Cần xử lý mạnh tay cuộc gọi rác để người dân không bị làm phiền

Nguyệt Hằng 06:54, 21/07/2020

Thống kê sơ bộ cho thấy chỉ trong một tháng, hệ thống chặn lọc cuộc gọi rác đang triển khai thí điểm tại nhà mạng Viettel đã phát hiện khoảng 49 triệu cuộc gọi nghi ngờ là cuộc gọi rác từ hơn 26.700 số điện thoại, ảnh hưởng đến khoảng 18 triệu khách hàng.

Những “nạn nhân” của cuộc gọi rác đã bức xúc từ lâu, nhiều người, hằng ngày bị “dội bom” biết bao cuộc gọi mời mua đất, mua bảo hiểm, cho vay tín dụng thủ tục đơn giản nhận tiền tức thì, tập yoga chữa bách bệnh, thông tắc hầm cầu bể phốt…, khiến cho cuộc sống vốn đã bận bịu lại luôn bị ngắt quãng, gián đoạn, dẫn đến bực mình, mất tập trung. Không chỉ thế, một số người còn thật sự bị mất tiền oan khi thấy nhiều cuộc gọi nhỡ bèn gọi lại thì bị trừ hàng chục nghìn đồng đến hàng triệu đồng trong tài khoản.

Điều cần thiết là tập trung làm rõ các cuộc gọi rác, phân tích dữ liệu về hành vi, đặc điểm cuộc gọi để xác định số thuê bao phát tán, từ đó có biện pháp xử lý, ngăn chặn, dẹp bỏ.

Theo Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, một trong những nguyên nhân cuộc gọi rác được thực hiện do các thông tin cá nhân của người sử dụng bị lộ, lọt qua nhiều nguồn như chuỗi nhà hàng, khách sạn, siêu thị lớn… Những thông tin này được chia sẻ, mua bán một cách bất hợp pháp mà không được sự đồng ý của khách hàng.

Trung bình, mỗi tháng trên cả nước có khoảng 10.000 số máy thực hiện cuộc gọi rác, gây phiền phức cho hàng triệu người dùng. Tuy nhiên từ tháng 7 này, các cuộc gọi rác mời mua bất động sản, mua bảo hiểm… sẽ bắt đầu bị hạn chế khi các nhà mạng vào cuộc mạnh mẽ, áp dụng công nghệ hiện đại để kiểm soát, phát hiện cuộc gọi rác ngay theo thời gian thực.

Ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty hạ tầng mạng VNPT Net cho biết: "Chúng tôi ứng dụng công nghệ Big data và sẽ phân tích được ngay dấu hiệu của thuê bao, nếu phát hiện ra sổ thuê bao thực hiện cuộc gọi rác chúng tôi sẽ chuyển cho Vinaphone khóa cuộc gọi đi của thuê bao".

Bộ Thông tin và truyền thông yêu cầu các nhà mạng phải gọi điện thoại hoặc nhắn tin đề nghị khách hàng xác thực. Ví dụ: Người dùng sẽ nhận được điện thoại hoặc tin nhắn từ nhà mạng để hỏi xem cuộc gọi từ số 0985xxx729 có phải làm phiền quý khách không? Nếu đúng là làm phiền, ấn phím 1, không làm phiền ấn phím 0 và gửi tin nhắn cho nhà mạng.

Cục Viễn thông nhấn mạnh, việc nhắn tin xác thực của người dùng có vai trò rất quan trọng, là căn cứ để nhà mạng chặn thuê bao phát tán cuộc gọi rác. Cục viễn thông cũng yêu cầu các nhà mạng phải hiển thị tin nhắn, khi cuộc gọi đến cho người dùng là cuộc gọi quảng cáo. Ví dụ : Đây là cuộc gọi từ Công ty quảng cáo lĩnh vực bất động sản. Nếu không muốn nghe, chỉ cần ấn nút "Bỏ qua".

Hiện 80% các cuộc gọi rác hàng tháng xuất phát từ "sim rác". Do vậy, giải quyết triệt để tình trạng sim rác cũng được Bộ quan tâm. Hiện Bộ đã thu hồi hơn 20 triệu sim rác và đẩy mạnh xử lý việc mua bán thông tin cá nhân trái quy định pháp luật. Trong 3 tháng tới, khi tất cả các nhà mạng vào cuộc, các cuộc gọi rác được kỳ vọng sẽ giảm mạnh, không còn gây phiền phức cho người dùng.

Trước đấy, từ ngày 1/7/2020, nhà mạng bắt đầu áp dụng giải pháp công nghệ để lọc và cắt liên lạc các thuê bao phát tán cuộc gọi rác.

Cục Viễn Thông cho hay việc chặn lọc cuộc gọi rác sẽ dựa trên năm tiêu chí bao gồm: Tần suất thực hiện cuộc gọi; tỉ lệ cuộc gọi có thời gian liên lạc ngắn; tỉ lệ cuộc gọi có thời gian giữa các cuộc gọi ngắn; tỉ lệ gọi đi cho các thuê bao không có mối quan hệ và đặc điểm hành vi sử dụng.

Các tiêu chí này được sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu (big data) và máy học (machine learning) để nhận diện thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác. Trong trường hợp bị xác định là cuộc gọi rác, thuê bao thực hiện hành vi phát tán cuộc gọi sẽ bị xử lý bằng cách khóa chiều gọi đi đối với thuê bao nội mạng và khóa chiều gọi đến đối với thuê bao liên mạng.

Khi bị các cuộc gọi rác làm phiền khách hàng có thể phản ánh qua các số điện thoại sau:

Vinaphone: 18001091

Viettel: 198 - 18008198

MobiFone: 18001090

Nhuyệt Hằng