Số hóa niềm tin
Ngày nọ, đi ăn bún chả tại khu phố đông đúc Duy Tân, tôi được một nhân viên trẻ mời sử dụng ứng dụng điện thoại để trả tiền ăn.
Bữa trưa của tôi thường diễn ra trên vỉa hè Hà Nội. Bún chả, bún đậu, phở, bún riêu, bánh cuốn, cơm rang... mỗi suất ăn thường trên dưới 50.000 đồng - bằng mệnh giá một tờ tiền không lớn. Sau khi nhân viên kia giải thích, tôi chỉ mất gần một phút để cài đặt ứng dụng của cậu, đổi lại, được giảm 15% tổng số tiền thanh toán bữa ăn. Với một người không lấy gì làm khá giả như tôi, đó là lựa chọn không tệ. Thậm chí tôi thấy cảm giác lạ lẫm vui vui.
Ở những thành phố đông dân nhất cả nước, thanh toán qua ứng dụng đang len lỏi đến các ngõ ngách, mọi giao dịch cá nhân mà chi cục Thuế vẫn chật vật để tiếp cận. Ví điện tử đang thay thế tờ tiền polymer trong những giao dịch mua hàng online, cá nhân với cá nhân, cá nhân với hàng ăn, cá nhân với hộ kinh doanh cá thể và cả với người bán rong...
Tôi hỏi chị bán hàng phố Duy Tân, lợi ích của công nghệ này với người kinh doanh khá rõ ràng. Nó tiện lợi cho cả người mua và người bán, tiết kiệm thời gian, an toàn và không tốn hoặc tốn ít chi phí. Một ứng dụng ví điện tử tại Việt Nam tuyên bố đã có đến chục triệu người đăng ký và hàng trăm nghìn điểm chấp nhận thanh toán. Những đối thủ của họ cũng không đứng yên. Các ông lớn từ viễn thông, sản xuất điện thoại, cho đến gọi xe điện tử đều cho ra đời dịch vụ thanh toán số hóa của riêng mình.
Trong báo cáo về chỉ số tiền điện tử của một ngân hàng quốc tế, Việt Nam chỉ xếp hạng 61/84 về mức độ sẵn sàng chuyển từ tiền vật lý sang tiền kỹ thuật số. Cụ thể, Việt Nam đứng hạng 59 về mức độ ủng hộ từ chính phủ và thị trường, hạng 62 về hạ tầng công nghệ thông tin tài chính, hạng 63 về các giải pháp và thứ 56 về sự sẵn sàng của người tiêu dùng.
Chính phủ đã mong muốn một xã hội không tiền mặt bằng Ðề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Đây tất nhiên là điều đáng hoan nghênh. Một nền kinh tế ít tiền mặt hơn mang lại lợi ích cho hầu hết các bên. Người dân bớt cảm thấy phiền toái và mất an toàn khi ra đường với ví và túi xách. Người bán không vất vả với tiền lẻ và hạch toán sổ sách, đầu tư hệ thống tủ két an toàn. Còn nhà nước có lẽ đã dễ thu thuế hơn, ước tính được quy mô nền kinh tế ngầm khi có thêm dữ liệu về hoạt động chi tiêu của người dân, tiểu thương, các hộ kinh doanh hay cả người bán hàng rong thông qua giao dịch điện tử.
Nhưng bỏ qua hào hứng ban đầu, "số hóa" tiền tệ ở nước ta chưa phải điều dễ dàng. Thứ nhất, với đa số dân ở nông thôn, việc có tài khoản tại ngân hàng vẫn còn là chuyện xa xôi, chưa nói đến việc sử dụng ví điện tử hay mã QR. Sự bùng nổ của các ứng dụng thanh toán ở thành thị dễ dẫn đến tình trạng "loại bỏ tài chính" hay bất bình đẳng tài chính với một số nhóm dân không có khả năng tiếp cận công nghệ.
Mối lo ngại thứ hai gắn với rủi ro an ninh cho cả cá nhân lẫn quốc gia. Chúng ta có thể không còn sợ bị cướp giật khi mang tiền mặt đi trên phố, nhưng đổi lại, nếu tài khoản của bạn bị tấn công, số tiền mất đi nhiều khả năng sẽ lớn hơn những gì bạn có trong ví. Số trường hợp bị kẻ gian chiếm đoạt tiền qua giao dịch ngân hàng số hay giao dịch qua điện thoại diễn ra ngày càng nhiều. Nó cho thấy nhiều người và cả các ngân hàng chưa lường hết những nguy cơ bảo mật của thời đại công nghệ số.
