Cần Thơ: Những kết quả bước đầu trong xây dựng đô thị thông minh
Xây dựng đô thị thông minh là xu thế khách quan, tất yếu hiện nay. Theo đó, đô thị thông minh góp phần giúp cải thiện năng lực quản trị của chính quyền đô thị. Trên cơ sở các chủ trương, định hướng phát triển thành phố tại Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, thành phố Cần Thơ đang triển khai thực hiện Đề án Xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
- Xây dựng một đô thị thông minh: Dữ liệu vô cùng quan trọng
- Đắk Nông khai trương trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh
- Thúc đẩy hạ tầng công nghệ phát triển đô thị thông minh
- 48/63 tỉnh, thành phố triển khai đề án đô thị thông minh
- Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại
- Đô thị thông minh cần chú trọng yếu tố con người hơn là công nghệ
- Phía Tây Hà Nội ‘hiện thực hóa khát vọng’ đô thị thông minh
- 48 tỉnh, thành đang triển khai phát triển đô thị thông minh
- Spider Player 2.1- Chương trình nghe nhạc đa năng
Những kết quả bước đầu
Để hiện thực hóa mục tiêu tại quyết số 59-NQ/TW về “thí điểm xây dựng đô thị thông minh…” và Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 11/4/2017 của Thành ủy Cần Thơ về xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2016 – 2025; ngày 02/08/2021, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 1652/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án).
Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, Cần Thơ đã đạt được một số kết quả nhất định góp phần giúp thành phố dần trở thành đô thị theo hướng thông minh, hiện đại.
Điển hình như việc thí điểm triển khai Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC), bước đầu đã giúp tập hợp và thống kê số liệu kinh tế, xã hội của thành phố trên 08 lĩnh vực: (1) Giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội; (2) Giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền; (3) Giám sát an ninh trật tự và an toàn giao thông; (4) Giám sát điều hành du lịch; (5) Giám sát tương tác phục vụ, phản hồi của người dân (phản ánh hiện trường); (6) Giám sát và cảnh báo chất lượng môi trường; (7) Giám sát thông tin trên môi trường mạng; (8) Giám sát an toàn thông tin mạng (SOC). Qua đó, góp phần hỗ trợ lãnh đạo thành phố trong việc ra quyết định, chỉ đạo các chính sách phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nhanh chóng và kịp thời.
Ngoài ra, nhờ tích hợp hệ thống VNPT VSR (Hệ thống báo cáo và chỉ đạo điều hành), Trung tâm IOC đã giúp cho Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ giám sát, theo dõi được chi tiết các báo cáo từ sở, ngành, quận, huyện lên Ủy ban nhân dân thành phố, đồng nhất về nguồn dữ liệu và hạn chế sai lệch số liệu, kết nối hình thành hệ thống thông tin báo cáo góp phần đẩy nhanh hiệu quả chuyển đổi số của chính quyền và các lĩnh vực của đời sống.
Cần Thơ thí điểm triển khai Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC).
Bên cạnh đó, Cần Thơ cũng đã triển khai xây dựng nền tảng tích hợp dữ liệu (LGSP), xây dựng kho dữ liệu dùng chung sẵn sàng cho việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu... Ngoài ra, nền tảng quy hoạch không gian (SPP) đang triển khai xây dựng nhằm phục vụ cho công tác quản lý quy hoạch đô thị và phát triển thành phố thông minh; ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung thành phố; ban hành mã định danh điện tử các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Trong lĩnh vực giao thông, Cần Thơ đã thành lập Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng trực thuộc Sở Giao thông vận tải, với nhiệm vụ quản lý về các giải pháp hỗ trợ cho sự phát triển giao thông công cộng, bao gồm việc hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân ở khu vực trung tâm, quản lý về điểm đỗ; xây dựng chính sách giá vé, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá thúc đẩy sự tham gia giao thông công cộng. Nhìn chung, việc ứng dụng Giao thông số cho phép hỗ trợ công dân sử dụng các dịch vụ giao thông công cộng, tình hình giao thông công cộng, thanh toán điện tử được cải thiện và mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người dân.
