Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 13/9/2022
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 13/9.
Quy định mới nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định số 63/2022/NĐ-CP ngày 12/9/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.
Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: Tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới đơn vị hành chính; cán bộ, công chức, viên chức và công vụ; hội, tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; tín ngưỡng, tôn giáo; văn thư, lưu trữ nhà nước; thanh niên và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nội vụ
Bộ Nội vụ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP và thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn.
Về tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước, Bộ Nội vụ có nhiệm vụ trình Chính phủ đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo nhiệm kỳ Quốc hội; đề án, dự thảo nghị định của Chính phủ về thành lập mới, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; dự thảo nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh), Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp huyện).
Bộ cũng thẩm định dự thảo nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổng cục và tổ chức tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; đề án và dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước và các tổ chức tư vấn, phối hợp liên ngành do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ...
Về quản lý biên chế, Bộ Nội vụ có nhiệm vụ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng biên chế công chức, biên chế công chức làm việc ở nước ngoài của các cơ quan, tổ chức hành chính và biên chế của các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương theo quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền; trình Thủ tướng Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh, bổ sung biên chế công chức của cơ quan, tổ chức hành chính theo quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền.
Quyết định giao, điều chỉnh, bổ sung biên chế công chức đối với từng cơ quan, tổ chức hành chính và hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương theo quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền; quyết định giao biên chế công chức làm việc ở nước ngoài đối với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sau khi được cơ quan có thẩm quyền và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, thẩm định kế hoạch số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên theo quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền.
Về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ, Bộ Nội vụ thống nhất quản lý về mã số ngạch công chức, mã số chức danh nghề nghiệp viên chức; quy định tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ các ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Nội vụ; hướng dẫn, kiểm tra việc xác định cơ cấu ngạch công chức, vị trí việc làm trong cơ quan nhà nước; thẩm định về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định, phê chuẩn theo quy định của pháp luật.
Bộ Nội vụ có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về tuyển dụng, bố trí, sử dụng công chức, viên chức theo vị trí việc làm, bổ nhiệm ngạch, chức danh nghề nghiệp, tổ chức thi hoặc xét nâng ngạch công chức, thay đổi chức danh nghề nghiệp viên chức, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, tiêu chuẩn chức danh, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức và các nội dung quản lý khác đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật...
Liên quan đến chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về chính sách, chế độ tiền lương, phụ cấp, sinh hoạt phí, tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức từ Trung ương đến cấp xã và lao động hợp đồng trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền về thực hiện cải cách chính sách tiền lương nhà nước.
Bộ Nội vụ có 20 đơn vị
Về cơ cấu tổ chức, Bộ Nội vụ có 16 đơn vị hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước gồm: 1- Vụ Tổ chức-Biên chế, 2- Vụ Chính quyền địa phương, 3- Vụ Công chức - Viên chức, 4- Vụ Tiền lương, 5- Vụ Tổ chức phi chính phủ, 6- Vụ Cải cách hành chính; 7- Vụ Hợp tác quốc tế; 8- Vụ Pháp chế; 9- Vụ Kế hoạch-Tài chính; 10- Vụ Công tác thanh niên; 11- Vụ Tổ chức cán bộ; 12- Thanh tra Bộ; 13- Văn phòng Bộ; 14- Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; 15- Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương; 16- Ban Tôn giáo Chính phủ.
4 đơn vị sự nghiệp công lập, phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ gồm: Học viện Hành chính Quốc gia, Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Tạp chí Tổ chức nhà nước, Trung tâm Thông tin.
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho đến khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia.
Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho đến khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị.
Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Vụ Tổng hợp tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho đến khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ thực hiện xong việc điều chuyển chức năng, nhiệm vụ và sắp xếp nhân sự của đơn vị theo Đề án sắp xếp, kiện toàn các Vụ thuộc Bộ Nội vụ.
Nghị định 63/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/9/2022, thay thế Nghị định 34/2017/NĐ-CP.
Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh–Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vừa ký ban hành Kế hoạch 92/KH-BCĐ389 ngày 13/9/2022 tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa.
Những năm gần đây, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro; dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp; các bộ, ngành, địa phương có nhiều giải pháp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm nên hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn cả nước có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, sau khi Chính phủ chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa trở lại bình thường nên tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa, với phương thức, thủ đoạn mới và tinh vi hơn. Các mặt hàng lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chủ yếu là hàng tiêu dùng, thiết yếu như xăng dầu, khoáng sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, gỗ và sản phẩm từ gỗ, vật tư nông nghiệp, sản phẩm và nguyên liệu sản phẩm dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, vật tư y tế, sản phẩm và nguyên liệu may mặc, sắt, thép, vật liệu xây dựng, cơ khí, điện tử, linh kiện điện tử, điện thoại di động, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ, rượu, bia, sữa, đường cát, thuốc lá, bánh kẹo và các mặt hàng cấm như ma túy, vũ khí, pháo nổ, vật liệu nổ, động vật hoang dã. Nổi lên là các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, TPHCM, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang...
