Chấn chỉnh hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội

17:30, 10/06/2024

Thời gian qua, vấn đề quảng cáo gian dối các sản phẩm thực phẩm chức năng trên mạng xã hội vẫn diễn ra phổ biến, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, tác động xấu đến sức khỏe và tính mạng người dùng.

Thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm thường xuyên phát cảnh báo về các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng vi phạm quảng cáo, nội dung quảng cáo gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh. Ảnh: VFA

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, sau hơn 20 năm phát triển, thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam mở rộng nhanh chóng. Số lượng sản phẩm đăng ký hằng năm lên tới hàng chục nghìn sản phẩm, trong đó có hơn 70% là sản phẩm được sản xuất trong nước.

Trong khi đó, tỷ lệ người tiêu dùng trong nước biết và sử dụng thực phẩm chức năng lên đến hơn 60%. Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua các sản phẩm thực phẩm chức năng từ cửa hàng, siêu thị, các nhà thuốc, các shop online, các website hoặc mạng xã hội…

Quá trình triển khai đã có hiện tượng sản xuất thực phẩm chức năng không đúng như bản đăng ký công bố sản phẩm.

Đáng lưu ý, thời gian gần đây, trên các website, các nền tảng mạng xã hội người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp những quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm thực phẩm chức năng. Phổ biến nhất là các sản phẩm liên quan đến xương khớp, tăng cường sinh lý nam/nữ, điều trị ung thư, đái tháo đường…

Thậm chí, các quảng cáo này còn sử dụng hình ảnh, thư tín của các cơ sở y tế, bác sĩ, quảng cáo kèm theo ý kiến phản hồi của bác sĩ, người tiêu dùng gây hiểu lầm sản phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng cho thấy, có tới 80% các quảng cáo gây bức xúc hiện nay trên mạng xã hội là "trá hình" thực phẩm chức năng.

Năm 2023, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 19.000 sản phẩm vi phạm, sai phạm. Chỉ tính riêng quý I/2024 cơ quan chức năng cũng đã phát hiện tới gần 200 sản phẩm vi phạm.

Chia sẻ tại toạ đàm mới đây về "Đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng", ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, nguy hại về quảng cáo gian dối trong lĩnh vực y tế không chỉ về tài chính. Người bệnh nan y phát hiện điều trị sớm có thể khỏi, chí ít kéo dài sự sống, nhưng những quảng cáo thực phẩm chức năng "cam kết chữa khỏi" là vi phạm với quy định về quảng cáo, lừa dối người tiêu dùng. Thậm chí qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện và chuyển cơ quan công an xử lý hình sự các sản phẩm thực phẩm chức năng giảm cân, xương khớp, tăng cường sinh lý nam có chứa chất cấm trong thành phần.

Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm, hiện các quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đã rất rõ ràng và đầy đủ, cụ thể ở đây là trước khi quảng cáo người có sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe cũng như các cơ quan phát hành quảng cáo chỉ được quảng cáo những nội dung đã được thẩm định của cơ quan chuyên môn, không được quảng cáo khi chưa thẩm định nội dung hoặc quảng cáo sai với nội dung đã được thẩm định, nghiêm cấm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe như thuốc chữa bệnh, không được sử dụng hình ảnh, uy tín, danh nghĩa của cơ quan y tế để quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Hiện nay, những vi phạm chủ yếu trong quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe chủ yếu như: Quảng cáo sai sự thật, quảng cáo quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu lầm với thuốc chữa bệnh. Sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các cơ sở y tế, bác sỹ; quảng cáo thực phẩm kèm theo ý kiến phản hồi của người tiêu dùng có tác dụng điều trị bệnh hoặc có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm thường xuyên phát cảnh báo về các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng vi phạm quảng cáo, nội dung quảng cáo gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh. Bên cạnh đó, hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng đã được Bộ Y tế và các bộ, ngành tăng cường kiểm soát, tuy nhiên, vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng vẫn diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc dư luận xã hội.

“Khi bị cơ quan chức năng "sờ gáy", nhiều công ty trắng trợn, sẵn sàng chối bay không nhận nội dung trên trang website đó mình đang quảng cáo. Tuy nhiên, nhìn vào những nội dung quảng cáo này, người tiêu dùng hoàn toàn có thể nhận diện quảng cáo thổi phồng, lừa đảo nhằm đánh lừa người tiêu dùng sản phẩm có công dụng thần kỳ, thậm chí như thuốc chữa bệnh”, đại diện Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh.

Về phía Hiệp hội Thực phẩm chức năng, ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, hiện tượng sai phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng không chỉ gây ra hậu quả "tiền mất, tật mang" cho người tiêu dùng mà còn làm giảm giảm uy tín của ngành thực phẩm chức năng, làm lẫn lộn giữa các doanh nghiệp làm ăn chân chính với doanh nghiệp làm ăn gian dối, đánh đồng sản phẩm thật và sản phẩm giả.

Đại diện Hiệp hội Thực phẩm chức năng cho biết thêm, trước thực trạng vi phạm ngày càng nghiêm trọng của nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, Hiệp hội Thực phẩm chức năng đã xây dựng Quy chế đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng nhằm sát cánh cùng các cơ quan quản lý Nhà nước lập lại trật tự kỷ cương trong thị trường thực phẩm chức năng, đưa ngành thực phẩm chức năng phát triển bền vững, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Theo các chuyên gia y tế, việc chấn chỉnh quảng cáo thực phẩm chức năng trên môi trường mạng vừa để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người dân, đồng thời tạo bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Cùng với các giải pháp tích cực của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần sáng suốt lựa chọn, tuyệt đối không sử dụng các mặt hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi trên thị trường. Người dân khi sử dụng thực phẩm chức năng cần theo tư vấn của bác sĩ; không nên tự ý dùng, nhất là khi sử dụng thực phẩm chức năng với hàm lượng cao trong thời gian dài.

Theo thanhtra.com.vn

https://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/chan-chinh-hoat-dong-quang-cao-thuc-pham-chuc-nang-tren-mang-xa-hoi-225806.html