Chậm trễ triệu hồi xe lỗi, Hyundai và Kia bị phạt 137 triệu USD tại Mỹ

09:11, 03/12/2020

Hyundai và Kia sẽ phải trả 137 triệu USD tiền phạt và phải cải thiện các tính năng an toàn vì đã chậm trễ trong việc triệu hồi hơn 1 triệu xe có nguy cơ cháy nổ.

Trục trặc động cơ và các vụ cháy xe đã khiến nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc phải đau đầu trong suốt hơn 5 năm qua, với hơn 8,4 triệu xe sản xuất trong thời gian từ năm 2006 tới 2020 bị ảnh hưởng.

Theo Cơ quan Quản lý An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA), Hyundai và Kia sẽ phải trả 137 triệu USD tiền phạt và phải cải thiện các tính năng an toàn vì đã quá chậm trễ trong việc triệu hồi hơn 1 triệu xe có nguy cơ cháy nổ do hỏng hóc động cơ.

Án phạt này chính thức khép lại cuộc điều tra kéo dài 3 năm liên quan tới các hành vi của Hyundai và Kia trong việc triệu hồi xe xuất xưởng từ năm 2011 tới nay tại thị trường Mỹ.

Chậm trễ triệu hồi xe lỗi, Hyundai và Kia bị phạt 137 triệu USD tại Mỹ - Ảnh 1.

Ông James Owens, Phó Giám đốc NHTSA nhấn mạnh trong một tuyên bố rằng: "Điều quan trọng là các nhà sản xuất phải nhận thấy mức độ cấp thiết của trách nhiệm triệu hồi sản phẩm thiếu an toàn và cung cấp thông tin kịp thời, minh bạch cho cơ quan chức năng về tất cả các vấn đề an toàn."

Cụ thể, Hyundai sẽ phải nộp phạt 54 triệu USD và chi 40 triệu USD để cải thiện các tính năng an toàn. Công ty phải xây dựng trung tâm thử nghiệm và đánh giá mức độ an toàn ô tô tại Mỹ, đồng thời thiết lập các hệ thống máy tính mới để phân tích dữ liệu nhằm xác định các vấn đề an toàn. Nếu chấp hành nghiêm túc án phạt, nhà sản xuất Hàn Quốc sẽ tránh được nguy cơ phạt bổ sung 46 triệu USD.

Trong khi đó, Kia - công ty con thuộc Tập đoàn Hyundai sẽ phải nộp phạt 27 triệu USD và chi 16 triệu USD để cải thiện các tính năng an toàn. Tương tự, nếu Kia chấp hành nghiêm túc án phạt cũng sẽ tránh được nguy cơ phạt bổ sung 27 triệu USD. Kia sẽ mở một văn phòng chuyên trách an toàn phương tiện tại Mỹ do một giám đốc chịu trách nhiệm về an toàn đứng đầu.

Ngoài ra, cả 2 hãng sẽ phải thuê kiểm toán viên của bên thứ 3 độc lập để xem xét các hoạt động kiểm nghiệm tính năng an toàn trên xe ô tô, đồng thời cam kết cải tiến tổ chức để xác định và điều tra các vấn đề an toàn tiềm ẩn tại thị trường Mỹ.

Cơ quan an toàn Mỹ đã mở cuộc điều tra vào năm 2017, sau khi Hyundai thông báo triệu hồi 470.000 xe vào tháng 9/2015 do nhiều mảnh vụn phát sinh trong quá trình sản xuất động cơ có thể khiến dầu chảy vào bạc lót piston bị tắc, dẫn tới chi tiết này dễ mòn và hư hỏng. Tình trạng này sẽ làm cho động cơ 4 xy-lanh ngừng hoạt động, thậm chí bốc cháy. Những xe bị ảnh hưởng phải được sửa chữa, thay thế khối động cơ khá tốn kém.

Ông Jason Levine - Giám đốc Trung tâm Quản lý An toàn Ô tô Mỹ cho biết cơ quan này đã kiến nghị NHTSA mở một cuộc điều tra bởi dường như các khiếu nại của các chủ xe Hyundai và Kia đã không được tiếp nhận. "Chỉ có thời gian mới trả lời được liệu các án phạt do trì hoãn triệu hồi và các yêu cầu bắt buộc cải thiện các tính năng an toàn trên xe có thực sự ngăn chặn được các hành vi tương tự trong tương lai của Hyundai và Kia hoặc các nhà sản xuất khác hay không".

Chậm trễ triệu hồi xe lỗi, Hyundai và Kia bị phạt 137 triệu USD tại Mỹ - Ảnh 2.

Santa Fe đời 2011-2014 nằm trong diện triệu hồi. Ảnh: Hyundai

Các cuộc điều tra mới đối với Hyundai và Kia bao gồm gần 3 triệu vụ cháy xe không rõ nguyên nhân, dù chủ xe không hề gây va chạm. Các xe thuộc diện điều tra gồm: Hyundai Sonata và Santa Fe từ phiên bản 2011 đến 2014, Kia Optima và Sorento từ phiên bản 2011 đến 2014, cùng mẫu Kia Soul từ phiên bản 2010 đến 2015.

Trong các tài liệu, NHTSA báo cáo rằng họ đã nhận được khiếu nại về các vụ cháy khoang động cơ, cũng như các vụ cháy liên quan đến các bộ phận khác như vỏ đèn đuôi, dây nịt và bóng đèn.

Sau đó, các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc thừa nhận trong một số trường hợp, việc thay thế khối động cơ có thể đã không được các đại lý ủy quyền thực hiện đúng cách. Kia cho biết một đường ống dẫn nhiên liệu áp suất cao có thể đã bị hỏng, bị lệch hoặc siết không đúng cách trong quá trình sửa chữa, khiến khí gas bị rò rỉ và va chạm vào các bộ phận động cơ nóng, gây ra thêm nhiều vụ cháy.

Các đợt triệu hồi xe vẫn chưa dừng lại. Hyundai và Kia đã triệu hồi hơn 4,7 triệu xe và họ đã thực hiện một "chiến dịch cải tiến sản phẩm" bao gồm 3,7 triệu xe khác để cài đặt thêm phần mềm cảnh báo người lái về các lỗi động cơ có thể xảy ra.

Theo dữ liệu thu thập của NHTSA, đã có 31 vụ triệu hồi liên quan tới cháy nổ và động cơ của Hyundai và Kia kể từ năm 2015. Hơn 8,4 triệu chiếc xe Hyundai và Kia bị ảnh hưởng, thuộc 20 dòng sản phẩm khác nhau, thuộc các phiên bản từ 2006 tới 2021.

Minh Anh (T/h)