Nhật, Mỹ phản ứng sau vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam
Mỹ và Nhật Bản vừa lên tiếng bày tỏ quan ngại sau vụ va chạm gần giàn khoan của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp khiến một tàu cá của Việt Nam bị chìm.
- Giáo sư Francois Huchet: Trung Quốc có thể đang sai lầm lớn
- Mạng quân sự Trung Quốc: Việt Nam có thể đã cử tàu ngầm theo dõi tập trận Nga - Trung
- Quốc hội, Chính phủ Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan trái phép
- Tin Vinasat không cung cấp dịch vụ cho người Trung Quốc là thiếu chính xác
- Khu trục USS Blue Ridge thuộc Hạm đội 7 đang ở trong vùng biển Đông
Đài truyền hình Nhật NTDTV dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera nói: "Chúng tôi thấy việc tàu cá Việt Nam có thể bị nhiều tàu cá Trung Quốc bao vây và đâm chìm là điều báo động." "Những việc như thế này xảy ra ngay cả khi tàu hải giám của Trung Quốc đang có mặt trong khu vực không phải là một tín hiệu tốt cho tương lai," ông nói với các phóng viên.
Tàu cá DNA 90152 bị Trung Quốc đâm chìm đã được trục vớt và lai dắt vào bờ
"Có lẽ bạn thực sự phải đặt câu hỏi rằng vì sao một chiếc tàu cá, với nhiệm vụ đơn giản là đánh bắt cá, lại đâm một tàu khác như vậy." "Thật không thể tin nổi." Trong khi đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga cũng được NTDTV dẫn lời nói: "Bất chấp việc nhiều nước đã yêu cầu Trung Quốc phải tránh có những hành động đơn phương, nước này vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục hoạt động khoan thăm dò." "Tôi cho rằng đây là một quyết định rất đáng tiếc."
Còn hãng thông tấn AFP dẫn lời ông Suga nói rằng việc Trung Quốc đâm chìm tàu Việt Nam là "một hành động vô cùng nguy hiểm". "Điều quan trọng lúc này là các bên liên quan phải tránh có các hành động đơn phương và xử lý các vấn đề một cách bình tĩnh, theo đúng luật pháp quốc tế," ông nói thêm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki được hãng thông tấn AP dẫn lời trong buổi họp báo thường nhật hôm 27/5 cho biết Hoa Kỳ chưa thể kiểm chứng độc lập về thông tin một tàu cá Việt Nam bị đâm chìm. Tuy nhiên bà cũng bày tỏ quan ngại trước "những hành động nguy hiểm và sự khiêu khích của các tàu Trung Quốc đang hoạt động trong khu vực tranh chấp." "Chúng tôi tiếp tục kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và thực hiện các bước nhằm tháo gỡ căng thẳng", bà nói thêm.
Ở diễn biến khác, thông tấn xã Đài Loan ngày 27/5 đưa tin, giới phân tích cho rằng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đưa vấn đề Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông, vụ giàn khoan 981 vào bài phát biểu tại Đối thoại An ninh Shangri-la 2014 sẽ diễn ra tại Singapore từ 30/5 - 1/6/2014.
Thanh Sơn