Chính sách pháp luật quản lý thương mại điện tử Việt Nam
Vài năm trở lại đây, cùng với sự tăng trưởng của cả nền kinh tế, thương mại điện tử ở Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ với dự báo thị trường sẽ đạt 33 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ 3 Đông Nam Á (theo Google và Temasek). Điều đó sẽ kéo theo những yêu cầu cao về chính sách pháp lý đối với hình thức thương mại này. Vì vậy, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo công cụ pháp lý bảo vệ, định hướng chủ thể kinh doanh, tạo ra môi trường kinh doanh an toàn, hiệu quả thông qua thương mại điện tử.
Một số chính sách pháp luật mới liên quan đến thương mại điện tử
Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý cho các giao dịch Thương mại điện tử, hướng đến sự minh bạch trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh; qua đó, tạo điều kiện để thương mại điện tử phát triển, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và xây dựng các mô hình thương mại hiện đại cho Việt Nam. Những thay đổi của các chính sách pháp luật liên quan đến thương mại điện tử trong thời gian gần đây đã cho thấy sự nỗ lực của cơ quan quản lý các cấp và tầm quan trọng của loại hình thương mại hiện đại này. Một số thay đổi phải kể đến:
Luật An ninh mạng
Luật An ninh mạng với 7 chương, 43 điều đã được đại biểu Quốc hội bỏ phiếu thông qua ngày 12/6/2018 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2019. Luật An ninh mạng quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Hiện nay, dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng đang được Chính phủ xây dựng và lấy ý kiến rộng rãi.
Theo đó, Luật An ninh mạng quy định về Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng theo Khoản 1 Điều 41; Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam theo Khoản 2 Điều 26; Các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng theo Điều 8 của Luật.
Nghị định số 165/2018/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính
Ngày 24 tháng 12 năm 2018 Chính phủ ban hành Nghị định số 165/2018/NĐ-CP về Giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 02 năm 2019. Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính và Nghị định số 156/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Trong đó, đáng chú ý là việc định nghĩa khái niệm giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính: Là giao dịch điện tử giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân trong các loại hoạt động nghiệp vụ: Ngân sách nhà nước, ngân quỹ nhà nước, thuế, phí, lệ phí, thu khác của ngân sách nhà nước, dự trữ nhà nước, tài sản công, các quỹ tài chính nhà nước, đầu tư tài chính, tài chính doanh nghiệp, tài chính hợp tác xã, hải quan, kế toán, quản lý nhà nước về giá, chứng khoán, dịch vụ tài chính, dịch vụ kế toán, dịch vụ kiểm toán, kinh doanh bảo hiểm và các dịch vụ tài chính khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Việc thực hiện các hoạt động nghiệp vụ này theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Đồng thời, Nghị định còn quy định khái niệm về Chứng từ điện tử trong hoạt động tài chính: Là thông tin được tạo ra, gửi đi, nhận và lưu trữ bằng phương tiện điện tử khi thực hiện giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; bao gồm chứng từ, báo cáo, hợp đồng, thỏa thuận, thông tin giao dịch, thông tin thực hiện thủ tục hành chính và các loại thông tin, dữ liệu khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Ngoài ra, còn có quy định về Giá trị bản gốc của chứng từ điện tử trong hoạt động tài chính.
Nghị định số 27/2018/NĐ-CP
Sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội trong khoảng 1 thập kỷ qua đã kéo theo các hình thức thương mại điện tử thông qua mạng xã hội. Vì vậy, ngày 01 tháng 3 năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2018. Theo đó, Nghị định số 27/2018/ NĐ-CP có một số quy định sửa đổi, bổ sung đối với tổ chức, doanh nghiệp khi thiết lập mạng xã hội. Trong đó quy định điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp được cấp Giấy phép thiết lập mạng xã hội. Cụ thể:
- Doanh nghiệp là tổ chức, doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ hoặc ngành nghề đăng ký kinh doanh phù hợp với dịch vụ và nội dung thông tin cung cấp đã được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
- Nhân sự chịu trách nhiệm quản lý nội dung thông tin: a) Có ít nhất 01 nhân sự chịu trách nhiệm quản lý nội dung thông tin là người có quốc tịch Việt Nam hoặc đối với người nước ngoài có thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền cấp còn thời hạn ít nhất 06 tháng tại Việt Nam kể từ thời điểm nộp hồ sơ; b) Có bộ phận quản lý nội dung thông tin. 2. Điều kiện về nhân sự bộ phận kỹ thuật theo quy định tại khoản 2 Điều 23a Nghị định 27/2018/ NĐ-CP.
- Tên miền: 1. Đối với tổ chức, doanh nghiệp không phải là cơ quan báo chí, dãy ký tự tạo nên tên miền không được giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí. 2. Trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội sử dụng ít nhất 01 tên miền “.vn” và lưu giữ thông tin tại hệ thống máy chủ có địa chỉ IP ở Việt Nam. 3. Trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội của cùng một tổ chức, doanh nghiệp không được sử dụng cùng một tên miền. 4. Tên miền “.vn” phải còn thời hạn sử dụng ít nhất là 06 tháng tại thời điểm đề nghị cấp phép và phải tuân thủ quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet. Đối với tên miền quốc tế phải có xác nhận sử dụng tên miền hợp pháp.
