Các nhà mạng Việt cam kết chia sẻ, dùng chung 1.800 trạm BTS
Dưới sự chứng kiến của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), 3 doanh nghiệp: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã ký kết hợp đồng nguyên tắc cung cấp dịch vụ cho thuê hạ tầng.
Việc ký kết là bước đi quan trọng nhằm cụ thể hóa các thỏa thuận chia sẻ, sử dụng chung trước đó.
Theo Cục Viễn thông, việc ký kết hợp đồng nguyên tắc giữa 3 nhà mạng trên là bước tiến lớn về chia sẻ, sử dụng hạ tầng viễn thông thụ động. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh triển khai mạng 5G tới đây, khi sử dụng chung cơ sở hạ tầng là một đòi hỏi mang tính quyết định đến hiệu quả đầu tư và sự thành công của mỗi doanh nghiệp, góp phần tiết kiệm ngân sách cho nhà nước và cho chính các nhà mạng.
Dùng chung hạ tầng đang dần trở thành xu thế tất yếu, diễn ra nhanh chóng trên thế giới, đem lại lợi ích rõ ràng, thiết thực. Vì vậy, ngày 11-11-2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chỉ thị số 52/CT-BTTTT về tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông.
Triển khai Chỉ thị số 52/CT-BTTTT, tháng 6-2020, Cục Viễn thông đã chỉ đạo các nhà mạng trao đổi, đi đến thống nhất và ký kết thỏa thuận chia sẻ sử dụng chung tổng số 1.800 vị trí trạm thu phát sóng (BTS) và tiến hành trao đổi, thống nhất về cơ chế cụ thể để có thể triển khai thuận lợi các vị trí đã ký kết dùng chung.
Cũng theo Cục Viễn thông, từ năm 2013 đến nay, tỷ lệ sở hữu của các doanh nghiệp chuyên xây dựng nhà trạm BTS đã tăng nhanh qua các năm, từ mức 10-15% năm 2013 lên đến 70% năm 2020. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chi phí thuê nhà trạm giảm đáng kể, lên tới 30%, khi có doanh nghiệp thứ hai cùng tham gia khai thác nhà trạm đó. Do vậy, các doanh nghiệp viễn thông không thể đứng ngoài cuộc, cần xác định dùng chung hạ tầng là hành trình bắt buộc phải đi.
Thùy Chi (T/h)