Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì chỉ đạo tổ chức trực tuyến “Diễn đàn Cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020”

Thiên Thanh 19:27, 22/07/2020

Ngày 22/7, tại Hà Nội, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đã đồng chủ trì và chỉ đạo tổ chức Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020, với một phiên diễn đàn cấp cao và bốn phiên chuyên đề. Triển khai Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ban Kinh tế Trung ương tổ chức chương trình trực tuyến “Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam 2020”.

Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Trịnh Đình Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo các bộ, ngành, Đại sứ một số nước và trên 2.000 đại biểu tham dự, theo dõi trực tuyến. Diễn đàn được truyền trực tuyến tới 63 điểm cầu địa phương và 30 điểm cầu quốc tế. Tại Quảng Ninh, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện một số sở, ngành tham dự.

Ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Tại diễn đàn, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định năng lượng giữ vai trò quan trọng và tiên phong quyết định đến sự tăng trưởng kinh tế quốc gia. Nhận thức được tầm quan trọng này, Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phát triển năng lượng trong bối cảnh phát triển mới. Tuy nhiên, để đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới, mục tiêu đảm bảo nguồn cung điện còn gặp nhiều thách thức khi nhiều dự án nguồn điện bị chậm tiến độ, nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn, một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều bất lợi. Không những thế, thị trường năng lượng cạnh tranh chưa đồng bộ, thiếu sự liên thông, chính sách giá còn bất cập và chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường.

Tại Quảng Ninh, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện một số sở, ngành tham dự.

Để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng mức 8% cho đến năm 2030, Chính phủ ước tính công suất nguồn điện cần tăng từ 42 GW hiện nay lên 60 GW năm 2020 và 100 GW vào năm 2030. Như vậy, mỗi năm Việt Nam cần phải lắp đặt 5 GW công suất mới trong giai đoạn từ 2018 đến 2030, điều này đặt ra nhiều thách thức về kỹ thuật, quản lý và tài chính.

Từ nay đến năm 2030, mỗi năm ngành điện Việt Nam cần đầu tư mới khoảng 8-12 tỷ USD, cao hơn mức bình quân 8 tỷ USD/năm trong giai đoạn trước đây, tập trung vào đầu kỳ, với sự chuyển dịch đầu tư ngày càng tăng vào năng lượng tái tạo, nhiệt điện và hạ tầng lưới điện.

Tại Quảng Ninh, với tiềm năng, lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên, tỉnh đã trở thành một trong những trung tâm nhiệt điện, sản xuất than, sản xuất vật liệu xây dựng lớn của cả nước. Hiện, Quảng Ninh đang có 7 nhà máy nhiệt điện đang phát điện với tổng công suất là 5.640MW. Theo quy hoạch, đến năm 2029, tổng công suất các nhà máy điện than trên địa bàn tỉnh đạt 10.585MW, chiếm 19% công suất nhiệt điện than của cả nước.

Trong những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo đầu tư đồng bộ hạ tầng điện lưới quốc gia, đáp ứng yêu cầu truyền dẫn năng lượng, nhu cầu sử dụng của các nhà đầu tư và cấp điện cho người dân nông thôn, miền núi, hải đảo. Hiện 100% các hộ dân trên địa bàn tỉnh đã có điện sử dụng.

Các doanh nghiệp và địa phương ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư phát triển dự án năng lượng.

Được biết, Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam 2020 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Diễn đàn hướng đến mục tiêu tạo diễn đàn cho các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương được trao đổi, thảo luận, lấy ý kiến về dự thảo chương trình hành động, chiến lược, quy hoạch, các cơ chế, chính sách để cụ thể hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.

Đồng thời, đây cũng là kênh kết nối giữa các cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng, các cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia trong nước và quốc tế trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng.

Song song với những sự kiện của diễn đàn là triển lãm giới thiệu về các mô hình, công nghệ năng lượng hiện đại của thế giới, cùng 4 hội thảo chuyên đề về phát triển ngành năng lượng tại Việt Nam.

 

Thiên thanh (T/h)