- Kỹ thuật: Đáp ứng các điều kiện về kỹ thuật theo quy định tại Điều 23c Nghị định số 27/2018/NĐ-CP.
- An toàn thông tin: Có biện pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh thông tin và quản lý thông tin theo quy định tại Điều 23d Nghị định 27/2018/NĐ-CP.
Yêu cầu về tính đồng bộ trong chính sách và pháp luật thương mại điện tử
Về phía cơ quan ban hành chính sách
Mặc dù việc bảo vệ thông tin cá nhân có tầm quan trọng đặc biệt đối với thương mại điện tử; các văn bản quy phạm pháp luật đều có các quy định về bảo vệ thông tin các nhân như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Công nghệ thông tin, Luật An ninh mạng, các Nghị định về Thương mại điện tử… Tuy nhiên, tình trạng thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trai pháp luật thông tin cá nhân vẫn diễn ra phổ biến và được truyền thông phản ánh liên tục trong thời gian qua.
Cuối tháng 10 năm 2018 Bộ Công an đã công bố Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều trong Luật An ninh mạng. Ngay sau đó, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Hiệp hội Thương mại điện tử tổ chức Toạ đàm góp ý cho dự thảo. Các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến tham gia Toạ đàm đã đánh giá cách diễn đạt của một số điều khoản trong dự thảo Nghị định còn chưa rõ ràng, dễ gây hiểu nhầm.
Chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Theo Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 đề ra mục tiêu phát triển nhanh thương mại điện tử xuyên biên giới, phục vụ thiết thực hoạt động xuất nhập khẩu; giao dịch thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) chiếm 30% kim ngạch xuất nhập khẩu vào năm 2020. Tuy nhiên cho đến nay, hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới loại hình B2C còn gặp nhiều khó khăn trong giải quyết các chứng từ pháp lý ở cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu.
Lấy ví dụ, một số sàn thương mại điện tử tại Việt Nam cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới. Người mua có thể trả lại hàng nếu hàng hóa không đúng như quảng cáo và không bị tính tiền vận chuyển món hàng trả ngược lại người bán ở nước ngoài với hình thức thanh toán khi nhận hàng (COD). Tuy nhiên, khi hàng hóa đã được người tiêu dùng chấp nhận, thì đơn vị quản lý sàn phải đối mặt với khó khăn mua ngoại tệ và thanh toán lại cho nhà bán hàng xuyên biên giới. Việc này gần như bất khả thi vì theo quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 và Nghị định 70/2014/NĐCP, sàn thương mại điện tử cần xuất trình nhiều loại giấy tờ mới được mua ngoại tệ chuyển ra nước ngoài, bao gồm: 1) Lệnh chuyển tiền; 2) Văn bản yêu cầu mua ngoại tệ; 3) Hợp đồng ngoại thương; 4) Tờ khai hải quan hàng nhập khẩu; 5) Hóa đơn. Ngoài ra, do sàn thương mại điện tử không phải là người nhận hàng nhập khẩu nên còn cần bổ sung thêm: 1) Xác nhận đã nhận hàng của người tiêu dùng; 2) Giấy ủy quyền của người tiêu dùng.
Mặt khác, theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), các món hàng giao dịch qua thương mại điện tử xuyên biên giới thường có giá trị thấp, đến 80% hàng hóa có giá trị dưới 30 USD; trong khi chí phải để xuất trình chứng từ giấy để mua ngoại tệ và thanh toán theo quy định lại rất cao so với giá trị sản phẩm, chưa kể đến chi phí cho 1 điện chuyển tiền đã xấp xỉ 20 USD/điện. Một số sàn thương mại điện tử phải dùng giải pháp tình thế là nhờ công ty mẹ ở nước ngoài thanh toán giúp, sau đó bù trù bằng giao dịch khác.
Đối với các sàn thương mại điện tử, việc pháp luật không chấp nhận hình thức thanh toán rút gọn với các dữ liệu điện tử thay vì chứng từ giấy đã tạo ra nhiều trở ngại cho sự phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, đồng thời tạo nên sự thiếu minh bạch trong quy trình thanh toán. Đối với người tiêu dùng, họ không được tiếp cận những sản phẩm tương xứng với giá tiền và quyền được trả hàng khi hàng hóa không đúng như quảng cáo. Việc chỉ cho phép ngân hàng chấp nhận chứng từ giấy theo kiểu truyền thống trong thanh toán quốc tế và không có kết nối dữ liệu là không phù hợp với quy trình hiện đại hóa và tự động hóa trong dịch vụ ngân hàng, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng./.
Hữu Ích
Tài liệu tham khảo:
- Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2019 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương
- Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử 2019 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM)