Chủ động chuyển đổi số báo chí - xu thế tất yếu của thời đại
Sáng 11/6 tại Đại học Khoa học - Xã Hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học "Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn". Các diễn giả tham luận tại Hội thảo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo sự phát triển bền vững của tờ báo.
- Bộ giải pháp tổng thể các nền tảng chuyển đổi số Bkav DX chính thức ra mắt
- Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ra mắt Trung tâm Công nghệ và Giải pháp chuyển đổi số trong giáo dục
- Hải Phòng: Hơn 37.000 SME được hỗ trợ chuyển đổi số
- Bến Tre: Phấn đấu hỗ trợ chuyển đổi số cho 1.000 doanh nghiệp
- Meey Land chia sẻ giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho lĩnh vực Bất động sản, hợp lực chuyển đổi số để phát triển kinh tế số
Hội thảo khoa học "Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn" với sự góp mặt của: ông Lê Quốc Minh – Ủy viên BCH TW Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW; ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí – Bộ Thông tin và Truyền thông; TS.Đỗ Anh Đức - Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH & NV và gần 80 chuyên gia trong lĩnh vực báo chí - truyền thông.
Trong bối cảnh bùng nổ truyền thông mạng xã hội, xu hướng truyền thông hội tụ, đa phương tiện, cách mạng 4.0 và Internet có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí Việt Nam.
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông cho biết, trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin của xã hội, tạo động lực thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.
Bên cạnh đó, báo chí cũng là lĩnh vực trong xã hội phải tiến hành chuyển đổi số theo xu hướng phát triển chung, thậm chí phát triển trưởng thành thành một ngành kinh tế truyền thông số.
Cùng phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đại dịch COVID-19 có ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế - xã hội trong nước, nhưng cũng đem lại cơ hội tăng tốc chuyển đổi số quốc gia. Một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng nổ của công nghệ kỹ thuật số là báo chí, truyền thông. Nhiều cơ quan báo chí, công ty truyền thông trên thế giới đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo sự phát triển bền vững của tờ báo, đã bước vào một “cuộc đua” mới trong việc áp dụng chuyển đổi số, thay đổi mô hình, cách thức hoạt động, kinh doanh để vượt qua “khủng hoảng” thành công.
Tính đến ngày 30/11/2021, số lượng cơ quan báo chí có phiên bản điện tử là 259/816 (báo và tạp chí thực hiện 2 loại hình in và điện tử là 230; báo chí điện tử độc lập (không có bản in) là 29); 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng.
Toàn cảnh hội thảo.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Lâm, một số cơ quan báo chí đã đi tiên phong trong chuyển đổi số với các công nghệ số tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Bigdata... Những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng báo chí: Cá nhân hóa nội dung; Đa nền tảng; Báo chí di động; Báo chí xã hội; Báo chí dữ liệu; Báo chí sáng tạo; Siêu tác phẩm báo chí.
Một số báo chí địa phương cũng đã bước đầu có sự thay đổi như: Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Tuyên Quang...
Tuy nhiên, cũng có nhiều đơn vị báo chí, nhất là báo ngành, địa phương chậm chuyển đổi số vì nhiều lý do khác nhau, trong đó khâu khó khăn nhất là hạ tầng kỹ thuật số, kinh phí và nhân sự.
Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, giới chuyên gia đã chỉ ra rằng “chuyển đổi số trước, lợi ích sẽ đến sau”. Việc cần làm là đề ra những hướng đi. “Chúng tôi quán triệt mô hình là cơ quan báo chí công nghệ. Con đường để đến với mục tiêu này khá là dài. Các cơ quan báo chí trên thế giới hiện xây dựng công nghệ rất mạnh để trở thành cơ quan báo chí công nghệ và ngược lại, các tập đoàn công nghệ sẽ đầu tư vào nội dung để trở thành các tập đoàn công nghệ truyền thông. Bây giờ chúng ta không chỉ chạy theo số lượng người xem mà phải khiến cho họ ngồi lại với sản phẩm của chúng ta lâu hơn”, ông Lê Quốc Minh nêu rõ.
Ông Lê Quốc Minh phát biểu tham luận tại Hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đề cập đến những vấn đề đặt ra trong việc triển khai xây dựng nền báo chí Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, đa nền tảng, đa phương tiện, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ số, truyền thông thế giới; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, được cá nhân hóa tới công chúng mọi lúc, mọi nơi, phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo niềm tin và đồng thuận xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, khơi dậy khát vọng, tạo sức mạnh tinh thần phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Đồng thời, đưa ra những khuyến nghị để các cơ quan báo chí, truyền thông Việt Nam xây dựng được nền tảng riêng, hình thành các cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, kiểm soát và chi phối việc sản xuất, phân phối nội dung, giữ vững chủ quyền trên không gian mạng.
Thuỳ Dung