Chàng trai 21 tuổi học tiến sĩ AI
Lại Tuấn Dũng, sinh năm 1998, được mời giảng dạy tại Đại học Swinburne (Australia) khi mới kết thúc học kỳ đầu tiên, ba năm sau anh nhận học bổng Tiến sĩ ngành AI của trường.
Khác những tài năng AI trẻ của Việt Nam, Dũng không xuất thân là con "nhà nòi". Đường đến Tiến sĩ AI tuổi 21 của Dũng khá đặc biệt. Đằng sau những thành công của tuổi đôi mươi là nhiều câu chuyện thú vị, ít người biết.
Từ tuổi thơ khó nhọc đến Tiến sĩ AI
Trong ký ức của Dũng, tuổi thơ gắn liền với những trưa hè oi ả. Buổi sáng đi học, trưa cậu thường ghé chỗ bố mẹ làm, chui lên gác xép - nơi chất vải - để ngủ. Bố mẹ Dũng là thợ may. "Cái gác xép nóng và nhỏ lắm, đứng không được. Mình ngủ dậy mồ hôi đầm đìa rồi lại cắp cặp đi học", Dũng nhớ lại.
Như bao thanh niên lớn lên trong thế hệ Internet, Dũng rất mê game. "Đến năm lớp 6, lớp 7, mình mới ý thức được rằng mọi người trong nhà đều đang rất cực khổ để nuôi mình ăn học. Mỗi lần chơi game mình đều có cảm giác có tội với mọi người. Mình muốn làm gì đó cho xứng đáng với công sức cả nhà bỏ ra. Tuổi của mình lúc đó chỉ có cách duy nhất là học thật giỏi".
Từ bé Dũng Lại đã luôn cảm thấy mình như có tội mỗi khi chơi bời trong khi mọi người trong gia đình phải làm việc vất vả.
Dũng thừa nhận thành tích học tập của anh là do cố gắng, bỏ rất nhiều thời gian vào học tập rồi khá dần lên, chứ không phải do bản thân là người "xuất chúng".
Cấp hai, Dũng thi đỗ Chuyên Toán Trường THCS Giảng Võ. Từ đây, anh bắt đầu được thầy cô rèn luyện, ghi danh khắp các cuộc thi từ cấp trường đến cấp quốc gia. Kết thúc THCS, Dũng thi đậu trường THPT Amsterdam với điểm số gần tuyệt đối. Trở thành Á khoa năm 2013, anh nhận được học bổng của Hội Toán học Việt Nam do giáo sư Ngô Bảo Châu trực tiếp trao tặng.
Biến cố ập đến vào năm 17 tuổi, khi Dũng kết thúc chương trình học phổ thông. Ngôi nhà nhỏ của gia đình bị giải toả. Bố mẹ Dũng lúc đó đã có tuổi, họ không biết nên làm ăn hay đầu tư thế nào với số tiền được đền bù. Cuối cùng, họ quyết định cho hai cậu con trai đi du học. Dũng kể: "Lúc đó mình không sợ đi du học. Mình chỉ sợ học hành, làm ăn không tốt, không sinh ra lời thì có lỗi với bố mẹ. Nhưng mình cũng có 'máu làm ăn' nên quyết định sẽ đi".
Ban đầu bố mẹ định hướng cho Dũng theo ngành kỹ sư xây dựng vì ra trường có thể kiếm được lương cao, dễ xin ở lại. Nhưng từ bé Dũng đã đam mê công nghệ, có thế mạnh về toán học, máy tính nên xin gia đình cho theo học lập trình, dù biết ngành này có nhiều cạnh tranh gay gắt.
Ngay khi qua Australia, anh em Dũng đã lăn xả, làm thêm để kiếm sống và trang trải học phí. Để tiết kiệm tiền, hai anh em chỉ thuê một căn phòng nhỏ, một người ở trên, một người ở dưới, thậm chí không có chỗ để bàn học.
Những ngày đầu xa nhà không dễ dàng với Dũng. Anh không giỏi ngoại ngữ nên chỉ có thể xin được những công việc đơn giản trong các nhà hàng người Việt để vừa làm, vừa học và thích nghi với cuộc sống mới. Như phần lớn sinh viên du học, Dũng cũng đau đáu rằng: "Nếu cứ đi rửa bát, pha cà phê nhiều, có làm sao nhãng việc học không".
Cuối cùng, Dũng quyết định ngoài việc đi học, đi làm thêm, anh chủ động liên hệ rất nhiều thầy cô trong trường để xem họ có việc gì để mình làm không. Thành tích học tập trên lớp của Dũng khá ấn tượng. Không chỉ đạt điểm tối đa trong các kỳ thi, Dũng còn thường xuyên hướng dẫn cho các sinh viên cùng lớp. "Ở trường có một diễn đàn để sinh viên đặt câu hỏi, giảng viên sẽ dành thời gian trả lời. Năm đó, mình trả lời hầu hết các câu hỏi mọi người đặt ra. Một số câu giảng viên trả lời bị nhầm, mình còn vào sửa lại. Có lẽ vì thế mà được chú ý hơn", Dũng nhớ lại.