Thành phố Cần Thơ đã đầu tư mở rộng mạng lưới tuyến, phương tiện hiện đại, đã xây dựng fanpage “Cantho Bus” để người dân dễ dàng nắm rõ thông tin về các tuyến xe buýt đang hoạt động; đang đầu tư Hệ thống giao thông thông minh (ITS), trong đó có phần mềm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (BMS); các hãng taxi trên địa bàn thành phố có tổng đài, ứng dụng web và ứng dụng điện thoại cho phép người dân lựa chọn phương thức sử dụng theo nhu cầu; thành phố Cần Thơ hiện có 2 trạm thu phí, cũng đều đã triển khai dịch vụ thu phí không dừng giúp di chuyển nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, tránh gây ùn tắc giao thông và hạn chế tiếp xúc, tăng cường phòng ngừa dịch bệnh…
Trong lĩnh vực môi trường, Cần Thơ đã triển khai thí điểm hệ thống Giám sát và cảnh báo chất lượng môi trường với hệ thống sử dụng các cảm biến IoT giúp tự động thu thập dữ liệu về nước, chất thải, không khí, đồng thời cho phép xây dựng các mô hình cảnh báo về chất lượng môi trường với độ chính xác cao góp phần hỗ trợ lãnh đạo thành phố chỉ đạo, ra quyết định để nâng cao chất lượng môi trường của thành phố. Riêng công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, thành phố đã triển khai xây dựng Hệ thống giám sát khai thác cát với mục tiêu xây dựng hệ thống giám sát trực tuyến, theo thời gian thực hiện các phương tiện khai thác cát (khối lượng, vị trí khai thác...), nhằm quản lý hiệu quả hoạt động này trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã được Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương.
Đặc biệt, thành phố Cần Thơ tích cực triển khai, thí điểm nhiều ứng dụng thông minh nhằm phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Điển hình đó là ứng dụng Cần Thơ Smartcity được triển khai trên cả 02 hệ điều hành Android và trên IOS.
Ứng dụng được tích hợp nhằm phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin chuyên ngành, dịch vụ công, các dịch vụ tiện ích khác của người dân và doanh nghiệp.
Cần Thơ còn triển khai thí điểm Hệ thống Giám sát tương tác phục vụ, phản hồi của người dân (phản ánh hiện trường) cụ thể qua các kênh: Tổng đài 1022; Trang thông tin điện tử Tổng đài Thông tin dịch vụ công 1022 thành phố Cần Thơ (tên miền: 1022.cantho.gov.vn); Ứng dụng di động (app) Can Tho SmartCity; Địa chỉ email Tổng đài Thông tin dịch vụ công (địa chỉ: 1022@cantho.gov.vn); Zalo, Facebook (1022 Cần Thơ); xây dựng cổng dữ liệu (https://data.cantho.gov.vn) nhằm cung cấp dữ liệu mở của thành phố cho người dân và doanh nghiệp có thể khai thác sử dụng phục vụ cho nhu cầu công việc và cuộc sống.
Những khó khăn, hạn chế khi Cần Thơ phát triển Đô thị thông minh
Bên cạnh những kết quả khả quan bước đầu, quá trình triển khai thực hiện Đề án cũng phát sinh nhiều hạn chế, vướng mắc, cụ thể như:
Một là, phát triển đô thị thông minh là vấn đề mới, phức tạp (được Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị thí điểm để đánh giá hiệu quả và nhân rộng) và thực tế nhiều địa phương đã và đang triển khai thí điểm Trung tâm IOC, cho nên một số ngành và một số quận, huyện trên địa bàn thành phố còn lúng túng trong triển khai thực hiện.
Hai là, Trung tâm IOC được triển khai thí điểm mặc dù có kết quả bước đầu nhưng vẫn chưa đáp ứng hết yêu cầu cho công tác phục vụ chỉ đạo điều hành của lãnh đạo thành phố do chậm hoàn thiện bộ máy vận hành, việc cập nhật dữ liệu, số liệu các lĩnh vực từ các đơn vị chưa được xuyên suốt, kịp thời; đồng thời, có phần lúng túng trong quản lý vận hành hệ thống, chưa mạnh dạn phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc tích hợp, xử lý dữ liệu về Trung tâm IOC.
Ba là, dữ liệu đối với đô thị thông minh là quan trọng nhưng các ngành còn chậm triển khai cơ sở dữ liệu chuyên ngành để tích hợp, phân tích phục vụ dự báo và hỗ trợ ra quyết định kịp thời, chia sẻ dữ liệu, cung cấp dữ liệu mở.
Bốn là, nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn hạn chế, đặc biệt trong cơ quan nhà nước; đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin còn hạn chế về năng lực và trình độ chuyên môn, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu trong quá trình đô thị thông minh. Cạnh đó, điều kiện tiếp cận công nghệ số, kỹ năng số của bộ phận người dân vùng nông thôn còn hạn chế, nhất là việc tiếp cận sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước.
Cuối cùng, kinh phí ngân sách nhà nước chi cho ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển đô thị thông minh, chuyển đổi số còn thấp so với yêu cầu (trung bình mỗi năm khoảng 0,3-0,4% tổng chi ngân sách).
Theo Tạp chí Điện tử & Ứng dụng
(https://dientuungdung.vn/can-tho-nhung-ket-qua-buoc-dau-trong-xay-dung-do-thi-thong-minh)