Cáp quang biển AAE-1 gặp sự cố, Internet từ Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng

10:32, 07/12/2022

Mới đây 1 tuyến cáp biển là Asia Africa Europe 1 (AAE-1) lại gặp sự cố, gây ảnh hưởng nhất định đến dịch vụ Internet từ Việt Nam đi quốc tế.

Asia Africa Europe 1 (AAE-1) bắt đầu hoạt động từ tháng 7/2017, có chiều dài 23.000 km, giúp Việt Nam kết nối hướng đến khu vực châu Âu, Trung Đông cũng như bổ sung lưu lượng dự phòng đi Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore.

Đây là 1 trong 5 tuyến cáp quang biển quan trọng, chiếm phần lớn dung lượng kết nối internet từ Việt Nam đi quốc tế, cùng với các tuyến AAG, APG, IA, SMW3.

Tuy nhiên, một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) thông tin, toàn bộ lưu lượng trên tuyến AAE-1 đã bị mất từ cuối tháng 11 do phân đoạn S1H gặp lỗi dò nguồn (Shunt). Vị trí lỗi nằm cách trạm Aguilar trong vùng biển Hong Kong hơn 3 km.

Sơ đồ hệ thống cáp quang biển quốc tế AAE-1.

Lỗi dò nguồn xảy ra khá phổ biến với cáp quang biển, thường do neo tàu, tàu đánh cá, dòng chảy mạnh kéo dây cáp dọc theo đáy biển hoặc thậm chí do sinh vật biển.

Đơn vị quản lý AAE-1 chưa đưa ra lịch khắc phục sự cố. Các ISP trong nước đã thực hiện phương án dự phòng, điều hướng lưu lượng nhưng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế vẫn bị ảnh hưởng, hoạt động chập chờn tùy thời gian sử dụng.

Lỗi này nếu không được khắc phục ngay có thể ảnh hưởng đến toàn đường dây. Tuy nhiên để sửa lỗi này cần phải kéo cáp lên, làm đường cáp ngừng hoạt động trong khoảng 1-3 ngày

Cùng với AAE-1, tuyến cáp quang biển Asia America Gateway (AAG) cũng đang bị lỗi. Trước đó, vào tháng 6/2022, tuyến cáp này gặp sự cố hướng kết nối đi Singapore và Hong Kong (Trung Quốc). Đến nay, lỗi trên nhánh S1H hướng Hong Kong (Trung Quốc) đã được sửa xong, lỗi trên nhánh S1L dự kiến sửa xong vào 8/12. Riêng hướng kết nối đến Singapore chưa có lịch sửa chữa.

Cáp quang biển AAG vận hành năm 2010, tổng chiều dài 20.000 km và dung lượng tối đa 2 Tbps, kết nối Đông Nam Á với Mỹ. Điểm đầu của tuyến đặt tại Malaysia và kết thúc ở Mỹ. Nhánh cáp Việt Nam sử dụng thuộc đoạn S1 với chiều dài 314 km.

Do hai tuyến cáp quang cùng gặp sự cố, Internet Việt Nam đi quốc tế sẽ bị ảnh hưởng, trong đó có việc truy cập các dịch vụ phổ biến như Gmail, Google, Facebook, YouTube.

Các ISP Việt Nam đang tham gia khai thác một số tuyến cáp quang biển quốc tế AAG, SMW3, IA, AAE-1 và APG. Việt Nam kết nối Internet quốc tế chủ yếu thông qua các tuyến cáp quang này, và việc 2 tuyến cùng lúc gặp sự cố sẽ làm chậm tốc độ truy cập Internet.

Cáp quang biển tại Việt Nam hiện vẫn được đánh giá là thiếu và yếu. Việt Nam hiện có 7 tuyến cáp quang biển phục vụ hơn 97 triệu dân, tức trung bình 14 triệu dân trên một tuyến cáp. Con số này ở mức thấp so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, trong khi nhu cầu sử dụng Internet tại Việt Nam ngày càng tăng.

Theo một nguồn tin, cáp quang biển tại Việt Nam gặp sự cố khoảng 10 lần mỗi năm, mỗi lần sửa kéo dài cả tháng. Điều này khiến nhà mạng chỉ khai thác sử dụng được 3/4 khả năng của tuyến cáp đó.

 Chân Hoàn (T/h)