Bước đột phá trong số hóa chính quyền

08:38, 23/04/2021

Những năm gần đây, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đang hết sức chú trọng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của chính quyền. Hàng loạt các trung tâm giám sát, điều hành thông minh (Intelligent Operation Center - IOC) đã được xây dựng, trở thành những “bộ não số” của hệ thống chính quyền, giúp tạo ra một cái nhìn toàn cảnh trên mọi lĩnh vực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường chất lượng cuộc sống người dân.

Bên trong Trung tâm IOC tỉnh Hòa Bình.

Nâng cao hiệu quả điều hành

Ngày 9-9-2020, IOC tỉnh Bình Phước chính thức đi vào hoạt động với 10 chức năng thực hiện giám sát, phục vụ chỉ đạo, điều hành, bao gồm: hệ thống giám sát, điều hành chỉ tiêu báo cáo, thống kê kinh tế - xã hội; giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền, dịch vụ công; giám sát điều hành an toàn giao thông và an ninh, trật tự; tương tác, giao tiếp phục vụ công dân cùng các hệ thống giám sát, điều hành y tế, giáo dục, du lịch, thông tin báo chí, an toàn thông tin cũng như quy hoạch xây dựng;... Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nguyễn Minh Quang chia sẻ, IOC đi vào vận hành cùng với các hệ thống thông tin khác góp phần quan trọng đổi mới phương pháp làm việc hành chính, cung cấp phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp. Thí dụ, trong lĩnh vực y tế, IOC Bình Phước đã kết nối lấy các số liệu trực tiếp từ Bộ Y tế để thường xuyên theo dõi tình hình khám, chữa bệnh, các cơ sở y tế cũng như diễn biến của bệnh truyền nhiễm,... từ đó, dễ dàng phân tích, đánh giá hiệu suất hoạt động y tế trên địa bàn. Với hệ thống thông tin báo chí, mạng xã hội, đến nay IOC Bình Phước đã giám sát được gần 4.500 tin tức liên quan địa phương, giúp lãnh đạo tỉnh nhanh chóng nắm rõ các vấn đề được báo chí và mạng  xã  hội phản ánh để có chỉ đạo, kiểm tra, điều chỉnh một cách hợp lý. Hoặc hệ thống ca-mê-ra an ninh của TP Ðồng Xoài khi được kết nối đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc bảo đảm trật tự, an ninh, truy vết tội phạm trên địa bàn. Thêm nữa, phát hiện các phương tiện giao thông vi phạm luật để tiến hành phạt nguội, nâng cao ý thức của người dân trong chấp hành Luật Giao thông.

Về mục tiêu phát triển chính quyền điện tử thời gian tới, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ 11 (nhiệm kỳ 2021 - 2025) cũng đã xác định rõ đến năm 2025 phải hoàn thành quá trình xây dựng chính quyền điện tử và dần chuyển sang chính quyền số. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh cho biết, tỉnh xác định đây là chủ trương rất đúng đắn, phù hợp xu hướng phát triển tất yếu của khoa học toàn cầu. Với mỗi địa phương, nếu chuyển đổi số thành công sẽ góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Ðây cũng là cuộc cách mạng mang tính toàn dân, mọi người dân phải cùng tham gia và được thụ hưởng những thành quả của tiến trình này. Với đặc thù của tỉnh có tới 20% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, chuyển đổi số chắc chắn sẽ tạo điều kiện giúp họ tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến một cách bình đẳng, thuận lợi hơn.

Hệ thống xuyên suốt

Thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm nhằm đẩy nhanh phát triển Chính phủ điện tử. Trong đó, các IOC là một mục tiêu quan trọng nhằm phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như lãnh đạo các tỉnh, thành phố. Theo các chuyên gia công  nghệ, trung tâm IOC được ví như “bộ não số” của các địa phương với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển trung tâm, tạo ra một cái nhìn toàn cảnh trên mọi lĩnh vực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều hành và phục vụ người dân. Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc cung cấp các giải pháp số tại Việt Nam, đến nay Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã triển khai xây dựng IOC cho khoảng 30 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, trong đó nhiều nơi đã đưa vào vận hành và mang lại hiệu quả rõ rệt như: TP Ðà Lạt (Lâm Ðồng), Hà Nam, Cao Bằng, Tây Ninh, Phú Thọ, Trà Vinh, Kon Tum, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Phước, Hòa Bình, Kiên Giang, Lào Cai,...

Theo Quyền Tổng Giám đốc VNPT Huỳnh Quang Liêm, với việc tích hợp thông tin, số liệu của nhiều lĩnh vực hoạt động và được thể hiện trực quan, sinh động, IOC sẽ giúp các cấp lãnh đạo cập nhật toàn diện mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội theo thời gian thực. Từ đó, đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức trong quá trình giám sát, điều hành công việc. Các tính năng, dịch vụ của IOC cũng sẽ giúp tăng tính tương tác giữa người dân với chính quyền, góp phần cải thiện mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của chính quyền.

Không dừng ở cấp địa phương, VNPT cũng đã phối hợp Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành thiết kế xây dựng, đưa vào vận hành Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (khai trương ngày 19-8-2020). Trung tâm này được kết nối trực tiếp với các IOC của các bộ, ngành, địa phương trên cả nước để thông qua đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thể liên tục theo dõi, kiểm tra được các hoạt động theo từng lĩnh vực do các đơn vị quản lý; đồng thời, thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành trực tiếp tới các đơn vị và trên thực địa. Việc vận hành IOC của Chính phủ cũng sẽ thúc đẩy các địa phương xây dựng IOC, từ đó hình thành mô hình IOC xuyên suốt từ T.Ư tới địa phương cũng như mô hình IOC tổng thể chung về phát triển Chính phủ số. Các hệ thống IOC sẽ liên tục được tích hợp bổ sung thêm nhiều hệ thống thông tin khác, khai thác dữ liệu được chuẩn hóa để ngày càng mở rộng và nâng cấp năng lực điều hành trên môi trường số. Chuyển đổi số hoạt động giám sát, chỉ đạo điều hành là một trong những bước đi quan trọng của quá trình chuyển đổi số chính quyền. Ðịnh hướng xây dựng và vận hành hệ thống IOC xuyên suốt từ T.Ư đến địa phương đã, đang và sẽ góp phần xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số một cách hiệu quả hơn.

Theo nhandan.com.vn