CEO Ahamove Phạm Hữu Ngôn và “hành trình truyền lửa”
Xuất phát từ dân công nghệ, say mê khi nói về công nghệ, chúng tôi tin rằng khi đảm nhiệm “ghế nóng” của một doanh nghiệp phát triển ứng dụng cho dịch vụ vận tải như Ahamove, niềm đam mê ấy sẽ giúp ông Phạm Hữu Ngôn và Ahamove sẽ có những bước tiến mới. Và không dừng lại ở đó, câu chuyện của doanh nhân Phạm Hữu Ngôn và Ahamove sẽ trở thành câu truyện truyền cảm hứng cho những bạn trẻ yêu công nghệ hay những startup trong lĩnh vực tưởng như khô khan nhưng đầy thú vị này.
CNTT chưa bao giờ hết “hot”
PV: Đánh giá của ông về những cơ hội phát triển của nghề CNTT trong thời điểm hiện nay?
Ông Phạm Hữu Ngôn: Trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0 hiện nay, CNTT đang len lỏi vào hầu hết mọi lĩnh vực đời sống như kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, y tế, giáo dục…. Đi kèm với đó là yêu cầu về nguồn cung nhân lực chất lượng cao của nghề này là vô cùng lớn. Gần như mọi tổ chức, doanh nghiệp đều cần đến đội ngũ nhân sự CNTT.
Nếu như bạn có tìm hiểu thì sẽ biết là có rất nhiều ngành nghề khác nhau nổi lên, thậm chí rất hot nhưng mang tính thời điểm rồi nhanh chóng nguội dần qua từng năm thì riêng đối với ngành CNTT vẫn vô cùng hấp dẫn, thậm chí ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.
Có 1 dự báo là trong năm 2020 này, nước ta sẽ cần khoảng gần 1 triệu nhân lực ngành CNTT: một con số vô cùng lớn và cũng là cánh cửa cơ hội vô cùng sáng sủa dành cho các bạn trẻ đam mê CNTT.
Bên cạnh đó còn 1 yếu tố nữa khiến cho ngành CNTT thêm hấp dẫn, đó chính là ở mức thu nhập khá cao. Những bạn kỹ sư có năng lực được nhận mức lương vài ngàn đô 1 tháng là chuyện bình thường.
Như tại AhaMove cũng có 1 đội ngũ các anh em công nghệ trẻ, giỏi và vô cùng nhiệt huyết, luôn đề cao tinh thần học hỏi và nâng cao bản thân. Mọi doanh nghiệp sẽ luôn đón chào và tạo điều kiện phát triển tối đa cho những bạn nhân sự như vậy.
PV: Là một ngành “hot” như vậy, chắc chắn nhân sự muốn theo nghề CNTT sẽ gặp phải những thách thức không nhỏ?
Ông Phạm Hữu Ngôn: Tất nhiên là bất kỳ 1 công việc hay 1 ngành nghề nào đều đòi hỏi người trong nghề phải có năng lực, và áp lực là điều không thể tránh khỏi. Đặc biệt là đối với 1 công việc có tính chất đổi mới nhanh, liên tục như công nghệ.
Bạn sẽ phải chuẩn bị tâm lý rằng áp lực sẽ rất cao. Không chỉ đơn thuần áp dụng những kiến thức đã được học trong nhà trường mà còn phải thường xuyên học hỏi thêm các kiến thức mới. Bởi vì công nghệ là thứ thay đổi chóng mặt từng giờ, từng ngày. Nên nếu như không cập nhập kịp thời thì rất nhanh chóng mình sẽ trở nên lạc hậu hơn, tụt lại phía sau và bị đào thải.
Ngay cả bản thân mình cũng như các anh em công nghệ của AhaMove, mỗi ngày trôi qua là lại có thêm nhiều kiến thức mới cần tìm tòi, học hỏi để thay đổi kịp thời theo xu hướng, cũng như cải thiện, nâng cao hơn chất lượng công việc, chất lượng sản phẩm. Khi mà đối thủ không ngừng phát triển, chỉ cần đứng lại tức là mình đang tụt lại rồi.
PV: Với bạn trẻ có dự định, đam mê theo con đường CNTT, ông có lời khuyên gì dành cho họ?
Ông Phạm Hữu Ngôn: Trước hết bạn cần phải xác định là mình có đam mê với công việc này hay không. Bởi vì nghề này có nhiều áp lực nên nếu chúng ta không yêu thích mà chỉ chạy theo trào lưu, bị thu hút bởi mức lương thì sẽ dễ từ bỏ khi gặp phải khó khăn. Lúc đó có thể bạn sẽ cảm thấy mất phương hướng và vô định trong công việc.
Ngoài ra CNTT là lĩnh vực khá rộng nên kể cả khi đã yêu thích rồi thì bạn cũng cần phải tìm hiểu xem chuyên ngành nào phù hợp với bản thân, tránh việc chọn sai ngành sẽ mất thời gian, mất công sức rồi lại bỏ dở giữa chừng.
