Chọn phiên bản Linux phù hợp
1. Kỹ năng
Nếu bạn chưa từng dùng Linux, bạn sẽ nghĩ ngay đến việc chọn cho mình bản Linux nào phù hợp với người dùng mới bắt đầu. Ngoài Ubuntu, bạn có thể chọn dùng Fedora, Linux Mint và openSUSE. Các phiên bản này đều có giao diện người dùng khá thân thiện.
Bạn không nên chọn phiên bản thử nghiệm alpha, beta hay RC (Release Candidate) vì các bản Linux này thường chưa ổn định. Mặt khác, bạn cũng nên quan tâm đến các bản Linux dành cho người dùng am hiểu, cho phép bạn tùy biến Linux theo nhu cầu như Gentoo, Debian, Arch Linux và Slackware; hoặc cho phép bạn tự xây dựng bản Linux của riêng mình với Linux From Scratch.
2. Chuyên biệt
Nếu doanh nghiệp của bạn cần bản Linux có khả năng tính toán chuyên biệt, hãy chọn dùng Ubuntu phiên bản EduBuntu và UbuntuScience.
3. Hỗ trợ
Mỗi bản Linux thường sẽ có cộng đồng trực tuyến riêng nhằm cung cấp sự giúp đỡ miễn phí về các vấn đề phát sinh trong việc cài đặt, sử dụng bản Linux đó. Trước khi chọn bất kỳ bản Linux nào, bạn cũng nên tham khảo qua các trang web cộng đồng để từ đó “rút tỉa” các lời khuyên hữu ích cũng như hỗ trợ khi cần thiết.
Nếu bạn không thích kiểu hỗ trợ miễn phí qua các trang web cộng đồng, bạn có thể mua bản Linux thương mại, có sự hỗ trợ từ phía nhà cung cấp. Red Hat Enterprise và SUSE Linus Enterprise Desktop (trước đây có tên là Novell Linux Desktop) là một trong các bản Linux thương mại được nhiều người dùng doanh nghiệp lựa chọn.
4. Phần cứng
Một trong nhiều ưu điểm của Linux là khả năng chạy trên các thiết bị phần cứng cũ, không như Windows luôn đòi hỏi phần cứng mới. Với người dùng có các phần cứng rất cũ, bản Puppy Linux là lựa chọn phù hợp. Với hệ thống máy tính để bàn “yếu”, bản Xubuntu và Debian XFCE khá hữu ích.
Thậm chí ngay cả với các thiết bị ngoại vi, máy tính để bàn có cấu hình phần cứng tương đối mới, người dùng cũng phải xem xét nên chọn dùng bản Linux nào. Nếu bạn dùng đầu đọc thẻ nhớ hay máy in chuyên dụng, bạn nên kiểm tra xem bản Linux nào tương thích và phù hợp với các thiết bị ngoại vi hiện có. Trong số các bản Linux, Ubuntu có khả năng tương thích tốt hầu hết các thiết bị phần cứng, thiết bị ngoại vi.
5. Phần mềm
Nếu doanh nghiệp bạn đang có một số phần mềm loại không thể không dùng, bạn nên có kế hoạch dùng thử xem bản Linux nào chạy được với phần mềm đó trước khi đưa vào cài đặt đại trà. Lời khuyên là bạn kiểm tra xem có phần mềm mã nguồn mở nào tương tự phần mềm doanh nghiệp bạn đang dùng hay không. Nếu phần mềm doanh nghiệp bạn đang dùng có bản quyền, thì bạn hãy truy cập vào các trang web cộng đồng để hỏi hay kiểm tra xem có ai đã dùng thành công phần mềm đó trên Linux chưa.
Nếu bạn vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc chọn nên dùng bản Linux nào, bạn có thể nhờ cộng đồng Linux giúp đỡ, việc nhờ hỗ trợ như vậy sẽ rất hữu ích cho bạn. Bạn có thể tìm thấy nhiều lời khuyên về việc chọn dùng Linux tại đây và đây.
Khi bạn chọn được bản Linux phù hợp. Hãy dùng thử bản Linux đó trực tiếp ngay trên đĩa CD hay USB (không cần cài đặt). Bằng trải nghiệm thực tế, bạn mới biết được bản Linux này thực sự phù hợp với bạn hay không. Nếu thích bản Linux đó, bạn có thể cài đặt nó song song với Windows. Một mặt, bạn có thể dùng Linux, mặt khác bạn có thể dùng các ứng dụng chạy trên Windows. Một lời khuyên nữa là bạn nên có bên mình một cuốn sách tham khảo của bản Linux đó, để khi cần có thể tìm thấy sự trợ giúp nhanh chóng.