Các giải pháp đám mây cá nhân độc đáo
07:00, 22/07/2013
Dropbox, Google Drive, Sky Drive, iCloud, Box.net, Sugar Sync... là những dịch vụ đám mây quen thuộc. Song, còn nhiều “đám mây” cũng như những ứng dụng, dịch vụ xung quanh đám mây khá thú vị mà có thể bạn chưa biết.
Tự tạo đám mây cá nhân
Hầu hết các dịch vụ trên đều chỉ cho các tài khoản miễn phí sử dụng dung lượng nhỏ vài gigabite, khi có nhu cầu sử dụng nhiều hơn, bạn phải trả phí. Hơn nữa, server đều ở nước ngoài, khi có trục trặc cổng kết nối Internet quốc tế (như trường hợp đứt cáp quang biển), việc truy cập vào dữ liệu khó khăn, nhất là những dữ liệu có kích thước tập tin lớn.
Vậy tại sao bạn không thử tự tạo một “đám mây cá nhân” của riêng mình để không phải giới hạn dung lượng, không trả phí, server đặt ngay tại nhà (không cần kết nối cổng quốc tế nên tốc độ truy cập rất nhanh)?
Để làm được điều này trước đây, bạn sẽ sử dụng ổ cứng mạng (Nas) giúp truy cập được dữ liệu từ xa qua Internet thông qua giao thức ftp hoặc Web Access.
Tuy nhiên, thiết lập, cấu hình NAS không đơn giản. Thiết lập NAS cho phép truy xuất dữ liệu từ xa lại càng phức tạp. Vì vậy sử dụng giải pháp Router tích hợp cổng USB để cắm USB hoặc ổ cứng nhằm chứa dữ liệu chia sẻ không dây sẽ đơn giản hơn. Hiện thị trường đã bán một số mẫu router có cổng USB cho phép gắn USB drive hoặc ổ cứng để chia sẻ dữ liệu không dây như Asus, Dlink, Buffalo... Lưu ý, cần phân biệt router có cổng USB để gắn USB driver, ổ cứng chứ không phải USB 3G.
Đáng lưu ý, cách tạo đám mây cá nhân từ router này tương đối dễ, tương tự cách thiết lập wireless router bình thường. Từ trình duyệt trên máy tính, truy nhập vào địa chỉ 192.168.2.1 (tùy theo) rồi chọn các tùy chỉnh để thiết lập. Thử nghiệm với wireless router Asus RT N16 cho thấy các bước thiết lập không quá khó. Sau khi thiết lập router xong, bạn có thể dùng máy tính để dữ liệu từ xa ngay. Ví như, bạn lưu file dữ liệu vào USB, gắn USB vào router. Khi đó, bất cứ ở đâu, bạn đều có thể truy cập dữ liệu đó nhanh chóng qua Internet. Trường hợp không có máy tính, bạn muốn lấy dữ liệu trên USB bằng tablet hoặc smartphone thì cài thêm ứng dụng Asus AiClouds (hiện có trên AppStore và Google Play). Ứng dụng này sẽ cho phép truy cập vào dữ liệu từ xa với máy tính, tablet, smartphone.
Hệ điều hành trên mây
Với những ứng dụng đám mây như Autocad 360, Office 365... đều đã chạy nên bạn sẽ không cần cài các ứng dụng này trên máy tính. Vì khi cần dùng thì trên bất kỳ máy tính nào bạn chỉ cần truy cập vào dịch vụ là đều có thể dùng được.
Những ứng dụng dạng này phù hợp cho người hay di chuyển, linh động làm việc trên nhiều thiết bị khác nhau. Đây sẽ là xu hướng phát triển cho nhiều ứng dụng trong tương lai với các ưu điểm: không cần cập nhật phần mềm, mua phần mềm theo thời gian sử dụng, làm việc trên mọi thiết bị. Điển hình cho xu hướng này là các nhà sản xuất đã cho ra mắt netbook chạy Google Chromebox (hệ điều hành trên nền web) toàn bộ ứng dụng, lưu trữ đều nằm trên mây. Hay nói khác hơn, người dùng hầu như không cài bất kỳ ứng dụng nào trên những chiếc netbook này. Cần dùng ứng dụng nào, người dùng truy cập vào dịch vụ đó để dùng trực tiếp trên mây. Ngoài ra còn có Jolicloud (hệ điều hành Ubuntu Linux trên nền web). Cả 2 hệ điều hành gọn nhẹ này cho phép bạn khởi động hệ thống chỉ trong vài giây bởi không có ứng dụng trong máy.
In trên mây
Đã có hãng sản xuất máy in đề cập đến công nghệ in trên mây (cloud printing). Máy in có công nghệ này sẽ được cấp một địa chỉ email, bạn chỉ cần gửi email chứa tài liệu cần in đến địa chỉ này là đã có thể in tài liệu ở nhà, văn phòng. Nó dùng được cả với các thiết bị di động như smartphone, tablet. Điểm bất tiện là bạn phải sở hữu máy in có trang bị công nghệ này. Trong trường hợp máy in của bạn không có, bạn có thể dùng dịch vụ Google Cloud Print (trên trình duyệt Chrome/ tùy chọn/ cài đặt/ cài đặt nâng cao/ Google Clouds Print/ thêm máy in).
Backup trên mây
Lợi ích của đám mây là mọi dữ liệu được lưu trữ trên mạng. Trong đó, sao lưu (backup) tự động là ưu điểm của dịch vụ sao lưu trực tuyến trên đám mây. Việc sao lưu này giúp bạn có thể lấy lại dữ liệu đã bị mất (mất máy), lỡ tay xóa hoặc nhu cầu lấy lại dữ liệu của thời điểm nào đó (chẳng hạn lấy lại dữ liệu của 5 ngày trước). Với dịch vụ backup trên mây, bạn có thể chọn lựa giữa việc sao lưu dữ liệu theo thời gian thực hoặc lập lịch sao lưu định kỳ: 1 ngày, 1 giờ hoặc 15 phút/lần. Đặc biệt, quá trình sao lưu dữ liệu sẽ được bảo mật với mã khóa được phần mềm sao lưu tự động cung cấp hoặc do người dùng tự chọn. Hiện tại, ở Việt Nam đã có một số dịch vụ sao lưu trực tuyến trên đám mây như EXA Backup, EasyBackup…
Anh Phú