Các nước dự kiến chi hàng chục tỷ USD nỗ lực tự chủ trong sản xuất chip
Các chính phủ trên khắp thế giới đang hỗ trợ việc xây dựng các nhà máy sản xuất chip khi tình trạng thiếu chip đã ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ôtô và điện tử, cho thấy sự phụ thuộc của thế giới vào nguồn cung từ vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).
Chính phủ ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đang dự kiến chi hàng chục tỷ USD cho các nhà máy sản xuất chip tiên tiến, khi hơn 2/3 số chip máy tính tiên tiến được sản xuất tại Đài Loan.
Trung Quốc cũng đã cấp nhiều khoản hỗ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất chip khi muốn giảm sự phụ thuộc vào công nghệ của phương Tây, trong đó có việc thành lập quỹ đầu tư 29 tỷ USD trong năm 2019.
Nhu cầu xây dựng các nhà máy sản xuất chip ở bên ngoài châu Á đã góp phần thúc đẩy Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) và Samsung Electronics Co Ltd, hai nhà sản xuất chip theo hợp đồng duy nhất có thể chế tạo chip máy tính tiên tiến nhất, lên kế hoạch xây dựng các nhà máy mới tại Mỹ và nỗ lực để có phần trong khoản hỗ trợ có thể là 30 tỷ USD hoặc hơn tại nước này.
Intel Corp, một trong ba tập đoàn lớn cũng sản xuất chip vượt trội, đã làm thay đổi mạnh mẽ sân chơi này khi ngày 23/3 công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy mới tại châu Âu, bên cạnh hai nhà máy tại Mỹ.
Kết quả có thể là một công cuộc tái cơ cấu ngành công nghiệp sản xuất chip từ nguồn tài trợ của chính phủ sau nhiều thập niên các công ty của Mỹ và châu Âu thuê sản xuất tại Đài Loan và Hàn Quốc để bán các chip giá rẻ cho hàng tỷ khách hàng.
Tại Nhật Bản, Canon Inc, Tokyo Electron Ltd và Screen Semiconductor Electron sẽ tham gia vào một chương trình đầu tư 42 tỷ yen (385 triệu USD) có tài trợ của chính phủ để cùng với các công ty như TSMC phát triển các chip 2 nm. Nhật Bản muốn đảm bảo khả năng sản xuất chip tiên tiến trong tương lai.
Thậm chí Ấn Độ, với cơ sở hạ tầng cho sản xuất còn khiêm tốn, hy vọng sẽ trở thành trung tâm thiết kế cho các hãng sản xuất chip toàn cầu và thu hút các nhà máy với các chương trình hỗ trợ mới.
Các nghị sỹ Mỹ đang chuẩn bị phê chuẩn khoản đầu tư 30 tỷ USD hoặc cao hơn thông qua một dự luật tài trợ cho Bộ Quốc phòng hiện nay và một loạt các biện pháp mới.
Tình hình tại châu Âu là phức tạp nhất, khi các quan chức Liên minh châu Âu đang bất đồng với các chính phủ về việc liệu châu Âu có nên tham gia vào cuộc đua tốn kém trong việc xây dựng các nhà máy sản xuất chip máy tính tiên tiến hay thúc đẩy chiến lược đang triển khai hiện nay./.
Thùy Chi (T/h)