Mối lo thứ ba gắn liền với quyền riêng tư và tự do cá nhân. Thông tin chi tiêu của cá nhân tiết lộ rất nhiều điều, đặc biệt là khi có sự hỗ trợ của công nghệ Al theo dõi hành vi người dùng và phân tích dữ liệu lớn. Giả dụ, "bước chân chi tiêu" cho thấy bạn mua đồ ăn nhanh và chứa nhiều đường trong thời gian dài còn tiên lượng một tương lai phát sinh các vấn đề sức khỏe. Công ty bảo hiểm nhân thọ hoặc dịch vụ y tế hoàn toàn không khó để có được thông tin đó. Và hiển nhiên với rủi ro bệnh tật cao hơn, họ sẽ tính phí bảo hiểm của bạn cao hơn.
Ở một số nước, hệ thống điểm "tín dụng công dân" đã được ghi nhận và xây dựng dựa trên những thông tin cá nhân như thế. Các công dân điểm thấp bị giới hạn dịch vụ, dễ bị phong tỏa tài khoản, từ chối giao dịch nếu chính quyền cho rằng điểm "tín nhiệm tài chính" của họ không đủ cao. Cho đến hết năm 2018, có đến 23 triệu lượt người Trung Quốc bị cấm mua vé tàu, máy bay vì lý do này.
Chúng ta, những công dân, không phải ai cũng muốn cho phép bên thứ ba, thứ tư tiếp cận thông tin thanh toán của mình. Nhật Bản, đáng ngạc nhiên, là một trong những nước rất chuộng tiền mặt. Tỷ lệ tiền mặt so với quy mô nền kinh tế của nước này lên đến 20%, cao nhất trong số các nước phát triển và cao hơn cả Việt Nam. Financial Times cho biết, đến 60% nhà hàng ở Tokyo chỉ chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt. Tiền mặt trên thực tế đại diện cho nhiều đặc tính mà người dân ưa thích: tính vô danh - không truy nguyên được nguồn gốc, dễ mang theo và kiểm đếm, không vướng bận tâm lý nghi ngờ bảo mật của ngân hàng, dễ kiểm soát quyết định chi tiêu của bản thân và cảm giác được sở hữu.
Ở xã hội đang chuyển đổi và hệ thống thuế chưa thực sự công bằng, tiền mặt còn là cách duy nhất để nhiều người vẫn hoạt động kinh doanh mà không phải đóng thuế. Đó không chỉ là ưu tiên của các hộ kinh doanh trong nước, nhiều cửa hàng người Việt ở nước ngoài tôi đến ăn cũng đề nghị khách thanh toán bằng tiền mặt.
Số hóa tiền mặt mang lại tiện nghi lớn hơn, nhưng đi kèm với đó là những nhượng bộ về quyền riêng tư. Để người dân an tâm về những nhượng bộ đó, nhà cung cấp dịch vụ và nhà nước cần đảm bảo rằng những thông tin cá nhân không được sử dụng để chống lại lợi ích của họ, không bị lạm dụng cho các mục đích họ không thể kiểm soát. Điều này không chỉ nhờ vào một hệ thống pháp luật rõ ràng, minh bạch, có khả năng thực thi cao mà còn ở niềm tin vào tính liêm chính của bộ máy nhà nước.
Việt Nam có bước tới một ngày của xã hội không tiền mặt hay không? Câu trả lời tùy thuộc bốn trụ cột: sự quyết tâm của chính phủ, sự năng động của hạ tầng công nghệ tài chính, nỗ lực của khu vực tư nhân đang khai thác thị trường và niềm tin của người tiêu dùng.
Chủ quán bún chả tôi hay ăn sẽ không đồng ý nhận tiền của khách qua ứng dụng thanh toán nếu người tiếp thị không đủ tin cậy, có cam kết quyền lợi rõ ràng; hay người đề nghị thay đổi cách tính tiền là một viên chức mang đồng phục.
Niềm tin không phải là thứ số hóa dễ dàng
Nguyễn Khắc Giang (Nghiên cứu viên, Viện VEPR)
Theo https://vnexpress.net/so-hoa-niem-tin-4213765.html