Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép như thế nào?

09:33, 10/06/2014

Ngày 19/1/1974, một trận chiến giữa Việt Nam Cộng hòa (VNCH) và Trung Quốc đã xảy ra trên quần đảo Hoàng Sa và Trung Quốc đã chiếm giữ nó cho đến nay.

Quần đảo Hoàng Sa gồm hai nhóm đảo chính, nhóm đảo Nguyệt Thiềm - ở phía Tây Nam quần đảo và nhóm đảo An Vĩnh - ở phía Đông Bắc.

Năm 1951, Tại Hội nghị San Francisco về Hiệp ước Hoà bình với Nhật Bản, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu tuyên bố cả hai quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa đều thuộc lãnh thổ của Việt Nam, và không gặp phải kháng nghị hay bảo lưu nào từ 51 nước tham dự hội nghị.

Và sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương, VNCH thừa hưởng chủ quyền toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ chủ quyền Quốc gia (Việt Nam), nhưng ngay sau đó, một phần quần đảo đã bị Trung Quốc chiếm giữ năm 1956 khi người Pháp rút đi, còn quân đội VNCH chưa kịp tới trấn giữ.

Và VNCH chỉ chiếm giữ và thực hiện chủ quyền một phần quần đảo Hoàng Sa đến năm 1974, cho đến khi cuộc chiến xảy ra. Sau trận chiến này, Trung Quốc đã chiếm đóng (trái phép) toàn bộ quần đảo Hoàng Sa đến nay.

Vì sao Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa?

Câu hỏi này được đặt ra bởi, dù đã chiếm giữ toàn bộ quần đảo Hoàng Sa 40 năm, nhưng Trung Quốc vẫn không được cộng đồng quốc tế sự công nhận về chủ quyền đối với quần đảo này. Dưới góc độ của cộng đồng quốc tế, Hoàng Sa vẫn đang là một vùng lãnh hải tranh chấp. Thế nên, việc Trung Quốc dùng vũ lực để tấn chiếm Hoàng Sa vào năm 1974 vẫn là một câu hỏi lớn, với nhiều đáp án (câu trả lời) khác nhau.

Hải chiến Hoàng Sa giữa VNCH với Trung Quốc đã khai hỏa năm 1974.

Để thấy rõ hơn mục đích chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc, chúng ta hãy đi ngược lại lịch sử của họ một chút.

Vào năm 1949, khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Trung Quốc chỉ kiểm soát rất ít trong số 4 quần đảo, bãi ngầm tại biển Đông, cũng như không kiểm soát được khu vực đảo Đài Loan.

Thấy rõ những lợi ích của các đảo của vùng biển này, Trung Quốc quyết định phải kiểm soát bằng được tất cả các đảo thuộc Hoàng Sa.

Năm 1951, Trung Quốc chính thức đưa ra yêu sách về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng đã bị nhiều quốc gia khác phản đối. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn quyết định dùng sức mạnh quân sự để cưỡng đoạt. Và năm 1956, quân đội Trung Quốc đã đánh chiếm đảo Phú Lâm, thuộc nhóm đảo An Vĩnh.

Vào những năm 1970, các lợi ích từ tài nguyên biển trên vùng biển Đông càng trở nên hấp dẫn, đặc biệt tại các khu vực mà các bên đang tranh chấp. Với những giá trị kinh tế ngày càng gia tăng của các nhóm đảo ngoài khơi khu vực biển Đông, các quốc gia trong khu vực bắt đầu tìm cách giành quyền kiểm soát những khu vực quanh hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, những nơi chưa có sự hiện diện của lực lượng quân sự hoặc thực lực yếu.

Năm 1970, Philippines hoàn thành việc khảo sát địa chất tại các vùng biển quanh quần đảo Trường Sa và năm 1971, họ bắt đầu tiến hành khoan thăm dò nhằm tìm kiếm dầu lửa và khí đốt. Còn VNCH cũng bắt tay vào việc khai thác nguồn dầu khí ngoài khơi. Tháng 7/1973 chính quyền Sài Gòn đã ký 8 hợp đồng khoan thăm dò tại những khu vực được cho là có nhiều dầu mỏ trên biển Đông. Trước đó, tháng 1-3/1973, VNCH đã cho tiến hành khảo sát địa chất tại khu vực xung quanh nhóm đảo Nguyệt Thiềm.

Tháng 12/1973, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng công bố cho thấy triển vọng của các giếng dầu ở ngoài khơi Vịnh bắc Bộ, phía Bắc của quần đảo Hoàng Sa.

Vì thế, Trung Quốc quyết định mở rộng sự hiện diện của mình trên các đảo ngoài khơi biển Đông, nơi có ít sự trợ giúp của lực lượng hải quân quốc gia hay các lực lượng quân sự khác.