Để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả bảo vệ lợi ích chính đáng của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh, quyền lợi người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường trong nước và phát triển kinh tế-xã hội; Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) xây dựng Kế hoạch tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa.
Chủ động ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại
Mục đích của Kế hoạch nhằm chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ổn định trật tự, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Ngăn chặn hành vi mua bán hóa đơn điện tử để trốn thuế
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm chắc tình hình trong địa bàn hoạt động hải quan; giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hành lý, phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển; tập trung kiểm tra, kiểm soát hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận về nguồn gốc, xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng tiêu dùng...; trao đổi, phối hợp xây dựng các phương án, kế hoạch điều tra, xác minh, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các vụ việc phức tạp, nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Chỉ đạo lực lượng Thuế tăng cường công tác quản lý thuế, kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc kê khai, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh để thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí, khoản thu khác; quản lý chặt việc hoàn thuế, bảo đảm hoàn đúng đối tượng, đúng chế độ; kiểm tra, rà soát đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi trốn thuế, nợ đọng thuế, chuyển giá; tăng cường biện pháp quản lý, kiểm tra việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn điện tử để hợp thức hàng nhập lậu, trốn thuế.
Ban Chỉ đạo 389 Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng nắm tình hình, trao đổi, chia sẻ thông tin, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các tuyến biên giới, vùng biển để phát hiện, xử lý kịp thời hành vi xuất nhập cảnh trái phép, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, không để hình thành các kho, bãi tập kết, điểm chứa hàng lậu ở khu vực biên giới; tập trung đấu tranh đối với các mặt hàng trọng điểm như ma túy, vũ khí, pháo nổ, vật liệu nổ, thuốc lá, động vật hoang dã, xăng dầu, khoáng sản, kim khí quý, đá quý, đường cát, rượu, bia, hàng tiêu dùng...; phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cư dân biên giới.
Ban Chỉ đạo 389 Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng cảnh sát biển tuần tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động xuất nhập khẩu, tạm nhập-tái xuất, quá cảnh, vận chuyển hàng hóa để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các vùng biển của Việt Nam, tập trung vào các mặt hàng trọng điểm như ma túy, pháo nổ, vật liệu nổ, thuốc lá, xăng dầu, khoáng sản, đường cát, hàng tiêu dùng...
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng nắm tình hình địa bàn nội địa; xây dựng, triển khai các phương án, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng hóa hoặc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát các trang thông tin điện tử, ứng dụng thương mại điện tử, các nhóm mặt hàng và hành vi vi phạm phổ biến để đánh giá đúng thực trạng, kịp thời phát hiện, trao đổi thông tin, phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử…
Xây dựng kế hoạch đấu tranh, triệt phá các đường dây buôn lậu
Ban Chỉ đạo 138 Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an toàn quốc tăng cường công tác nắm tình hình, xây dựng kế hoạch đấu tranh, triệt phá các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là đối với các loại mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, thép, linh kiện điện tử, gỗ và sản phẩm từ gỗ, dược phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, bia, thuốc lá, đường cát, phân bón... và các loại hàng cấm, hàng hóa gian lận xuất xứ...; đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm; phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân sớm đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh trước pháp luật, góp phần răn đe, phòng ngừa chung;
Ban Chỉ đạo 389 Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các lực lượng, đơn vị trong ngành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển để phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng liên quan kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động vận chuyển hàng hóa, hành khách để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phối hợp các bộ, ngành, lực lượng chức năng liên quan kiểm soát chặt chẽ các đầu mối giao thông như bến xe, ga xe lửa, bến cảng, các trạm kiểm tra tải trọng phương tiện để kịp thời phát hiện và kiên quyết từ chối vận chuyển các loại hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Xử lý nghiêm hành động tiếp tay, bao che buôn lậu
Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ xây dựng phương án, kế hoạch giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm về nguồn gốc, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa là vật tư nông nghiệp, vật tư y tế, văn hóa phẩm, tài nguyên, khoáng sản, xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, gia súc, gia cầm, động vật thủy sản, thuốc thú y, dược phẩm, dược liệu, vị thuốc cổ truyền, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, văn hóa phẩm độc hại...
Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, xây dựng phương án, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không để phát sinh điểm nóng, kho, bãi, điểm tập kết, trung chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... trên địa bàn quản lý; xử lý kịp thời, công khai, nghiêm minh những tập thể, cá nhân tiếp tay, bao che, bảo kê hoặc tham gia hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…
Kế hoạch trên thực hiện từ ngày 15/9/2022 – 15/9/2025./.
Theo Báo điện tử Chính phủ