Cần tái định hình quá trình “hiến pháp hóa” để thích ứng với sự thay đổi của công nghệ

17:10, 18/04/2025

Nhà nước cần thiết kế khung khổ pháp lý theo hướng linh hoạt, thử nghiệm có kiểm soát, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh và phức tạp như hiện nay.

Đây là một trong những đề xuất được đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc gia “Kinh tế, Luật và chính sách công nghệ số - Động lực phát triển quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình” được tổ chức sáng 18/4.

Hội thảo được Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) phối hợp cùng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước (CELG) - Đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức, nhằm tạo diễn đàn thảo luận về công nghệ số từ góc độ chính sách, pháp luật, kinh tế vì mục tiêu phát triển đột phá, đồng thời đóng góp các khuyến nghị từ góc độ khoa học và thực tiễn vào các dự thảo Luật và Nghị định liên quan.

491299186_122209273064037667_5266943669383649948_n(1).jpegDiễn giả trình bày tại Hội thảo.

Hội thảo thu hút hơn 200 bài tham luận từ các trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức nghề nghiệp trên cả nước, trong đó hơn 60 bài đã được lựa chọn trình bày tại hội thảo.

Chính sách phát triển công nghệ số trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia làm tiền đề chính trị quan trọng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Theo đó, công nghệ số được xác định như chìa khóa để phá bẫy thu nhập trung bình, và chính sách, pháp luật cho lĩnh vực này phải bảo đảm yêu cầu quản lý và khuyến khích ĐMST, loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Cách tiếp cận này được thể hiện trong hàng loạt dự thảo Luật và Nghị định liên quan như dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật KHCN, ĐMST, và dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Dữ liệu.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng IPS cho biết: "Chúng tôi rất vui mừng vì đây là năm thứ ba, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông phối hợp cùng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước tổ chức hội thảo và diễn đàn thường niên về các vấn đề chính sách và pháp lý cho mảng công nghệ số và kinh tế số".

kan00286.jpgÔng Nguyễn Quang Đồng: Những điều các hội thảo đã thảo luận có sự lan tỏa và tiếp cận rất lớn đến công chúng, đến doanh nghiệp, đến những người làm chính sách

Một trong những vấn đề trung tâm là xem chính sách về thuế ở Mỹ và cuộc chiến thuế quan sẽ tác động như thế nào đến ngành công nghệ, mặc dù ngành công nghệ là ngành bị ảnh hưởng gián tiếp

Theo Viện trưởng IPS, năm đầu tiên hội thảo thảo luận về chủ đề dữ liệu cá nhân, và một trong những khuyến nghị quan trọng là Việt Nam cần phải có một luật chính thức để bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đến nay, Bộ Công an vừa đã dự thảo xong Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự kiến trình Quốc hội xem xét cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 9 diễn ra tháng 5 năm nay.

Năm thứ hai, hội thảo tập trung bàn các vấn đề về trí tuệ nhân tạo (AI), về tài sản số thì năm nay, trong kỳ họp tháng 5 sắp tới, chế định về tài sản số sẽ lần đầu tiên được chính thức hóa.

"Những điều chúng ta đã thảo luận có sự lan tỏa và tiếp cận rất lớn đến công chúng, đến doanh nghiệp, đến những người làm chính sách và chúng tôi với tư cách là đơn vị đồng tổ chức với Đại học Kinh tế TP.HCM thật sự rất vui mừng, cảm thấy những nỗ lực của tất cả chúng ta ngồi đây đã được ghi nhận, đã đạt được những kết quả ý nghĩa ở trên thực tế", ông Nguyễn Quang Đồng chia sẻ.

Tại phiên toàn thể, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, đã trình bày hệ thống chính sách và định hướng phát triển công nghệ số của thành phố. Trong đó, đáng chú ý là chiến lược 1-4-1, gồm: xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính, phát triển 4 trung tâm công nghệ cao đa mục tiêu (AI, dữ liệu lớn, đô thị thông minh và khởi nghiệp sáng tạo), và ưu tiên đầu tư cho 2 hạ tầng chiến lược (hạ tầng giao thông và hạ tầng số).

Từ thực tiễn của địa phương, ông Thắng kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện luật pháp và các văn bản dưới luật theo hướng “thiết kế để phát triển”, đồng thời cho phép các địa phương tiên phong như TP.HCM được thí điểm các cơ chế quản lý và chính sách đặc thù, nhằm tạo đột phá thực sự trong phát triển công nghệ số, ĐMST và kinh tế tri thức.

