Cảnh báo nguy cơ trẻ em bị xâm hại khi tham gia các lớp học trực tuyến
Hiện nay, nhiều kẻ xấu đang lợi dụng các lớp học trực tuyến để tiếp cận với trẻ em, sau đó dụ dỗ, đe dọa trẻ thỏa hiệp những động cơ đen tối.
Theo Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em, vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em qua mạng Internet đang gia tăng một cách đáng lo ngại. Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các trường học đóng cửa, tất cả trẻ em đều phải ở nhà và học trực tuyến thông qua các phần mềm miễn phí trên mạng Internet. Thời gian trẻ hoạt động trên mạng nhiều đã mở ra cơ hội cho kẻ xấu có hành vi xâm hại và lạm dụng.
Để bảo vệ trẻ trước những rủi ro đáng tiếc, phụ huynh nên theo sát khi các em sử dụng các thiết bị di động, laptop… có kết nối Internet, kể cả khi đang tham gia các lớp học trực tuyến. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần hướng dẫn trẻ nhận dạng những rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng mạng Internet.
Ví dụ, tránh kết bạn với người lạ, không xem những chương trình không phù hợp với độ tuổi, không bắt nạt bạn bè… Đặc biệt, phụ huynh nên thường xuyên tỏ ra chia sẻ, quan tâm để các em chủ động chia sẻ những vấn đề hay gặp trên mạng, từ đó kịp thời đưa ra biện pháp xử lý phù hợp khi có sự cố.
Ictnews thông tin, vấn đề này không chỉ xuất hiện ở riêng Việt Nam mà còn xảy ra ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Vài hôm trước, một lớp học trực tuyến thông qua phần mềm Zoom ở Singapore đã xuất hiện hình ảnh một người đàn ông khỏa thân khiến các học viên hốt hoảng. Sự cố này khiến Bộ Giáo dục Singapore quyết định dừng tất cả chương trình học trực tuyến qua phần mềm Zoom.
Nhiều lớp học trực tuyến ở Việt Nam cũng từng xảy ra hiện tượng kẻ lại xâm nhập vào, sau đó đăng tải những nội dung độc hại, phản cảm… ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của trẻ em. Ngoài ra, tình trạng sinh viên, học sinh bị quấy rối, lạm dụng, bắt nạt trên mạng thường xuyên diễn ra, ảnh hưởng xấu đến chất lượng giáo dục.
Hiện nay, các cơ quan chức năng cần có biện pháp cứng rắn khắc phục vấn nạn này, đồng thời trang bị cho cả phụ huynh lẫn trẻ em những kiến thức, kỹ năng cơ bản để phòng ngừa bị xâm hại trên mạng Internet. Khi phát hiện trẻ em có dấu hiệu bị lạm dụng, xâm hại, bắt nạt, phụ huynh có thể liên hệ Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em theo số 111 để được tư vấn, đưa ra biện pháp xử lý nhằm hạn chế tối đa tổn hại đến trẻ.
Minh Thùy/TH