Kết thúc học kỳ đầu tiên, 9x này được điểm tối đa môn lập trình. Mùa hè năm đó anh được giới thiệu vào làm việc chung với giảng viên của trường trong dự án xây dựng trợ lý ảo cho người khiếm thị. Nghiên cứu này đã được công nhận tại Hội nghị khoa học của Australia và được thuyết trình tại tòa nhà chính phủ Parliament House. Kết thúc năm học thứ nhất với điểm lập trình đạt điểm tuyệt đối, có thành quả nghiên cứu khoa học được công nhận và đã giúp rất nhiều bạn bè chung lớp giải quyết các vấn đề học tập, Dũng được Đại học Swinburne, nơi anh đang theo học, mời giảng dạy môn lập trình.
"Nhiều người môn này học chung với mình, môn khác lại thấy mình đứng lớp giảng bài, họ cũng hoài nghi. Nhưng mình tự tin với kiến thức của mình nên vẫn vừa đi học, vừa đi dạy, sau đó còn đi làm thêm ở một số nơi nữa", Dũng kể.
Với những thành tích ấn tượng, Dũng tiếp tục được thầy cô giới thiệu và được nhận vào làm việc tại Viện nghiên cứu A2I2 thuộc Đại học Deakin. Đây một trong những trung tâm về AI ứng dụng lớn nhất Australia. Ngay khi vừa nhận bằng Cử nhân ngành lập trình, Dũng đã nhận được học bổng Tiến sĩ AI toàn phần ở tuổi 21. Dũng giải thích: "Ban đầu mình theo học hệ cử nhân 3 năm. Sau khi tốt nghiệp đã có sẵn kinh nghiệm giảng dạy trong trường, có nghiên cứu khoa học được công nhận, lại làm ở viện nghiên cứu nên được bỏ qua giai đoạn học Thạc sĩ, đi thẳng lên nghiên cứu Tiến sĩ. Mình là một trong những trường hợp đặc biệt của trường".
Hai lần trượt Google và trắng tay vì khởi nghiệp
Chia sẻ về kinh nghiệm có thể cùng lúc vừa học, vừa làm, vừa đi dạy mà vẫn đạt thành tích tốt trong học tập, Dũng nói: "Mình tin rằng không ai có thể tập trung làm việc 8 đến 10 tiếng mỗi ngày. Mọi người sẽ thật sự làm việc vài tiếng rồi sao nhãng, rồi lại quay lại làm tiếp. Vì vậy mình nghĩ việc phân bổ thời gian, rồi tập trung tối đa để hoàn thành dứt điểm một việc nào đó là yếu tố then chốt".
Dũng lấy ví dụ ngay trong việc học, khi được yêu cầu viết một báo cáo dài 5.000 chữ trong vòng 6 tiếng, 3 đến 4 tiếng đầu mọi người chỉ viết được khoảng 1.000 chữ, rồi vài tiếng sau, đến lúc sát giờ nộp bài mới tập trung viết phần còn lại.
"Lúc đó mình tự hỏi sao không dành một tiếng đầu tiên để viết luôn 5.000 chữ rồi 5 tiếng sau dành để làm việc khác. Mình chấp nhận nếu dành hết 6 tiếng, sẽ được 100% như mong muốn, còn chỉ dành một tiếng để làm, chỉ được 80%. Nhưng mình chỉ cần 80% đấy là đủ thì sẽ có thêm nhiều thời gian để làm việc khác", Dũng nói.
Việc phân bổ thời gian hợp lý có thể giúp Dũng cùng lúc làm nhiều việc. Nhưng chính lựa chọn này cũng khiến cậu phải trả giá. Đằng sau những thành công đáng tự hào là không ít lần thất bại. Một trong số đó là hai lần trượt phỏng vấn ở Google.
Dũng Lại là "cha đẻ" của Metap - thẻ cá nhân thông minh đầu tiên tại Việt Nam.
Hai lần phỏng vấn cách nhau một năm, Dũng đều trải qua các vòng đấu căng thẳng, nhưng không vượt qua được vòng cuối. "Mỗi lần nghĩ đến mình đều rất buồn vì cứ một chân trong một chân ngoài. Mình đã rất gần thành công rồi, nhưng cố gắng của mình vẫn chưa đủ. Mình nghĩ đó là mặt không tốt của việc làm nhiều thứ một lúc", anh nói. Với Dũng, được làm việc ở Google không chỉ là ước mơ mà còn là một sự chứng nhận: "Không thể nói kiến thức của mình như một người ở Google, mà mình lại không đậu được vào đây thì rất khó coi".