Đại diện Văn phòng Chính phủ, bà Phạm Thúy Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, khẳng định nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ các rào cản thể chế thông qua Nghị định 88/2025/NĐ-CP, mới được ban hành nhằm hướng dẫn triển khai Nghị quyết 193 của Quốc hội.

Theo bà Hạnh, Nhà nước cần thiết kế khung khổ pháp lý theo hướng linh hoạt, thử nghiệm có kiểm soát, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh và phức tạp như hiện nay. Việc thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực tư nhân, đặc biệt là trong nghiên cứu, ĐMST và khởi nghiệp công nghệ, cũng là định hướng được Chính phủ chú trọng trong giai đoạn tới.

kan00241(1).jpgToàn cảnh hội thảo

Chính sách về AI ở Việt Nam cần cân bằng giữa thúc đẩy phát triển và quản trị rủi ro

Tại hội thảo, bà Nguyễn Lan Phương, phụ trách chương trình nghiên cứu công nghệ số, IPS, trình bày báo cáo phân tích hệ sinh thái AI tại Việt Nam và đề xuất khung chính sách phát triển và quản trị rủi ro đối với công nghệ này. Hệ sinh AI tại Việt Nam gồm 5 trụ cột chính: Hạ tầng kỹ thuật, nhân lực, tài chính, thị trường và chính sách.

Mặc dù Việt Nam có lợi thế về lực lượng kỹ sư công nghệ, thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh và hệ sinh thái khởi nghiệp khá sôi động, nhưng vẫn tồn tại khoảng cách lớn về hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, mô hình AI, dữ liệu và các quy định pháp luật và các hướng dẫn thực hành liên quan.

Đại diện IPS đã đưa ra 10 khuyến nghị hoàn thiện các quy định về dữ liệu, thu hút nhân lực chất lượng cao thông qua các tài trợ nghiên cứu lớn và chấp nhận rủi ro đầu tư, cơ chế định giá cho sản phẩm, dịch vụ AI sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.

Khép lại phiên toàn thể của hội thảo, PGS. TS Đỗ Minh Khôi, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước, Đại học Kinh tế TP.HCM, đã trình bày chuyên sâu với chủ đề “Chủ nghĩa hiến pháp trong kỷ nguyên số”, mang đến góc nhìn học thuật sâu sắc về cách công nghệ đang tái định hình mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và công dân.

Theo PGS. TS Đỗ Minh Khôi, chủ nghĩa hiến pháp hiện đại không chỉ là nền tảng của thiết kế thể chế dân chủ, mà còn là hệ tư tưởng nhằm giới hạn quyền lực và bảo vệ các quyền cơ bản. Tuy nhiên, trong bối cảnh phụ thuộc và kiểm soát số, các nguyên lý của chủ nghĩa hiến pháp đang đối mặt với thách thức chưa từng có - đặc biệt là từ quyền lực tư nhân đến từ các tập đoàn công nghệ toàn cầu.

PGS. TS Đỗ Minh Khôi cho rằng, cần tái định hình quá trình “hiến pháp hóa” để thích ứng với sự thay đổi của công nghệ. Điều này bao gồm việc xem xét lại cơ chế phân quyền giữa công và tư, thiết lập các tiêu chuẩn mới về trách nhiệm giải trình trong môi trường số, và tăng cường cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền con người trong không gian mạng.

Hội thảo khoa học quốc gia “Kinh tế, Luật và chính sách công nghệ số - Động lực phát triển quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình” đã cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ thống thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, kiến tạo và thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng và sâu rộng. Những chia sẻ và phân tích từ đại diện các cơ quan trung ương, địa phương và giới nghiên cứu đã khẳng định rằng, công nghệ số không thể phát triển bền vững nếu thiếu một nền tảng chính sách hợp lý, nhất quán và có tầm nhìn dài hạn.

Hội thảo lần này không chỉ là một hoạt động học thuật, mà còn là minh chứng rõ nét cho nhu cầu đối thoại chính sách dựa trên khoa học và thực tiễn, từ đó đóng góp thiết thực vào quá trình hoạch định luật pháp, thể chế và chiến lược phát triển quốc gia trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của công nghệ, dữ liệu và ĐMST vì con người./.