Chống thuốc giả: phải là nhiệm vụ chính trị, xã hội và pháp lý lâu dài
Tại Hà Nội, vừa diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025 và tổng kết đợt cao điểm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Liên quan tới thực trạng thuốc giả, báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025 và tổng kết đợt cao điểm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ,Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định: Bộ Y tế kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đặc biệt, là trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc buông lỏng quản lý hay tiếp tay cho các hành vi vi phạm.
Theo TS Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế): Cuộc chiến chống thuốc giả hiện nay không chỉ còn là câu chuyện chuyên môn của ngành Y tế, mà đã trở thành một nhiệm vụ chính trị, xã hội và pháp lý mang tính lâu dài. Thuốc giả không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn trực tiếp đe dọa tính mạng người bệnh. Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thuốc giả xâm nhập từ bên ngoài, lan rộng qua kênh trực tuyến, là mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
TS. Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế).
Dù hệ thống quản lý dược tại Việt Nam đã được thiết lập tương đối đầy đủ, gồm Luật Dược, Bộ luật Hình sự và các nghị định, thông tư hướng dẫn, nhưng công tác phòng chống vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng. Các đối tượng làm giả chia nhỏ quy trình sản xuất để né kiểm tra, không cần nhà xưởng cố định và tận dụng mạng xã hội làm kênh tiêu thụ. Một số nhà thuốc bán lẻ chưa tuân thủ quy định, bán thuốc không hóa đơn, không truy xuất được nguồn gốc, tạo điều kiện cho hàng giả xâm nhập vào hệ thống phân phối chính thống.
Cũng theo ông Hùng cho biết, hiện có 3 viện kiểm nghiệm trung ương và 62 trung tâm cấp tỉnh, nhưng nhiều nơi còn thiếu thiết bị hiện đại, chưa đủ khả năng kiểm tra nhanh tại chỗ. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực này cũng chưa đủ sức răn đe, với những mặt hàng không rõ nguồn gốc có giá trị nhỏ, chưa đủ yếu tố cấu thành hình sự.
Nhiều cơ sở bị phát hiện sai phạm chỉ bị xử phạt từ 30–50 triệu đồng. Trong khi đó, một chiến dịch quảng bá hàng giả trên nền tảng mạng xã hội có thể thu về doanh thu gấp hàng chục lần. Chế tài hình sự chỉ áp dụng khi xác định rõ thiệt hại, nhưng việc định lượng trong lĩnh vực y tế là rất khó. Đặc biệt, là với các sản phẩm có tính chất bổ sung hoặc chưa gây hậu quả trực tiếp.