Cất cánh từ thể chế - Bài 2: Tư duy đột phá, thể chế khai thông

12:55, 07/05/2025

Từ bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đến Nghị quyết 68-NQ/TW, khát vọng phát triển đang đặt thể chế vào tâm điểm của cải cách…

Sau khi bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm được công bố như một lời hiệu triệu cải cách toàn diện, Nghị quyết 68-NQ/TW nhanh chóng ra đời, thể hiện quyết tâm chính trị trong việc chuyển hóa tư tưởng thành hành động cụ thể. Khát vọng phát triển giờ đây đang đặt thể chế vào tâm điểm của cải cách, nơi mà tư duy mới sẽ quyết định sức bật mới.

Tư duy đột phá – nền tảng cho cải cách thể chế

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm được xem như bản chỉ dẫn cải cách ở cấp cao nhất, không chỉ kêu gọi đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, mà còn đặt lại nền móng thể chế. Thể chế ấy, nếu không mở đường cho doanh nghiệp, thì không thể dẫn dắt được tăng trưởng.

Không phải lần đầu tiên khái niệm “thể chế” được đặt lên bàn nghị sự, nhưng chưa bao giờ vai trò của nó lại được nhấn mạnh rõ ràng như trong bài viết của người đứng đầu Đảng. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu cải cách thể chế phải toàn diện, không chỉ ở việc sửa đổi các quy định, mà là thay đổi tư duy từ gốc.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận tổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Quốc hội.

Tổng Bí thư gọi tên những vấn đề cốt lõi từng khiến thể chế vận hành nặng nề: tâm lý hành chính hóa trong làm luật, tư duy xin – cho, sợ trách nhiệm, và những rào cản pháp lý khiến người làm ăn chân chính thiếu niềm tin. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là cách đặt vấn đề trực diện và triệt để ấy lại không dừng ở cảnh báo, mà mở ra một triển vọng: nếu tư duy được đổi mới đúng nghĩa, thể chế sẽ trở thành đòn bẩy phát triển.

Cách tiếp cận không né tránh ấy cho thấy quyết tâm chính trị rõ ràng, đồng thời đặt ra một tiêu chuẩn mới: thể chế không chỉ là công cụ điều hành, mà phải là hệ sinh thái kiến tạo.

Từ tư tưởng đến hành động

Chỉ vài ngày sau bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm được công bố, Nghị quyết 68-NQ/TW (Nghị quyết 68) đã ra đời không chỉ tái khẳng định vị thế của kinh tế tư nhân, mà còn cụ thể hóa các yêu cầu cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Văn kiện nhấn mạnh: “Hệ thống pháp luật còn một số quy định mâu thuẫn, chồng chéo, chưa đồng bộ, thiếu tính khả thi, tính dự báo thấp…”, đồng thời chỉ rõ cơ chế chính sách còn tạo ra gánh nặng chi phí không chính thức, làm xói mòn niềm tin vào thị trường.

Nghị quyết nêu rõ yêu cầu “tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi, an toàn”, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và bảo đảm quyền tự do kinh doanh.

Đây chính là bước chuyển hóa tư tưởng thành hành động chính sách, điều từng bị coi là điểm yếu trong nhiều chủ trương cải cách trước đây. Sự đồng bộ giữa tư tưởng lãnh đạo và hành động chính sách, từ tinh thần xuyên suốt bài viết đến Nghị quyết chính là điều mà cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng từ lâu.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công tại lễ công bố PCI 2024 sáng 6/5/2025. Ảnh: Nguyễn Giang.

Không chỉ dừng lại ở định hướng cấp Trung ương, những tín hiệu cải cách đã lan tỏa đến cả tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Tại lễ công bố PCI 2024 sáng 6/5/2025, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công khẳng định: “Bài viết của Tổng Bí thư và Nghị quyết 68 không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến khu vực kinh tế tư nhân, mà còn đặt ra yêu cầu cụ thể về hành động. Đây là thời điểm tốt nhất để thể chế hóa niềm tin và cải cách thực chất vì doanh nghiệp”.

Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh rằng, PCI năm nay ghi nhận một số tín hiệu tích cực: nhiều địa phương đang chủ động tháo gỡ rào cản, cơ quan công quyền có chuyển biến rõ trong cách tiếp cận doanh nghiệp. “Nếu thể chế tiếp tục được cải cách đồng bộ và quyết liệt như tinh thần chỉ đạo mới, chúng tôi tin rằng môi trường đầu tư kinh doanh sẽ bước vào một chu kỳ phát triển mới”, Chủ tịch VCCI nói.

Từ thực tiễn hoạt động doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Phương – Chủ tịch HĐQT Công ty Heaway Việt Nam đánh giá với Diễn đàn Doanh nghiệp: “Điều tôi cảm nhận rõ sau bài viết của Tổng Bí thư và Nghị quyết 68 là một sự chuyển dịch mạnh về nhận thức chính trị đối với doanh nghiệp tư nhân.

Trước đây, chúng tôi thường phải tự tìm đường, thậm chí tự xoay xở trong môi trường thể chế chồng chéo. Nhưng lần đầu tiên, chúng tôi thấy khái niệm bảo vệ người làm ăn chân chính được đưa vào chỉ đạo chiến lược ở cấp cao nhất. Điều này không chỉ tạo động lực mà còn mang lại cảm giác được ghi nhận, một sự chưa từng có đối với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân.

Ông Nguyễn Duy Phương – Chủ tịch HĐQT Công ty Heaway Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Giang.

Chúng tôi không mong được ưu ái, càng không kỳ vọng đặc quyền, điều chúng tôi cần là một môi trường công bằng, nơi pháp luật được thực thi nhất quán và minh bạch. Khi niềm tin được củng cố bằng hành động cụ thể, chúng tôi sẽ không phải dò dẫm bước từng bước, mà có thể tự bứt phá, đóng góp nhiều hơn cho đất nước”, ông Phương chia sẻ.

Cũng trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Lee & Cộng sự cho rằng, Nghị quyết 68 là bước tiến quan trọng, nhưng theo bà Nhung, điều quyết định nằm ở cách tổ chức lại hệ thống luật.

“Chúng ta đang có quá nhiều văn bản dưới luật gây nhiễu loạn. Nếu không tái cấu trúc hệ thống pháp lý theo hướng thống nhất, dễ hiểu, dễ thực thi thì mọi kỳ vọng vẫn sẽ bị chặn lại ở tầng thực thi. Điều tôi kỳ vọng là một cơ chế pháp lý đồng bộ, ổn định và bảo vệ doanh nghiệp thay vì làm họ rơi vào bẫy thủ tục”, bà Nhung chia sẻ.

Luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Lee & Cộng sự. Ảnh: NVCC.

Có thể thấy, hai quan điểm – một từ thực tiễn kinh doanh, một từ nền tảng pháp lý đã cùng phản ánh một điểm chung: tinh thần cải cách đã chín muồi, và giờ là lúc hành động để biến kỳ vọng thành hiện thực.

Khi tư tưởng cải cách đã rõ, đường hướng chính sách đã ban hành, thì thể chế không thể tiếp tục là chiếc bóng lẽo đẽo sau kỳ vọng. Đã đến lúc những rào cản pháp lý, những quy định chồng chéo, những khoảng xám “xin – cho” phải được gỡ bỏ như cách người ta tháo gông để bước vào đường đua thực sự.

Nếu thể chế là chiếc chìa khóa để giải phóng năng lực phát triển, thì cải cách thể chế không thể tiếp tục được hiểu là sửa luật theo kiểu chắp vá. Cần một tinh thần cải cách toàn diện, từ tư duy xây dựng luật, đến cách tổ chức thực thi, và cả thái độ của bộ máy công quyền.

Cất cánh từ thể chế không phải là giấc mơ xa xôi. Đó là yêu cầu cấp thiết, là bài kiểm tra về bản lĩnh chính trị và năng lực kiến tạo phát triển của chính chúng ta.

Với nền móng tư tưởng đã rõ và khung chính sách đã sẵn sàng, giờ là lúc để thể chế thực sự trở thành động lực chứ không còn là điều kiện.

Còn nữa…