Cao Bằng: Ứng dụng khoa học công nghệ bảo tồn cây mận máu địa phương
Cao Bằng là địa phương nổi tiếng với các loại mận như: mận máu, mận chín sớm, mận tam hoa, mận thép…, trong đó, mận máu là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của người dân còn hạn chế, thiếu đồng bộ nên chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh và chưa trở thành cây chủ lực góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.
Hiện nay, diện tích trồng mận máu trên địa bàn tỉnh nói chung còn manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm chưa đủ cung cấp cho người dân địa phương. Mặt khác, trong quá trình canh tác, người dân chưa chú ý đến các giải pháp kỹ thuật về nhân giống, trồng, chăm sóc, thâm canh, giống... nên năng suất không đồng đều, dẫn đến thu nhập của người dân không ổn định. Đặc biệt là công tác nhân giống, đây là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất, chất lượng và khả năng phát triển giống mận máu trên địa bàn tỉnh.
Mận máu Bảo Lạc.
Hiện tổng diện tích trồng mận tại Cao Bằng 283,83 ha, trong đó 241,73 ha cho thu hoạch với năng suất 30,85 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 745,72 tấn quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng mận. Nhiều gia đình đạt năng suất 100 - 150 kg/cây/vụ, thu nhập trên 100 triệu đồng/vụ.
Để bảo tồn, gìn giữ nguồn gen cây mận đặc sản và từng bước nâng cao chất lượng, sản lượng sản phẩm mận máu Cao Bằng, trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề tài “Nghiên cứu phục tráng và phát triển giống mận đặc sản tại tỉnh Cao Bằng”, từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ, năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ ký hợp đồng nghiên cứu với Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau hoa quả Gia Lâm - Viện Nghiên cứu rau quả thực hiện Dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống mận máu đặc sản cho năng suất, chất lượng cao tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng”, với mục tiêu phát triển và mở rộng diện tích trồng mận máu đặc sản trên đất dốc nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất tự nhiên, góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập và làm giàu cho người dân.
Đến nay, Dự án thực hiện điều tra, khảo sát thực trạng sản xuất giống mận máu đặc sản tại các xã: Khánh Xuân, Xuân Trường, Hồng An, Huy Giáp (Bảo Lạc); xây dựng vườn ươm nhân giống mận máu quy mô 1.000 m2 bằng phương pháp ghép mắt trên gốc ghép là cây đào đạt tiêu chuẩn xuất vườn, nguồn mắt ghép lấy từ 8 cây mận đã được tuyển chọn; phát triển và mở rộng diện tích trồng mới cây mận máu với quy mô 15 ha; xây dựng mô hình thâm canh cây mận máu tại 2 xã Phan Thanh, Khánh Xuân, quy mô 0,5 ha.
Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Xuân Sinh Văn Phong cho biết: Hiện nay, diện tích mận máu trên địa bàn xã còn manh mún, mỗi hộ có khoảng 5 - 6 cây, hộ nhiều có khoảng 10 cây; người dân địa phương chưa áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc nên cây đậu quả kém, quả nhỏ…
Khi tham gia mô hình trồng mận, người dân mong muốn được cơ quan chức năng hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật nhân giống bằng mắt ghép, kỹ thuật cắt tỉa ngọn, tỉa cành, cách phòng trừ sâu bệnh, cách thu hoạch, bảo quản sản phẩm… để người dân yên tâm sản xuất.
Bên cạnh sự hỗ trợ của ngành khoa học và công nghệ, rất cần sự chung tay, vào cuộc của chính quyền địa phương, các cấp, ngành trong việc nghiên cứu, đầu tư để xây dựng và phát triển sản phẩm mận máu Cao Bằng. Trước mắt cần xây dựng kế hoạch phát triển lâu dài, chú trọng xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để tạo ra các giống cây trồng đạt năng suất, chất lượng…, từ đó khuyến khích nhân dân trong vùng tập trung sản xuất, đưa cây mận máu trở thành cây trồng hàng hóa có giá trị của địa phương.
Nguồn: Báo Cao Bằng