Thêm 1 yêu cầu nữa mình nghĩ là cần phải rèn khả năng tự học cũng như nâng cao trình độ tiếng Anh. Những kiến thức mới về công nghệ được cập nhật liên tục nhưng chủ yếu là tài liệu nước ngoài, do đó bạn sẽ phải tự đọc hiểu và tìm tòi. Nếu chỉ đợi đến khi có tài liệu dịch bằng tiếng Việt thì chúng ta đã chậm chân hơn những người khác rồi.
Startup công nghệ không chỉ bằng đam mê
PV: Theo ông thì những khó khăn lớn nhất của 1 startup ngành CNTT tại Việt Nam phải đối mặt hiện nay là gì?
Ông Phạm Hữu Ngôn: Bất kỳ 1 startup nào cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khác nhau.
Cạm bẫy đầu tiên là về cơ cấu tổ chức. Có rất nhiều trường hợp mà bạn bè, người thân rủ nhau cùng khởi nghiệp, nhưng lại không phân định rõ ràng vị trí, quyền lợi, nhiệm vụ từ đầu. Điều này dẫn đến sau 1 thời gian hoạt động sẽ nảy sinh các mâu thuẫn, xáo trộn nội bộ làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của doanh nghiệp.
Tiếp theo, khi khởi nghiệp mà không có ý tưởng rõ ràng, sản phẩm tạo ra không phù hợp thì startup cũng sẽ chết. Ước tính có khoảng 42% startup công nghệ thất bại là do sản phẩm, dịch vụ làm ra không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Công nghệ có thể rất tốt nhưng không có lộ trình rõ ràng, làm những thứ không ai cần thì cũng không thể tồn tại được.
Thêm 1 khó khăn nữa mà mọi startup đều gặp phải là vấn đề về vốn. Khi khởi nghiệp có rất nhiều chi phí cần phải lo như chi phí văn phòng, chi phí lương, dịch vụ, sản xuất, marketing… Nếu không thể có đủ nguồn vốn thì cũng rất khó duy trì doanh nghiệp. Các công ty ở thung lũng silicon hay gọi Tỷ Lệ Đốt Cháy là (Burn Rate) – tức là tỷ lệ đốt tiền của startup trước khi kiếm được lợi nhuận. Tất nhiên là cũng có nhiều cách để startup huy động nguồn vốn như từ bạn bè, người thân, gọi vốn từ các quỹ đầu tư…
PV: Khó khăn ấy cũng là khó khăn của Ahamove đang gặp phải?
Ông Phạm Hữu Ngôn: Như AhaMove cũng là 1 startup công nghệ với tuổi đời hơn 4 năm, đã đang và cũng sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều các khó khăn khác nhau chứ không chỉ riêng doanh nghiệp vừa mới thành lập. Trước đây thì có bài toán về việc tiếp cận thị trường, làm sao đề thuyết phục khách hàng sử dụng sản phẩm của mình. Rồi làm sao khi đã dùng rồi họ sẽ yêu quý và tiếp tục dùng thêm những lần sau.
Khi đã được khách hàng quen mặt thì AhaMove lại phải giải bài toán con gà quả trứng, là phải cân dối giữa lượng shipper với lượng đơn hàng. Không để tình trạng khách đặt đơn mà không có ship hoặc tuyển quá nhiều anh em shipper rồi lại không có đơn.
Rồi cũng có những thời điểm mà thị trường chững lại, lượng đơn hàng bất ổn thì có nhiều anh chị em, cả shipper hay làm trên văn phòng cảm thấy chán, một số người rời đi. Hoặc như giai đoạn mà công ty đối thủ đốt tiền rất kinh khủng để chiếm thị trường thì mình cũng lo lắng.
PV: Ahamove đã làm gì để vượt qua những khó khăn đó, thưa ông?
Ông Phạm Hữu Ngôn: Ở AhaMove, mình quan niệm rằng thay vì đi theo hướng đốt tiền như các đối thủ, AhaMove sẽ cố gắng tập trung để giải quyết các vấn đề về công nghệ, tìm ra những hướng mới, những giải pháp mới giúp tối ưu năng suất lao động cho anh chị em, từ đó nâng cao thu nhập cho tài xế cũng như giảm chi phí giá thành cho khách hàng. Đó là điều mà anh em tin là hướng đi đúng về lâu dài thay vì những chiến thuật ngắn hạn.
Năm nay Ahamove sẽ ra mắt 2 – 3 dịch vụ mới, tất cả đều được nghiên cứu kỹ lưỡng và với mục tiêu phục vụ tất cả các nhu cầu về giao hàng trong nội thành của các nhà kinh doanh; cùng với đó là việc liên tục tối ưu hoá thuật toán, vận hành để đem lại thu nhập tốt hơn cho các đối tác tài xế.
PV: Xin cảm ơn ông!