Chân dung 3 nhà khoa học lừng danh thắng giải cao nhất của VinFuture năm đầu tiên
Tối qua (20/1), tại Hà Nội, VinFuture trao giải thưởng chính trị giá 3 triệu USD cho ba nhà khoa học Katalin Kariko, Drew Weissman (Mỹ) và Pieter Cullis (Canada). Họ đã nghiên cứu công nghệ mRNA, mở đường tạo ra các loại vaccine ngăn ngừa COVID-19 hiệu quả.
Ba nhà khoa học Katalin Kariko, Drew Weissman (Mỹ) và Pieter Cullis (Canada) nhận giải.
GS Kariko và GS Weissman phát triển công nghệ mRNA biến đổi nucleoside và các cải tiến khác liên quan đến vaccine mRNA. Đây là công nghệ mà Pfizer/BioNTech và Moderna đã sử dụng trong quá trình phát triển vaccine của họ.150 quốc gia được hưởng lợi từ sự ra đời của vaccine COVID-19 sử dụng công nghệ mRNA.
GS Pieter R. Cullis là Giám đốc Viện Khoa học sự sống tại Đại học British Columbia, Canada. Ông và các đồng nghiệp đạt được những tiến bộ mang tính nền tảng trong việc tạo ra và đưa hệ thống các hạt nano lipid (LNP) vào tĩnh mạch dưới hình thức các loại thuốc dạng phân tử nhỏ và thuốc đại phân tử như RNA can thiệp nhỏ (siRNA).
Không chỉ tạo ra vũ khí ngăn chặn nguy cơ lây lan và tử vong do đại dịch trên phạm vi toàn cầu, công nghệ mRNA còn có tiềm năng tạo các loại vaccine ngăn ngừa HIV, ung thư, miễn dịch và các bệnh di truyền…có thể bảo vệ sức khỏe cho hàng tỷ người trên thế giới trong tương lai.
Tiến sĩ Katalin Kariko
"Giây phút được xướng tên quả thực quá bất ngờ và ngoài sự mong đợi của tôi. Ban đầu tôi sang Việt Nam tham dự tuần lễ khoa học theo lời mời của hội đồng giải thưởng VinFuture, chứ không nghĩ rằng phát kiến nghiên cứu của mình sẽ giành giải thưởng cao nhất. Tôi hạnh phúc không nói lên lời. Tôi phải mất vài phút trấn tĩnh lại cảm xúc", bà chia sẻ sau lễ trao giải VinFuture tối 20/1.
Đây là giải thưởng thứ 72 mà bà nhận được trong năm nay. Dự kiến tới đây bà còn nhận thêm 35 hạng mục giải thưởng khác nữa. Đạt được thành tích ngưỡng mộ nhưng với bà quan trọng hơn là những thành tựu nghiên cứu của mình mang lại lợi ích chung cho nhiều người.
"Thật vui vì những khám phá của chúng tôi đã đặt nền móng cho các loại vaccine mRNA. Cũng cần lưu ý rằng, các loại vaccine này đã được phát triển dựa trên thành quả khoa học và kỹ thuật của cả thế kỷ cùng những khám phá của hàng trăm nghìn nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư và các chuyên gia để tạo nên tính hiệu quả và độ an toàn.
Chúng tôi hy vọng, cuộc phiêu lưu khoa học của mình sẽ truyền cảm hứng cho thế hệ các nhà nghiên cứu tiếp theo, để những đóng góp của họ sẽ nâng cao các kiến thức khoa học của nhân loại, chăm sóc và cải thiện cuộc sống của con người”, nữ chủ nhân giải thưởng chính VinFuture năm đầu tiên nói.
Với số tiền nhận được từ VinFuture, bà Katalin Kariko sẽ dùng để giúp đỡ trẻ em ở Hungary và tiếp tục triển khai các công việc nghiên cứu của bản thân trong thời gian tới. Bà cũng rất sẵn lòng hợp tác, cùng làm việc và chia sẻ kinh nghiệm với các nhà khoa học trẻ Việt Nam.
