Cảnh giác với cuộc gọi lừa đảo mạo danh nhân viên công ty điện lực
Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ đầu tháng 5/2021 đến nay, đã có nhiều trường hợp khách hàng phản ánh thông qua các kênh Chăm sóc khách hàng về việc có nhiều số điện thoại lạ tự xưng là "tổng đài ngành điện", "nhân viên điện lực", "điện lực Việt Nam" để yêu cầu khách hàng nộp tiền điện, có trường hợp còn dọa sẽ cắt điện nếu không nộp tiền.
Tại TP Hồ Chí Minh, Tổng đài Trung tâm chăm sóc khách hàng trực thuộc Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh cũng liên tiếp nhận được phản ánh của khách hàng về việc nhận được các cuộc gọi từ các số điện thoại lạ (+84584466432, +180013609952, +84584160503, +670919359918…) và tin nhắn từ Tổng đài 152501 tự xưng là Điện lực Việt Nam gọi đến để cảnh báo với nội dung: Điện lực Việt Nam xin thông báo khẩn cấp, do tình trạng sử dụng điện bất thường nay Công ty chúng tôi thông báo tạm ngừng cung cấp điện nếu cần hỗ trợ vui lòng bấm phím 9 để gặp nhân viên tư vấn.
Sau khi bấm số 9 thì nghe giọng nói như một nhân viên tổng đài đề nghị cung cấp tên và địa chỉ để kiểm tra. Sau đó, người này tiếp tục thông tin khách hàng đang nợ tiền điện và dọa nạt sẽ gửi hồ sơ sang công an, sau đó yêu cầu chuyển tiền gấp tới số tài khoản lạ.
Theo thống kê chưa đầy đủ của các ngành chức năng, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu từ đầu năm đến nay, công an tỉnh đã phát hiện xử lý hàng trăm vụ lừa đảo trên không gian mạng internet, mạng viễn thông, trong đó có 39 vụ mạo danh hòng chiếm đoạt số tiền khoảng hơn 10 tỷ đồng.
Tại Đồng Nai, gần đây cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 200 vụ lừa đảo trên không gian mạng, mạng viễn thông; trong đó có 90 vụ giả danh công an, cán bộ viện kiểm sát gọi điện đe dọa, yêu cầu cung cấp số tài khoản, và chuyển khoản.
Tại TP Hồ Chí Minh, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2021, Công an thành phố đã xử lý 308 đối tượng liên quan đến 286 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng và mạng viễn thông.
Ông Trương Đình Quốc - Phó Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Đồng Nai cho biết, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng xảy ra tình trạng tương tự khi các đối tượng xấu mạo danh nhân viên điện lực, sử dụng các số điện thoại lạ liên hệ với khách hàng nhằm mục đích lừa đảo.
Ông Trương Đình Quốc - Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai
Theo ông Quốc, ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, Công ty Điện lực Đồng Nai đã tổng hợp hồ sơ, gửi tới Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Đồng Nai nhằm xác minh vụ việc. Công ty Điện lực Đồng Nai cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về các số điện thoại tổng đài Điện lực Đồng Nai trên các website và phương tiện thông tin đại chúng cũng như mạng xã hội để người dân có thể tiếp cận tốt hơn, tránh bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo.
Ông Quốc cũng khuyến cáo thêm, trong trường hợp người dân nhận được bất cứ thông tin nào từ các đối tượng có dấu hiệu lừa đảo như trên, cần lập tức thông báo tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền, hoặc trực tiếp liên hệ với Công ty Điện lực Đồng Nai thông qua hai đầu số chính thức và duy nhất là 19001006 và 19009000.
Trao đổi về việc phòng ngừa các loại hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ông Lê Văn Cao, Kiểm sát viên trung cấp thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và có chiều hướng gia tăng.
Ông Lê Văn Cao - Kiểm sát viên VKSND tỉnh Đồng Nai
Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan nhà nước, quen biết qua mạng xã hội, lợi dụng quan hệ tình cảm, trao đổi, mua bán hàng hoá qua mạng, tin nhắn rác, tin nhắn trúng thường; kêu gọi đầu tư, tài trợ, làm từ thiện, thiết lập các trang mạng ngân hàng giả mạo để lấy dữ liệu thông tin khách hàng, đánh tráo hồ sơ, sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản, giả mạo chứng từ để chuyển tiền, rút tiền, vay tiền.
Để hạn chế đến mức thấp nhất loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân xảy ra trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các ngành, đoàn thể các cấp thực hiện một số giải pháp cần thiết.
Cụ thể, đối với Công an tỉnh, cần chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đoàn thể tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; hối hợp chặt chẽ các cơ quan đoàn thể ở các địa phương làm tốt công tác phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn, hậu quả do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra và các quy định của pháp luật có liên quan để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, doanh nghiệp.
PV (T/h)