoài trời không được WHO, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ khuyến cáo, do kém hiệu quả, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người phun và người xung quanh.
"Việc sử dụng số lượng lớn hóa chất diệt khuẩn để phun ngoài trời còn có thể gây hại đến môi trường và làm lãng phí nguồn hóa chất dự trữ cho công tác phòng chống dịch", công văn nêu.
Mặt khác, WHO và CDC Hoa Kỳ cũng khuyến cáo không phun hóa chất diệt khuẩn vào người trong bất cứ tình huống nào do phương pháp này không làm giảm nguy cơ lây nhiễm mà có thể gây hại cho sức khỏe con người.
Hồng Ngọc (T/h)