Chấp nhận rủi ro trong khoa học cần có tiêu chí đánh giá rõ ràng

17:38, 14/05/2025

Thảo luận về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (sửa đổi) các đại biểu cho rằng việc chấp nhận rủi ro trong khoa học là cần thiết, tuy nhiên cần phải có tiêu chí đánh giá, quy trình thẩm định rõ ràng nhằm tránh thất nguy cơ bị lợi dụng, gây thoát ngân sách nhà nước.

Chiều 13/5, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (sửa đổi). 

Phát biểu tại phiên thảo luận, các đại biểu đã đưa ra nhiều kiến nghị nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, khắc phục những điểm nghẽn về thể chế, tài chính và nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo thực chất trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

202505131416527550b5752222907725297c66-17471286785041585576577

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) nêu ý kiến thảo luận 

Theo đó, phát biểu tại phiên làm việc, Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) khẳng định việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ không chỉ đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển, mà còn là bước đi cấp thiết để cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết 57. Nếu như Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 từng bước đặt nền móng cho hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này, thì Dự thảo sửa đổi lần này mang trọng trách cao hơn.

Theo đại biểu Trần Khánh Thu, một trong những chuyển biến có tính nguyên lý trong dự thảo Luật lần này là chuyển trọng tâm từ hoạt động nghiên cứu trong khu vực công lập sang thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ trong khu vực doanh nghiệp – nơi quyết định hiệu quả cuối cùng của đổi mới sáng tạo.

Nếu như trước đây, viện nghiên cứu, trường đại học là những chủ thể chính thì nay, vai trò trung tâm được trao cả cho doanh nghiệp. Các trường, viện đóng vai trò hỗ trợ, cung cấp nguồn lực tri thức, đồng hành cùng doanh nghiệp tạo ra sản phẩm mới, công nghệ mới, giá trị mới cho nền kinh tế; bên cạnh đó dự thảo luật lần này là tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, tài chính và nguồn lực tạo động lực cho phát triển.

Mặc dù tên Luật đã mở rộng bao hàm "Đổi mới sáng tạo" nhưng nội dung vẫn còn lệch trọng tâm về khoa học công nghệ truyền thống, cũng như chưa có hệ thống tiêu chí đánh giá cụ thể thế nào là "đổi mới sáng tạo".

Bà Trần Khánh Thu cho rằng, không phải đổi mới sáng tạo nào cũng bắt nguồn từ nghiên cứu khoa học; đôi khi chỉ từ ý tưởng, thực tiễn hoặc sự kết hợp từ những cái đã có sẵn. Vì vậy, không thể đánh đồng các hoạt động đổi mới sáng tạo với hoạt động nghiên cứu khoa học truyền thống.

Do đó, đại biểu Trần Khánh Thu kiến nghị cần có những tiêu chí rõ ràng để xác định đâu là nhiệm vụ đủ điều kiện được công nhận, hỗ trợ tài chính, ưu đãi đầu tư hay được xét khen thưởng.

Đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung hệ tiêu chí đánh giá hoạt động đổi mới sáng tạo như: tính mới (mới về kỹ thuật, tổ chức, mô hình) hoặc lần đầu tiên triển khai thực hiện tại địa phương/quốc gia/quốc tế; khả năng tạo giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế – xã hội; khả năng nhân rộng, thương mại hóa; có sở hữu trí tuệ hoặc được áp dụng thực tế.

Góp ý cho Điều 9 dự thảo Luật, đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng các quy định về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo còn chung chung, chưa rõ tiêu chí và chưa xác định cơ quan có thẩm quyền đánh giá.

“Chấp nhận rủi ro là cần thiết nhưng phải tiêu chí đánh giá cụ thể. Nếu không quy định rõ, sẽ dẫn đến hiểu sai, bị lợi dụng gây thất thoát ngân sách nhà nước”, đại biểu nêu rõ. Bà đề nghị bổ sung nguyên tắc tối thiểu về tiêu chí đánh giá rủi ro hợp lý; đồng thời xây dựng quy trình phê duyệt, cơ chế xác định rủi ro rõ ràng trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Về ngân sách, đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng, dự thảo quy định chi ngân sách cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tối thiểu 2%, trong khi Nghị quyết 57 của Trung ương xác định là 3%, do đó, cần sửa đổi cho phù hợp để thể chế hóa quan điểm chỉ đạo.

202505131416527394eb1180463613834dda02-1747128742250891520324

Quang cảnh phiên làm việc 

 Đồng quan điểm với cấc ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) cho biết, quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 14 dự thảo Luật về "Nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đặc biệt và Chương trình khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia đặc biệt được áp dụng cơ chế đầu tư, tài chính và quản lý đặc thù theo quy định của Chính phủ là cần thiết và phản ánh đúng yêu cầu từ thực tiễn khác quan. 

Quy định cũng đã thể chế hoá các chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 52-NQ/TW, nhấn mạnh cần "cơ chế đặc thù, vượt trội" để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; giải quyết các vướng mắc về cơ chế đầu tư, tài chính hiện hành thông qua cơ chế khoán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, dự án KHCN sử dụng ngân sách nhà nước vốn không phù hợp với tính chất đặc thù, linh hoạt trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, các nội dung của quy định này vẫn còn chung chung, thiếu tiêu chí xác định thế nào là nhiệm vụ, chương trình đặc biệt", điều này dễ dẫn tới lạm dụng hoặc xin - cho cũng như ủy quyền toàn bộ cho Chính phủ mà thiếu nguyên tắc, giới hạn cũng dễ dẫn tới tùy tiện, thiếu minh bạch, khó kiểm soát và việc chưa quy định rõ trách nhiệm giải trình, kiểm tra, giám sát việc áp dụng cơ chế đặc thù, đặc biệt là với nguồn đầu tư công lớn.

Do đó, để đảm bảo tính minh bạch, khả thi trong triển khai thực hiện đạt được hiệu lực, hiệu quả mong muốn cũng như đảm bảo quy định của luật được chặt chẽ hơn, đại biểu kiến nghị xem xét, bổ sung quy định vào mục 3 của dự thảo nội dung: "Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí xác định nhiệm vụ, chương trình đặc biệt và cơ chế đầu tư, tài chính, quản lý đặc thù kèm theo cơ chế kiểm tra, giám sát phù hợp". 

Đồng thời, ngoài quy định trong luật, cần có hướng dẫn chi tiết bằng Nghị định hoặc văn bản dưới luật về các nội dung nêu trên để đảm bảo việc thực thi đúng mục tiêu, minh bạch, hiệu quả.