Bước qua năm 1973, Trung Quốc đã sử dụng các ngư dân để gia tăng sự hiện diện của họ trên vùng biển nhóm đảo Nguyệt Thiềm. Ngày 9/1/1974, các ngư dân Trung Quốc từ đảo Hữu Nhật đã áp sát đảo Hoàng Sa - nơi lực lượng VNCH đang trú đóng để thám thính. Đến ngày 11/1, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã công khai thách thức bản Tuyên bố tháng 9/1973 của chính quyền VNCH về chủ quyền biển, đảo.

Sau tuyên bố của Bắc Kinh, chính quyền Sài Gòn đã đưa thêm một số tàu chiến tới khu vực nhóm đảo Nguyệt Thiềm để trục xuất các ngư dân Trung Quốc ra khỏi khu vực này. Nhân việc đó, Trung Quốc đã đưa lực lượng hải quân ra đánh chiếm các đảo ở Hoàng Sa, tạo ra sự kiện ngày 19 và 20/1/1974, để rồi sau đó, kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa cho đến nay.

Theo bản tin của tờ New York Times (Mỹ) đăng ngày 21/1/1974, mặc dù đã bại trận trước Trung Quốc trong cuộc đụng độ ở quần đảo Hoàng Sa ngày 19/1/1974, nhưng chính quyền VNCH vẫn không thừa nhận thất bại và đã lên án hành động xâm phạm chủ quyền của Bắc Kinh lên Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc.

Sau khi đã chiếm được Hoàng Sa vào ngày 19/1/1974, Bắc Kinh đã điều động tới 43 chiến hạm đến quần đảo này để đề phòng VNCH phản công.

Phía VNCH, ông Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh cho 4 phi đội tiêm kích F-5 bay từ Biên Hòa ra Đà Nẵng (mỗi phi đội có 24 tiêm kích) kết hợp với 1 phi đội ở Đà Nẵng để chuẩn bị giành lại Hoàng Sa. Nhưng lệnh tác chiến đã không được ban ra, mặc dù các phi công đều đã tuyên bố sẵn sàng “quyết sống mái” để giành lại lãnh thổ đất nước.

Mỹ làm ngơ về Hoàng Sa và “làm hòa” với Trung Quốc

Mặc cho chính quyền của ông Thiệu đã nhiều lần thông báo về tình hình trận Hoàng Sa với Đại sứ quan Mỹ, nhưng Washington vãn không hề có động thái hỗ trợ gì.

Mỹ đã cố ý phớt lờ để mặc cho Trung Quốc tấn công quân đội VNCH và xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa (năm 1974) vì đã đoán trước là VNCH sẽ thất bại trước miền Bắc, theo nhận định của các chuyên gia quân sự phương Tây.

Bởi tháng 2/1972, một cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Mao Trạch Đông với Tổng thống Mỹ Nixon tại Bắc Kinh đã diễn ra và theo các nhà quan sát, hai lãnh tụ của hai cường quốc (lúc ấy) đã “chia quyền” cả trên đất liền lẫn trên biển.

Cuộc "gặp gỡ lịch sử" giữa Chủ tịch Đảng Trung Quốc Mao Trạch Đông với Tổng thống Mỹ Nixon tại Bắc Kinh năm 1972. 

Sau cuộc gặp này, Mỹ và Trung Quốc đã cùng đưa ra tuyên bố chung phản đối "bá quyền" tại châu Á - Thái Bình Dương, theo tài liệu của Đại sứ quán Mỹ trên Tạp chí điện tử của Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 4/2006.

Năm 1973, Bắc Kinh và Washington đã mở “văn phòng liên lạc” ở thủ đô mỗi nước, chẳng khác gì đại sứ quán - ngoại trừ cái tên, được cho là nhằm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước Mỹ - Trung Quốc.

Ngoài việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, sau khi Mỹ ký kết Hiệp định Paris năm 1973, chấp nhận rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, một động thái cho thấy Washington đã tiên liệu được rằng miền Bắc Việt Nam sẽ chiến thắng, nên không can dự đến vấn đề tranh chấp chủ quyền của VNCH.

Trước tình hình này, Trung Quốc thấy rõ một khả năng mới: Khi Hải quân Mỹ không còn can thiệp, việc cưỡng chiếm các hòn đảo do VNCH quản lý là trong tầm tay (thực tế đã diễn ra như thế).

Mặc dù Mỹ nói không can dự vào trận chiến Hoàng Sa, nhưng Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã theo sát tình hình ở Hoàng Sa, cập nhật tình hình mỗi ngày, theo bài viết nhan đề “CIA theo dõi sát trận Hoàng Sa 1974” do BBC đăng ngày 30/12/2013.

Sự kiện đã xảy ra đối với Hoàng Sa năm 1974 thực sự là “bài học xương máu”, không chỉ cho Việt Nam mà còn cho tất cả những quốc gia có tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển với một quốc gia đầy mưu mô và tham vọng bá quyền - Trung Quốc.

Thanh Trà (tổng hợp)