Chính phủ điện tử ở Việt Nam xếp hạng thứ mấy trên thế giới?

13:56, 28/08/2020

Chính phủ điện tử tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng khích lệ, khi tăng 2 bậc so với giai đoạn trước.

Chính phủ điện tử ở Việt Nam xếp hạng thứ mấy trên thế giới? - 1

Theo báo cáo khảo sát mức độ phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc giai đoạn từ tháng 8/2017 đến tháng 7/2019, Việt Nam hiện xếp thứ 86/193 quốc gia, tăng 2 bậc so với lần xếp hạng trước.

Đáng chú ý, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam về lĩnh vực này là 0.6667, cao hơn mức trung bình ở khu vực châu Á (0.6373), Đông Nam Á (0.6321), và cao hơn rất nhiều so với mức trung bình trên thế giới (0.5988).

Với kết quả này, Việt Nam được đánh giá thuộc nhóm quốc gia ở mức cao về Chính phủ điện tử.

Chính phủ điện tử ở Việt Nam xếp hạng thứ mấy trên thế giới? - 2

 

Được biết, mức độ phát triển Chính phủ điện tử hình thành từ ba chỉ số chính: hạ tầng viễn thông, nhân lực và dịch vụ trực tuyến. Ngoài ra, còn ba chỉ số phụ là tham gia điện tử, dịch vụ trực tuyến của địa phương và dữ liệu mở.

Trong các chỉ số thành phần, Việt Nam có cải thiện vượt bậc ở Chỉ số Hạ tầng viễn thông (tăng 31 bậc), cải thiện ở Chỉ số Nhân lực (tăng 3 bậc) và tụt hạng đáng kể ở Chỉ số Dịch vụ trực tuyến (giảm 22 bậc).

Ở các chỉ số thành phần, Việt Nam hiện được đánh giá cao ở Chỉ số Tham gia điện tử (xếp hạng 70/193 quốc gia) cùng những nỗ lực của ngành Thuế khi thực hiện kê khai thuế điện tử, thanh toán điện tử và hải quan điện tử.

Với Chỉ số Dịch vụ trực tuyến của địa phương và Chỉ số Dữ liệu mở (xếp hạng 97/193 quốc gia), Việt Nam chỉ thuộc nhóm quốc gia ở mức trung bình.

Chính phủ điện tử ở Việt Nam xếp hạng thứ mấy trên thế giới? - 3

 

Chính phủ Điện tử (hay e-Government) là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của chính phủ, cung cấp các dịch vụ công cộng, thực hiện các hoạt động của chính phủ trên các nền tảng như website.

Với tiềm năng của Internet, chính phủ điện tử sẽ thay đổi một số phương thức, cấu trúc hoạt động của cơ quan Nhà nước để tạo ra nhiều cơ hội cho người dân có thể tương tác trực tiếp với chính phủ cũng như chính phủ có thể cung cấp các dịch vụ trực tiếp cho người dân của mình.

Theo Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), báo cáo trên chưa phản ánh đầy đủ những nỗ lực của Việt Nam trong khoảng thời gian từ tháng 8/2019 tới nay.

Đại diện từ Cục Tin học hóa cũng cho rằng mục tiêu của Bộ TT&TT là đưa Việt Nam tăng 10 bậc trên bảng xếp hạng về Chính phủ điện tử trong giai đoạn tới.

Theo Nguyễn Nguyễn/dantri.com.vn