Cảm ơn những người thầy tốt, bạn tốt!

10:45, 21/11/2020

Đạt giải Ba học sinh giỏi Quốc gia, giải Nhất Hội thi Tin học trẻ Toàn quốc… với em Nguyễn Đức Thuận – cậu học trò bị bại não là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ và rất nhiều những ấm áp, thương yêu mà cuộc đời dành tặng lại em.

Em Nguyễn Đức Thuận bên những người bạn mới tại Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Giống như nhiều người bạn tốt khác của Thuận, các bạn mới đã giúp đỡ em rất nhiều.

Con đi học, mẹ cũng đi học theo

Kể về cậu con trai Nguyễn Đức Thuận, hiện đang là học sinh lớp 12 Tin, Trường THPT Chuyên Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, chị Đỗ Thị Hoài San (thôn Công Cối, xã Đại Xuân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) giọng đượm buồn: Chị sinh Thuận trong một sáng giá rét. Ca sinh khó kéo dài hơn 4 tiếng khiến chị kiệt sức.

Khi tỉnh, chị lần xem con thế nào, giở các tã cuốn con ra thì thấy một bàn tay con gập xuống bất thường, tím đen. Con không khóc. Chị liền mang con tới bệnh viện, khi đã khóc được thì Thuận lại khóc không ngừng nghỉ suốt ngày đêm.

Biết con bị bệnh bại não thể co cứng, chị rất buồn, xác định hành trình khó nhọc của hai mẹ con bắt đầu, nhưng không thể lường được những vất vả lại nhiều đến thế.

Tới tận bây giờ, mẹ vẫn theo sát, giúp đỡ Thuận trong mọi sinh hoạt cá nhân.

“4 tháng ròng con khóc triền miên. Giấc ngủ của con có lẽ tính bằng giây, chứ không phái bằng phút, bằng giờ. Tháng nào con cũng ốm, hết tuyến trung ương lại tới tuyến huyện, một năm cả 12 tháng mẹ con đều bồng bế nhau đi viện”, chị San chia sẻ.

3 tuổi Thuận vẫn không biết lẫy, người dẻo như cái lạt, không cứng cổ. Lúc nào mẹ cũng phải ẵm ngửa hoặc bế vác vai. Sau một thời gian dài châm cứu, Thuận lật được người nhưng cổ vẫn mềm, không đỡ được đầu. Nói thì ngọng nghịu, chỉ mẹ mới hiểu.

Sức khỏe của Thuận yếu là vậy, nhưng khi lên 4 tuổi, chị San vẫn cho con đi mẫu giáo, với khát vọng con được hòa nhập, hưởng môi trường giáo dục, học tập giống như các bạn.

Chị San luôn đồng hành bên con suốt từ khi con ra đời đến giờ.

Có điều, Thuận đi học thì mẹ cũng ngồi học cùng con luôn. Lúc nào, mẹ cũng ngồi sát bên, một tay đỡ sau lưng con. Kẻo chỉ cần cô giảng bài, nói hơi to, Thuận cũng có thể giật mình ngả ngửa ra đằng sau. Ngoài ra, còn để lau dãi cho Thuận. Mỗi ngày đi học, số khăn lau dãi có thể chất đầy hai chậu nhỏ.

Cứ thế, hành trình mẹ ngồi học cùng con kéo dài cho tới khi Thuận học hết lớp 3 thì các cô giáo đã làm một cái ghế tựa riêng, để Thuận có thể ngồi một mình.

Buổi sáng mẹ cho Thuận lên xe đạp, buộc dây quàng qua người mẹ, đưa Thuận đến lớp, trưa mẹ đón về. Chồng là bộ đội xa nhà, con lớn thì học nội trú trường chuyên của tỉnh, chủ yếu chỉ có hai mẹ con gắng gượng cùng nhau.

“Thuận rất khó ngủ, hầu như trằn trọc cả đêm, mà cũng phải gối tay mẹ mới ngủ được. Cứ khoảng 10 - 15 phút Thuận lại dậy, vật vã khiến mẹ cũng mất ngủ theo. Đến giờ Thuận cũng vẫn khó ngủ như vậy. Thuận đến giờ vẫn không tự đi được, phải có mẹ dắt, đỡ. Nhiều năm chăm con, thương con, lo nghĩ mà sức khỏe tôi sa sút, lúc nào cũng chỉ hơn 40kg, gan, dạ dày, đại tràng... đều có bệnh cả,”, chị San kể.

Không chỉ khó khọc về thời gian, công sức, mà kinh tế cũng là gánh nặng. Dồn toàn tâm toàn sức cho việc chăm con, chỉ còn rảnh quãng thời gian chờ con đi học đón về, hoặc cuối tuần gửi con cho ông bà nội, cày thuê cuốc mướn, ai thuê gì chị San cũng làm, không từ bất cứ việc gì. Chồng chị ngoài giờ làm cũng chạy xe ôm, gom góp tiền cho con đi viện. Lần nào Thuận đi viện cũng phải vay nợ.

Những ân tình không kể hết

Việc học tưởng chừng sẽ vô cùng khó khăn với một cậu bé mắc bệnh bại não như Thuận, nhưng rồi với nỗ lực không ngừng nghỉ, từng bước, từng bước một, Thuận đã nhích dần lên, đạt được những ước mơ của mình trong học tập, đặc biệt là với đối với môn Tin học.