Nhà khoa học người Hungary, Katalin Kariko.
Bà Katalin Kariko sinh năm 1955 trong gia đình làm nghề bán thịt ở Kisujszallas, thị trấn cách Budapest (Hungary) 150 km về phía Đông. Kariko yêu toán học và khoa học khi còn rất trẻ, trong quãng thời gian học tại các trường địa phương như trung học Moricz Zsigmond. Bà theo học chuyên ngành hóa sinh và hoàn thành khóa học tương đương trình độ Thạc sĩ vào năm 1978.
Nhưng con đường học hành của Kariko không hề dễ dàng. “Ban đầu khi sang Mỹ học năm 18 tuổi, tôi không biết một chữ tiếng Anh nào. Cô giáo giảng trên lớp và tôi chỉ nhận ra bài học kết thúc khi cô nói ‘the end’ giống như ở cuối bộ phim. Thế là trong khi bạn bè nhàn hạ thì tôi phải cố gắng đuổi theo, học và nỗ lực không ngừng”, bà nhớ lại.
Ở tuổi 20, bà chuyển tới Mỹ nhưng không thể tìm được công việc ổn định trong hàng chục năm. Trong toàn bộ sự nghiệp làm khoa học, bà Kariko tập trung vào nghiên cứu công nghệ mRNA với niềm tin rằng công nghệ này có thể dùng để sản xuất vaccine trong tương lai. Tuy nhiên, bà liên tục bị từ chối trong nhiều năm với công trình nghiên cứu về mRNA khi không nhận được các khoản tài trợ cho nghiên cứu của bản thân. Trong suốt những năm 1990, bà chuyển từ phòng thí nghiệm này tới phòng thí nghiệm khác và chưa bao giờ được trả quá 60.000 USD/năm.
Bước ngoặt trong sự nghiệp của bà Kariko đến khi bà gặp tiến sĩ Drew Weissman - người khi đó đang theo đuổi mục tiêu sản xuất vaccine cho căn bệnh thế kỷ AIDS. Ông Weissman đã nhận thấy tiềm năng trong nghiên cứu mRNA của bà Kariko và đã quyết định hợp tác với bà.
Nghiên cứu về mRNA của họ đã bắt đầu được hình thành và tới nay đã trở thành nền móng cho các nhà sản xuất vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna sản xuất ra những liều vaccine cứu sống hàng tỷ người trên toàn cầu.
Bà Kariko hiện là Phó chủ tịch cấp cao của hãng BioNTech (Đức) và công trình nghiên cứu về mRNA của bà cùng cộng sự đang tiếp tục được nghiên cứu để ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác trong tương lai, ngoài vaccine Covid-19.
Giáo sư Drew Weissman
Giáo sư Drew Weissman, người cùng chiến thắng giải thưởng chính VinFuture hiện là giáo sư y khoa tại Trường Y Perelman thuộc Đại học Pennsylvania, Mỹ.
Ông Weisman (63 tuổi) sinh ra và lớn lên ở Lexington, Massachusetts, Mỹ. Ông nhận bằng cử nhân Đại học Brandeis, Mỹ vào năm 1981, chuyên ngành hóa sinh và enzym học. Ông sau đó nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ ở Đại học Boston.
Nhà khoa học người Mỹ Drew Weissman.
Năm 1997, ông chuyển tới Đại học Pennsylvania để nghiên cứu công nghệ RNA và sinh học hệ miễn dịch bẩm sinh. Tại đây, ông Weissman, một nhà dịch tễ học nghiên cứu vaccine đã gặp bà Kariko tại một chiếc máy photocopy, nơi họ đồng cảm về việc các nghiên cứu về mRNA không nhận được nhiều khoản tài trợ để tiến hành. Hai người đã quyết định hợp tác để tập trung nghiên cứu công nghệ mRNA cho vaccine.