Nhưng nỗi buồn hai lần trượt Google không thấm vào đâu so với lần khởi nghiệp thất bại, thổi bay toàn bộ vốn liếng tích góp được trong suốt những năm tháng ở xứ người. Mặc dù theo học về lập trình, Dũng chọn khởi nghiệp về thời trang. Từ bé anh đã lớn lên cùng vải vóc, bố mẹ là thợ may, được tiếp xúc với cả thợ lẫn khách hàng, nên Dũng luôn ấp ủ mở một thương hiệu thời trang của riêng mình.
Chàng trai Hà Nội dành toàn bộ số tiền tích góp được từ lúc đi rửa chén, dạy học, lập trình, làm ở Viện nghiên cứu để khởi nghiệp. Ban đầu là thiết kế 1 - 2 mẫu rồi đem ra chợ trời bày bán, chi phí thuê mặt bằng chỉ vài triệu một ngày. Sau đó anh đưa hàng vào các trung tâm thương mại rồi Pop-up Store, cuối cùng là thuê mặt bằng, mở cửa hàng riêng. Nhưng mọi thứ không suôn sẻ, cửa hàng buôn bán không hiệu quả, chi phí thuê mặt bằng cao, tiền nhập hàng, thuê nhân viên lớn.
"Kinh doanh thất bại, mình buồn rất nhiều. Đầu tiên là tiếc tiền mồ hôi nước mắt từ việc rửa chén, nhưng buồn nhiều hơn là bố mẹ đã hiện diện cùng mình trong tất cả các khâu. Đó là công sức, tiền bạc của cả gia đình mà mình làm cho số tiền về không. Tiền mất có thể kiếm lại được, nhưng mình sợ mất đi niềm tin từ gia đình, niềm tin của bố mẹ", Dũng trải lòng.
Sau hơn một năm dai dẳng mà Dũng gọi là "không thể dứt ra", dù biết là lỗ, Dũng quyết định chuyển hướng sang một số dự án mới, như phát hành thẻ thông minh Metap, mở kênh YouTube, dạy học trực tuyến. Khi những dự án mới có được thành công nhất định, Dũng mới đủ tự tin để dừng hẳn kế hoạch khởi nghiệp đầu đời.
Khát khao trở về Việt Nam
Dũng thừa nhận, hai lần trượt Google và khởi nghiệp thất bại đều là do bản thân chưa cố gắng đủ. Nhưng kinh nghiệm từ những thất bại đó lại giúp ích rất nhiều cho những dự án sau này. "Bây giờ, ngay lúc này đây, trong mình luôn thường trực một nỗi sợ. Khi làm quá nhiều thứ cùng lúc, không tập trung 100% công sức, mình có thể nhận thất bại", Dũng nói.
Nhìn lại hành trình đã qua, Dũng không cho rằng việc được đi dạy đại học năm 18 tuổi, học tiến sĩ năm 21 tuổi là thành tựu lớn, mà chỉ là một thành tích nhỏ. Anh tin rằng những gì mình đạt được thời gian qua có một chút may mắn, cộng thêm nỗ lực không ngừng của bản thân.
Dũng vẫn muốn quay lại phỏng vấn vào Google, tiếp tục kế hoạch khởi nghiệp với thời trang. Mục tiêu của anh trong 5 năm nữa, khi hoàn thành học vị tiến sĩ, có thể lên học vị cao hơn, đến thung lũng Silicon và thành tích cá nhân tốt hơn thì sẽ quay về Việt Nam. Dũng nói: "Mọi người nghĩ rằng khi đã có công ăn việc làm, có nhà có xe là bắt đầu hưởng thụ, nhưng với mình đó mới chỉ là bắt đầu".
Cựu học sinh trường Amsterdam luôn ước mơ về một trung tâm dạy lập trình, toán học cho trẻ em. "Một trung tâm giữa Hà Nội hoặc Sài Gòn, cao 10 tầng, có tên mình trên đó. Chỉ cần nghĩ đến thôi là mình đã rất vui rồi", Dũng nói.
Ngay khi ở Việt Nam, Dũng đã ấp ủ kế hoạch mở một trung tâm giáo dục, tập hợp những người đạt thành tích cao trong các kỳ thi để đi làm gia sư, giảng dạy, ôn thi cho các em học sinh. Kế hoạch ấy vẫn còn dở dang khi anh khăn gói đi du học. Dũng vẫn mong có một ngày được trở về, đem lại nền giáo dục tốt hơn cho thế hệ đàn em. "Dù chỉ là một hạt cát nhỏ, mình cũng mong được là hạt cát, được cộng vào để giúp đất nước, đó là động lực mà mình luôn theo đuổi".
Theo vnexpress.net