Các tuyến xe phải khai báo thông tin qua phần mềm điện tử quản lý bến xe

07:19, 21/08/2020

Theo quy định, bến xe buýt và xe khách tuyến cố định phải khai báo thông tin qua phần mềm điện tử quản lý bến xe; đồng thời truyền dữ liệu lệnh vận chuyển từng bến xe về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Theo Nghị định 10/2020 thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2020 bổ sung nhiều quy định mới trong quản lý vận tải khách tuyến cố định, xe buýt tuyến cố định và bến xe khách.

Cụ thể, đối với xe tuyến cố định, trước ngày 1/7/2020 các bến xe khách từ loại 1 - loại 4 và trước ngày 1/7/2021 đối với các bến xe khách còn lại phải sử dụng phần mềm quản lý bến xe khách để quản lý hoạt động xe ra, vào bến và cung cấp thông tin (gồm: Tên bến xe; tên doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải; họ và tên lái xe; biển kiểm soát xe; tuyến hoạt động; giờ xe xuất bến; số lượng hành khách khi xe xuất bến thực tế) trên lệnh vận chuyển của từng chuyến xe hoạt động tại bến về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Cùng với đó, trước khi xe xuất bến, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định thực hiện cung cấp thông tin trên lệnh vận chuyển qua phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Trước đó, theo lộ trình được Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa ra, từ ngày 1/7/2016, các bến xe khách loại 1 và loại 2 phải trang bị phần mềm quản lý bến xe và hệ thống camera; từ ngày 31/12/2016, bến xe khách loại 3 và loại 4 phải trang bị phần mềm quản lý bến xe. Điểm mới tại Nghị định 10 là tất cả các lệnh vận chuyển xe xuất bến phải được truyền dữ liệu đầy đủ về phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Không chỉ bến xe khách mà theo quy định tại Nghị định 10, bến xe buýt cũng phải lắp đặt phần mềm quản lý bến xe và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Phần mềm quản lý bến xe sẽ thể hiện tần suất chạy xe, số hành khách, số lượng doanh nghiệp vận tải tham gia tuyến một cách tự động. Bên cạnh đó, giúp cơ quan quản lý chủ động, kịp thời đánh giá được lượng hành khách, luồng tuyến vận tải.

Các đơn vị sẽ phải cập nhật về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam lịch xe xuất bến của toàn bộ các tuyến; danh sách doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên từng tuyến tại bến; biển số xe của từng loại phương tiện; giá vé và mức chất lượng dịch vụ đã đăng ký.

Thông tin lại toàn bộ các chuyến xe ra vào bến như: Biển kiểm soát, lái phụ xe, tuyến đường chạy, số lượng hành khách xuất bến và các trường hợp vi phạm cũng như hình thức xử lý tại bến đều được cập nhật liên tục.

 Thùy Dung