Thuận chia sẻ, em có niềm yêu thích đặc biệt với môn Tin học. Bàn tay cầm bút khó khăn, em viết bài trên máy, từ khi học lớp 5.

Ngay từ những năm đầu tiên đi học, Thuận đã luôn đứng trong tốp đầu. Năm 2019, khi học lớp 11 Trường THPT Quế Võ, Thuận đã giành giải Ba môn Tin học trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Sau đó, Thuận được nhận vào học tại Trường THPT Chuyên Bắc Ninh. Năm 2020, mới đây, Thuận đã giành giải Nhất Hội thi Tin học trẻ Toàn quốc. Hiện tại, Thuận đang ôn thi đội tuyển chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi Tin học Quốc gia sắp tới.

Khi nói về những kết quả Thuận đã đạt được, chị San luôn nhắc tới tình cảm, ân tình của rất nhiều những thầy cô giáo tốt mà Thuận đã có may mắn gặp được trong cuộc đời.

“Ngày Thuận học lớp 2, gia đình dự định đưa Thuận đi mổ xem con có đi lại bình thường được không, cô giáo chủ nhiệm của Thuận nói: “Chị cứ đưa Thuận đi, hết bao nhiêu tiền ở nhà em chạy vạy vay hộ, rồi trả lãi cho chị, đến bao giờ cũng được, chị chỉ cần yên tâm chữa bệnh cho con”. Đến bây giờ, cô vẫn thường xuyên điện, hỏi han về Thuận.

Thầy giáo Minh ở trường THPT Chuyên Bắc Ninh nhiều năm liền, từ cuối năm Thuận học lớp 8, một tuần 7 buổi dạy kèm miễn phí môn Tin cho Thuận. Khi nhìn thấy mẹ con tôi dìu nhau từ xa, các thầy cô ở Trường THPT Chuyên Bắc Ninh, kể cả thầy hiệu trưởng đều chạy lại, dìu Thuận lên lớp.

Và bây giờ là các thầy ở Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, các thầy đã đón Thuận lên Hà Nội, tạo điều kiện hết sức để Thuận được học tập cùng các bạn trong đội tuyển Tin học Quốc gia của trường…

Phát hiện điều thú vị, các bạn đẩy ghế, giúp Thuận di chuyển cùng tới xem.

Còn nhiều những tình cảm khác, không thể kể hết của các thầy cô giáo dành cho Thuận kể từ khi Thuận đi học mầm non tới giờ. Dạy dỗ một học sinh bình thường đã vất vả, với Thuận, nỗi vất vả ấy nhân lên gấp nhiều lần. Tôi cũng chỉ biết động viên con, hãy cố gắng học, còn là để đền đáp lại, cảm ơn những tấm lòng của những người thầy, người cô đã thương yêu, hết lòng vì con”, chị San chia sẻ.

Còn Thuận, khi được hỏi về những người thầy, người bạn, Thuận cười ngượng nghịu, em cũng đã từng phải khóc, rất buồn vì bị các bạn trêu chọc, kỳ thị. Nhưng bù lại, em có nhiều thầy tốt, bạn tốt. "Các thầy tốt lắm, rất yêu quý học trò. Có thầy tựa như người cha thứ hai, yêu thương em như con vậy. Các bạn cũng giúp đỡ em rất nhiều trong sinh hoạt và học tập. Em không hiểu ở đâu, các bạn đều giảng lại cho em", Thuận, cố gắng nói rõ ràng, vẻ mặt xúc động.

Bao năm qua, mọi bước đi của Thuận hầu như đều có mẹ. Thuận chia sẻ, nỗi sợ lớn nhất đối với em chính là mẹ ốm. Em thương mẹ rất nhiều.

Thuận chia sẻ, ước mơ của em là trở thành một lập trình viên, trở thành sinh viên của ĐH Công nghệ. Và động lực cho mọi nỗ lực của em, đó là vì “Em muốn trở thành một người có ích cho xã hội. Sau này, có thể chăm lo được cho bố mẹ, nhất là mẹ. Em thương mẹ lắm, chỉ sợ nhất khi mẹ ốm, không đồng hành được cùng em”.

 
"Chị San cho biết, nghị lực sống của Thuận rất mạnh mẽ. Cũng có lúc chị nghĩ, con đi không nổi, đứng chẳng vững, liệu con có thể theo học được không, nhưng Thuận luôn vượt lên chính mình, lúc nào cũng tươi cười, không bao giờ cáu giận, ca thán. Ăn món gì ngon nhất định phải có mẹ ăn cùng. Chính Thuận đã truyền sức mạnh nghị lực và tình yêu sang cho mẹ.
Còn thầy giáo Ngô Quốc Minh, Trường THPT Chuyên Bắc Ninh cho biết, hiện nay Thuận đang trong tốp dẫn đầu đội tuyển Tin học thi học sinh giỏi Quốc gia của Trường. Thuận là người rất cố gắng, nỗ lực, tinh thần lạc quan. "Có những khi do dịch phải nghỉ học, Thuận cứ hỏi suốt: Bao giờ lại được đi học hả thầy?". Tôi rất tin tưởng Thuận sẽ đạt được những thành công như mong ước của em", thầy Minh nói.

Theo Mai Loan/khoahocdoisong.vn