Cần chủ động nguồn vaccine Covid-19 sản xuất trong nước
Sáng 12-1 tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn khoa học “Cuộc chạy đua vắc xin Covid-19 và cạnh tranh ảnh hưởng giữa các quốc gia” bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.
- Thủ tướng yêu cầu thần tốc tiêm vaccine ngừa Covid-19, đẩy mạnh các biện pháp phòng dịch
- Việt Nam tiêm vượt mốc 160 triệu liều vaccine phòng COVID-19
- Tổ chức thăm dò, khảo sát việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên
- Hà Nội: Triển khai tiêm gần 900.000 liều vaccine mũi 3
- Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ về Kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi
Quang cảnh diễn đàn.
Diễn đàn có gần 400 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến đến từ các cơ quan, tổ chức, trường đại học, địa phương và các doanh nghiệp trong nước.
Diễn đàn là một trong những chuỗi sự kiện khoa học được Viện Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Việt Nam tổ chức thường niên nhằm trao đổi, thảo luận về tác động của đại dịch Covid-19 trên thế giới, thực trạng sản xuất vaccine phòng Covid-19 trên toàn cầu, dự báo những vấn đề quốc tế liên quan và cách tiếp cận của Việt Nam trong chính sách ngoại giao vaccine…
Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS.Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nêu rõ, trong năm 2021, đại dịch Covid-19 là nguồn gây mất an ninh phi truyền thống lớn nhất về y tế và kinh tế, còn cạnh tranh giữa các nước lớn là nguồn gây mất an ninh truyền thống đối với thế giới. Điều đáng chú ý, cuộc chạy đua phát triển, phân phối tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu lại đan xen cuộc cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn... Tổ chức diễn đàn khoa học này, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam mong muốn là cầu nối giữa các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đại học, doanh nghiệp, các nhà quản lý trên cả nước trao đổi, thảo luận và cùng kiến nghị chính sách liên quan đến vấn đề này.
Gần 400 đại biểu tham dự diễn đàn tập trung đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến thế giới và Việt Nam; thực trạng sản xuất vaccine phòng Covid-19 trên toàn cầu; cạnh tranh của các nước trong sản xuất và phân phối vaccine trên toàn cầu; chính sách ngoại giao vắc xin của Việt Nam...
Theo Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân (Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng), đại dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề cho nhân loại. Theo ông, sẽ không có sự an toàn riêng cho một quốc gia nào, mà phải là an toàn chung trên toàn cầu, việc phân phối vaccine phòng Covid-19 cần bảo đảm cho các quốc gia được tiếp cận công bằng. Ngoại giao vaccine vì vậy đang mở ra hướng hợp tác mới trong y tế để sống chung lâu dài với Covid-19.
PGS.TS Nguyễn Trần Hiếu (Đại học An ninh Nhân dân) cho rằng, các hoạt động cạnh tranh ảnh hưởng vaccine của các cường quốc trong khu vực đã và đang tạo ra nhiều thách thức cho các quốc gia trong việc giải quyết dịch bệnh và phụ thuộc lợi ích. Từ thực tiễn đó, ông đưa ra một số đề xuất như: Chính phủ và các cơ quan liên quan cần tiếp tục theo đõi sát diễn biến dịch Covid-19, đẩy lùi dịch bệnh, mở cửa và phục hồi phát triển; chủ động nguồn vaccine sản xuất trong nước...
Từ thực tiễn chống dịch ở các quốc gia trên thế giới, PGS.TS Bùi Quang Tuấn (Viện Kinh tế Việt Nam) cũng khuyến nghị Việt Nam cần tái cơ cấu quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 theo hướng tăng chi cho các hoạt động nghiên cứu phát triển vaccine và thuốc phòng Covid-19; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển vaccine theo hướng tăng lên về quy mô, số lượng các công trình nghiên cứu và chất lượng các nghiên cứu để tạo ra vaccine phòng Covid-19 càng sớm càng tốt; thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thuốc chữa Covid-19, gia tăng vai trò của Việt Nam trong việc đóng góp vào chuỗi cung ứng ở các công đoạn có giá trị cao...
Hoàng Hằng (T/h)