Sau nhiều năm nghiên cứu, họ phát hiện việc sửa đổi mRNA sẽ giúp ngăn hệ thống miễn dịch phản ứng với mRNA khi được đưa vào. Hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể có khả năng nhận ra sự hiện diện đột ngột của RNA ngoại lai và phản ứng như thể đó là một cuộc tấn công của virus thực sự.
Tới năm 2020, công nghệ mRNA của họ nghiên cứu đã giúp Pfizer/BioNTech và Moderna phát triển ra vaccine Covid-19, góp phần giúp thế giới thần tốc phát triển "vũ khí" chống lại đại dịch toàn cầu.
Ông Weissman cũng hợp tác với các nhà khoa học tại Thái Lan nhằm phát triển và cung cấp vaccine Covid-19 cho quốc gia này và các nước láng giềng thu nhập thấp khó tiếp cận với vaccine.
Giờ đây, ông Weissman và bà Kariko đang hy vọng công nghệ tương tự có thể được sử dụng để phát triển vaccine bệnh cúm, herpes và HIV/AIDS.
Giáo sư Pieter Cullis
Cùng với ông Weissman và bà Kariko, giáo sư Pieter Cullis vinh dự là đồng chủ nhân giải thưởng chính VinFuture năm đầu tiên. Ông Cullis là người nghiên cứu ra các hạt nano lipid (LNP), được xem là công nghệ để đưa vaccine mRNA vào tế bào cơ thể người. Đây là ứng dụng quan trọng giúp cho việc phát triển vaccine COVID-19 công nghệ mới.
Năm 2020, để nhân loại có thể rút ngắn được quá trình phát triển vaccine COVID-19 từ vài năm xuống vài tháng, ông Cullis đã bỏ ra 25 năm nghiên cứu ra công nghệ LNP đột phá nói trên.
Nhà khoa học người Canada Pieter Cullis.
Ông hiện là Giám đốc Viện Khoa học Sự sống tại Đại học British Columbia (UBC). Ông Cullis nhận được bằng tiến sĩ tại UBC rồi sau đó chuyển tới Đại học Oxford (Anh) để theo đuổi nghiên cứu sau tiến sĩ. Trong thời kỳ đó, ông bắt đầu công trình nghiên cứu về các hạt lipid. Trong sự nghiệp hàng chục năm, ông đã nhận được rất nhiều giải thưởng danh giá về nghiên cứu khoa học.
Ông Cullis đã đồng sáng lập 10 công ty công nghệ sinh học, đã xuất bản hơn 300 bài báo khoa học và là người sở hữu hơn 60 bằng sáng chế. Ông cũng là người đồng sáng lập Personalized Medicine Initiative (Sáng kiến Y học cá nhân hóa) năm 2012.
Ông Cullis là người đưa công nghệ hạt nano lipid từ lý thuyết trở thành hiện thực. Ông cũng đóng vai trò trung tâm trong việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển thuốc phi lợi nhuận (nay là Admare BioInnovations) và các tổ chức phi lợi nhuận khác như Mạng lưới đổi mới NanoMedicines. Sau đó, trong nhiều năm, ông còn thành lập một số công ty để thương mại hóa những phát triển mới trong công thức LNP, cho phép phát triển vaccine BioNTech/Pfizer.
Có thể nói, để nhân loại có thể rút ngắn được quá trình phát triển vaccine mRNA từ vài năm xuống vài tháng, ông Cullis đã bỏ ra 25 năm nghiên cứu ra công nghệ LNP đột phá nói trên. Ông cũng nhận định rằng công nghệ mRNA có thể rất nhiều ứng dụng quan trọng, nhất là trong việc điều chế ra vaccine để ngăn chặn những mầm bệnh nguy hiểm trên toàn cầu.
Khôi Nguyên (T/h)