Cách bảo mật thẻ SIM để tránh bị mất tiền ngân hàng
Để hạn chế bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử… người dùng nên áp dụng một số mẹo nhỏ sau đây để bảo mật thẻ SIM trên điện thoại.
- Người dùng phàn nàn vì iPhone 14 bị lỗi SIM
- iPhone 14 chỉ hỗ trợ eSIM tại một số thị trường
- Apple cân nhắc loại bỏ hoàn toàn khe cắm thẻ SIM
- eSIM tích hợp trên những dòng iPhone nào?
- Bộ Công an, Bộ TT&TT hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông xác thực thông tin thuê bao nhằm giải quyết tình trạng SIM rác, SIM nặc danh
- Đường dây làm giả sim điện thoại, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng bị triệt phá
- Sẽ "xóa sạch" SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định
- Bộ TT&TT triển khai đào tạo đội ứng cứu sự cố an toàn an ninh mạng theo mô hình SIM3
Cẩn trọng hình thức chuyển hướng cuộc gọi, chiếm đoạt SIM
Về cơ bản, tội phạm mạng sẽ thu thập thông tin cá nhân của bạn bao gồm họ tên, số điện thoại, CCCD gắn chip… thông qua các nền tảng mạng xã hội. Sau đó họ sẽ liên lạc với nhà mạng, giả vờ là bạn và báo mất điện thoại, đồng thời yêu cầu cấp lại SIM mới (SIM cũ sẽ bị ngắt kết nối).
Ngoài ra, kẻ gian còn mạo danh nhân viên chăm sóc khách hàng của nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử... và yêu cầu người dùng làm theo các bước hướng dẫn để đổi SIM 4/5G hoặc khắc phục các sự cố liên quan đến điện thoại.
Cụ thể, kẻ gian sẽ yêu cầu bạn nhập **21*# (theo giao thức USSD). Thực chất đây là tính năng chuyển hướng cuộc gọi, cho phép thuê bao di động chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại khác.
Khi thực hiện lệnh chuyển cuộc gọi thành công theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo, thuê bao của bạn vẫn có sóng, nhận được tin nhắn hay vào mạng bình thường nhưng tất cả các cuộc gọi đến sẽ được chuyển hướng đến số điện thoại của kẻ lừa đảo.
Sau khi chiếm quyền nhận cuộc gọi, kẻ gian sẽ đăng nhập ví điện tử, tài khoản mạng xã hội, ngân hàng… của nạn nhân và khai báo quên mật khẩu. Từ đó chúng dễ dàng chiếm được tiền trong ví, tài khoản ngân hàng.
Theo ghi nhận, hình thức tấn công chiếm đoạt SIM không phổ biến. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu bảo mật đã tìm thấy 21 triệu thông tin đăng nhập bị đánh cắp và rao bán công khai trên Dark Web, có khoảng 3.000 người đã mất quyền truy cập vào các tài khoản quan trọng sau khi bị mất SIM.
Cách bảo mật thẻ SIM để tránh bị chiếm đoạt
1. Kiểm tra thông tin thuê bao
Đầu tiên, bạn hãy mở ứng dụng tin nhắn trên điện thoại và soạn nội dung TTTB gửi 1414. Kết quả trả về sẽ bao gồm họ tên, CMND/CCCD gắn chip, điện thoại và các thông tin liên quan.
Nếu thấy thông tin không đúng hoặc xuất hiện các số điện thoại lạ, bạn hãy ngay lập tức cầm CCCD gắn chip đến các cửa hàng của nhà mạng để cập nhật lại hoặc yêu cầu họ giải thích (nếu trước đó bạn đã đăng ký thông tin của mình).
2. Hủy tính năng chuyển tiếp cuộc gọi
Cảnh giác trước các cuộc gọi lừa đảo, không thực hiện mã lệnh **21*# theo hướng dẫn.
Khi điện thoại có các dấu hiệu bất thường như không nhận được cuộc gọi đến (có biểu tượng chuyển cuộc gọi ở cạnh logo nhà mạng), người dùng nên hủy tính năng chuyển hướng cuộc gọi hoặc liên hệ với tổng đài để được hỗ trợ.
Cú pháp đăng ký và hủy chuyển hướng cuộc gọi trên điện thoại.
Ngoài ra, người dùng cũng có thể tắt tính năng chuyển cuộc gọi trên iPhone bằng cách vào Settings (cài đặt) - Phone (điện thoại) - Call forwarding (chuyển cuộc gọi) và tùy chọn Call forwarding (chuyển cuộc gọi).
Cách tắt tính năng chuyển cuộc gọi trên iPhone.
Tương tự, nếu đang sử dụng các thiết bị Android, người dùng chỉ cần truy cập vào phần Settings (cài đặt), gõ vào khung tìm kiếm từ khóa chuyển tiếp cuộc gọi, sau đó vô hiệu hóa tính năng này.
Tắt tính năng chuyển tiếp cuộc gọi trên Android.
3. Đặt mã PIN cho SIM
Android: Đầu tiên, bạn hãy truy cập vào Settings (cài đặt) - Security and Privacy (bảo mật và quyền riêng tư), chọn SIM cần bảo vệ và kích hoạt tùy chọn Lock SIM (khóa thẻ SIM). Lúc này, bạn sẽ được yêu cầu nhập mã PIN mặc định vào khung trống.
Cách đặt mã PIN cho thẻ SIM trên Android.
Cụ thể, mã PIN mặc định của Viettel sẽ là 0000, VinaPhone là 1234, MobiFone 1111, 0000, hoặc bạn có thể liên hệ trực tiếp với nhà mạng để được hỗ trợ.
Cuối cùng, người dùng chỉ cần nhập mã PIN mới khung trống để bảo vệ thẻ SIM.
Kể từ lúc này, mỗi khi gỡ SIM và chuyển sang máy mới hoặc khởi động lại điện thoại, bạn sẽ được yêu cầu nhập thêm mã PIN trước khi sử dụng điện thoại.
IPhone: Người dùng chỉ cần truy cập vào Settings (cài đặt) - Cellular (di động) - SIM PIN (PIN của SIM) - SIM PIN. Sau đó nhập mã PIN mặc định của nhà mạng và đặt mã PIN mới tương tự như trên.
Đặt mã PIN cho SIM trên iPhone.
Trước đó không lâu, Kỷ Nguyên Số cũng đã từng đề cập đến 5 ứng dụng độc hại trên Google Play, được thiết kế để đánh cắp tài khoản ngân hàng của người tiêu dùng.
Hy vọng với những thông tin kể trên, bạn đọc sẽ biết cách nhận diện các chiêu trò lừa đảo và bảo vệ SIM đúng cách, tránh bị sao chép SIM và mất tiền trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.
Thùy Dung (T/h)