Các ngân hàng cảnh báo thủ đoạn mạo danh cán bộ ngân hàng để lừa đảo

13:35, 16/07/2024

Các ngân hàng đồng loạt phát đi cảnh báo khuyến cáo khách hàng cần nâng cao cảnh giác trước những chiêu thức lừa đảo mới.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) phát đi thông báo khuyến cáo về một chiêu thức lừa đảo mới với số tiền chiếm đoạt ngày càng gia tăng. Theo VietinBank, thời gian vừa qua, tình trạng mạo danh cán bộ tuyển dụng của ngân hàng mời ứng viên phỏng vấn, tham gia nhóm trực tuyến để lừa đảo, chiếm đoạt tiền ngày càng gia tăng.

Các đối tượng lừa đảo mạo danh Website/Fanpage VietinBank/Tuyển dụng VietinBank để đăng tin tuyển dụng, sử dụng hình ảnh thương hiệu, ảnh thẻ cán bộ hoặc văn bản giả mạo để tạo lòng tin với ứng viên. Từ đó, đối tượng lừa ứng viên tham gia các nhóm chat online để truy cập vào link mã độc, chuyển tiền tham gia nhóm đào tạo thi vào ngân hàng hay yêu cầu ứng viên cung cấp các thông tin bảo mật nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của ứng viên.

Tương tự, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) từng cảnh báo về việc ngân hàng này bị nhiều đối tượng lợi dụng hình ảnh thương hiệu để tuyển dụng và có dấu hiệu lừa đảo. Cụ thể, Agribank cho biết, nhiều khách hàng về các trang fanpage, website, email mạo danh thông tin tuyển dụng Agribank để lừa đảo những người lao động đang có nhu cầu tìm việc làm nhằm đánh cắp thông tin, giấy tờ và thậm chí chiếm đoạt lệ phí của người lao động.

Khách hàng cần cẩn trọng trước những cuộc gọi số lạ mạo danh ngân hàng

Theo ngân hàng này, thủ đoạn của nhóm lừa đảo rất tinh vi khi sử dụng tên, hình ảnh, thương hiệu Agribank, đồng thời trực tiếp sao chép các bài viết của Agribank để đăng tải nhằm tạo sự tin tưởng đối với khách hàng, thu hút nhiều người theo dõi và có hành vi lừa đảo những người tham gia. Sau khi có người liên hệ ứng tuyển hoặc gửi email phản hồi sẽ được kết nối trao đổi trực tiếp qua tin nhắn Facebook, Zalo hoặc một trang Google Sheets (bảng tính trên Google), đường link giả mạo thu thập thông tin của ứng viên.

Ngoài ra, các đối tượng còn mạo danh “tuyển dụng Agribank” yêu cầu ứng viên tham gia vào nhiều hội, nhóm chat trên nền tảng Telegram để thực hiện phỏng vấn trực tuyến. Từ đó, kẻ xấu chuẩn bị sẵn những kịch bản hối thúc nộp lệ phí để có cơ hội đi làm nhanh nhất.

Ngoài hình thức lừa đảo qua tuyển dụng, những thủ đoạn lừa đảo người dân cài đặt ứng dụng giả mạo chứa mã độc (app giả mạo) trên điện thoại vẫn được nhóm đối tượng xấu sử dụng.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng ghi nhận tình trạng tương tự. BIDV cảnh báo một số nhóm đối tượng xấu sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, giả danh thương hiệu BIDV nhằm lừa đảo khách hàng thực hiện các nhiệm vụ, nộp phí... Phương thức chung của những hình thức lừa đảo này là đối tượng tự soạn thảo công văn giả mạo BIDV, chữ ký, con dấu, email và bài đăng tuyển dụng của BIDV.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) cũng liên tục phát đi thông tin cảnh báo thủ đoạn lừa đảo tương tự. Theo đó, một số ứng viên có nguyện vọng, mong muốn ứng tuyển vào NH đã bị đối tượng mạo danh bộ phận tuyển dụng của NH liên hệ để lừa đảo, tổ chức thi online giả sau đó yêu cầu ứng viên nộp với số tiền lớn hòng chiếm đoạt.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng đăng tải thông báo về việc xuất hiện thủ đoạn mạo danh ACB để tuyển dụng, lừa đảo.

Trước sự bùng nổ lừa đảo trên, các ngân hàng khuyến cáo người lao động và, khách hàng nâng cao tinh thần cảnh giác, thận trọng với các ứng dụng, đường link tràn lan trên mạng internet và các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, TikTok… được sử dụng với mục đích giả mạo cán bộ của ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Việc tuyển dụng của các ngân hàngđược thực hiện đúng theo quy trình, quy định của ngân hàng. Các ngân hàng không thu bất kỳ khoản phí nào với ứng viên ứng tuyển; không yêu cầu ứng viên cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng trong quá trình tuyển dụng; không yêu cầu ứng viên tải app hoặc đăng ký bất kỳ ứng dụng nào…

Bên cạnh đó,các chuyên gia cũng khuyến cáo khách hàng cần hết sức cẩn trọng khi thực hiện các giao dịch tài chính, ngay cả khi đã áp dụng các biện pháp xác thực sinh trắc học. Người dùng cần thường xuyên kiểm tra lịch sử giao dịch, không chia sẻ thông tin cá nhân và đề cao cảnh giác.

Theo Tạp chí Chất lượng Việt Nam

(https://vietq.vn/cac-ngan-hang-canh-bao-thu-doan-mao-danh-can-bo-ngan-hang-de-lua-dao-d223345.html)