Chủ tịch Hồ Chí Minh với khát vọng độc lập, thống nhất non sông

14:51, 30/04/2025

Đã 50 năm kể từ ngày 30/4/1975 lịch sử, một ngày trọng đại của dân tộc, đất nước ta vui niềm vui thống nhất, non sông thu về một mối. Chúng ta càng nhớ tới Bác Hồ muôn vàn kính yêu, vị lãnh tụ trọn đời phấn đấu cho hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ cho đất nước.

Ngày 05/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đặt chân lên con tàu Amiral Latouche Treville tại bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh tư liệu

Sinh ra trong hoàn cảnh của một dân tộc thuộc địa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chứng kiến và thấu hiểu sâu sắc nỗi khổ của người dân mất nước, phải chịu làm nô lệ. Do vậy, đấu tranh giành độc lập dân tộc, tự do hạnh phúc cho nhân dân luôn là khát vọng, động lực và mục đích lớn nhất trong suốt cuộc đời của Người: "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn".

Rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, trải qua một hành trình đầy gian khổ, qua nhiều đại dương và lục địa, đã đem lại cho Chủ tịch Hồ Chí Minh một tình cảm cách mạng sâu sắc, một lựa chọn đúng đắn con đường cứu nước đáp ứng được những yêu cầu khách quan của sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam và phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử và thời đại. Đó là con đường giải phóng dân tộc theo chủ nghĩa Marx-Lenin, kết hợp giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và giải phóng toàn bộ xã hội.

Lãnh đạo nhân dân ta làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bản Tuyên ngôn độc lập do Người thay mặt Chính phủ lâm thời đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 02/9/1945 đã biến khát vọng độc lập, thống nhất của toàn thể dân tộc Việt Nam trở thành hiện thực. Sau khi trịnh trọng tuyên bố với thế giới về các quyền của nước Việt Nam được hưởng tự do và độc lập và hơn thế, sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập, nhân danh dân tộc Việt Nam, Người khẳng định: "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy!". Lời khẳng định đanh thép của vị lãnh tụ thể hiện quyết tâm của toàn thể dân tộc, sẵn sàng chấp nhận những hy sinh, mất mát, có thể là rất to lớn, để bảo vệ bằng được thành quả quý giá, lớn lao nhất vừa giành được.

Sau những nhân nhượng đầy thiện chí để bảo vệ nền hòa bình của đất nước bị thực dân Pháp cố tình chối bỏ, đặc biệt là khi những hành động của phái thực dân Pháp phản động đã vượt quá giới hạn cho phép, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận sự ủy thác của đồng bào, cùng đồng bào toàn quốc thề quyết tâm kháng chiến với tinh thần "thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Một lần nữa, cuộc đấu tranh vì một nước Việt Nam độc lập và thống nhất theo tư tưởng Hồ Chí Minh lại tiếp tục được tiến hành. Ngày 23/9/1945, nhân dân Sài Gòn đứng lên chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa mới giành được, mở đầu cho hành trình dân tộc đến với độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ròng rã trong ngót 30 năm mới tới đích.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kéo dài 9 năm kết thúc thắng lợi nhưng Hiệp định Geneva đã không thể mang lại một nước Việt Nam độc lập và thống nhất như khát vọng cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn thể những người dân Việt Nam yêu nước. Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ở miền Nam Việt Nam không những đã cự tuyệt thi hành các điều khoản của Hiệp định Geneva mà còn đẩy mạnh hoạt động gây chia rẽ, hận thù, chống lại lợi ích và khát vọng độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, chúng chỉ có thể chia cắt đất nước ta về mặt địa lý mà không thể chia cắt ý chí và niềm tin của cả một dân tộc về một nước Việt Nam thống nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chắc chắn rằng"Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc tranh đấu của chúng ta là chính đáng".

Nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo và bằng bản lĩnh, trí tuệ của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng ta đã tập trung trí lực, từng bước xác định chủ trương, đường lối và biện pháp cách mạng đúng đắn đưa cách mạng hai miền phát triển để tiến tới thống nhất nước nhà. Một trong những văn kiện quan trọng, tạo bước phát triển nhảy vọt về chất của cách mạng là Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 15 mở rộng (được thông qua và phổ biến sau cuộc họp đợt 2, tháng 7/1959). Theo đó, "nhiệm vụ cơ bản là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh"­. Quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng về đường lối, nhiệm vụ, phương pháp của cách mạng miền Nam thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 15 (mở rộng) cho thấy quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với khát vọng độc lập, thống nhất non sông- Ảnh 2.

Bác Hồ với các anh hùng, chiến sĩ thi đua miền Nam tại Phủ Chủ tịch, tháng 11/1965 - Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác tuyên truyền đối ngoại, nhằm tạo nên sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới yêu chuộng hoà bình đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta. Ngày 01/8/1956, trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Tuần lễ Đức, Cộng hòa Liên bang Đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Chúng tôi sẽ kiên quyết phấn đấu để củng cố hòa bình, giành thống nhất, độc lập và dân chủ hoàn toàn cho đất nước" đồng thời bày tỏ mong muốn của Việt Nam là "lập lại quan hệ bình thường với tất cả các nước tư bản trên cơ sở hoàn toàn bình đẳng về chính trị". Ngày 07/5/1964, trả lời phỏng vấn nữ phóng viên Pháp Danielle Hunebelle, Người nhấn mạnh: "Nguyện vọng của tôi cũng như nguyện vọng của nhân dân Việt Nam là xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, tăng cường đoàn kết phe xã hội chủ nghĩa và giữ gìn hoà bình lâu dài trên thế giới".

Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, từ niềm tin và khát vọng độc lập, tự do, quân dân cả nước đã từng bước đánh thắng từng chiến lược chiến tranh của địch, từ chiến lược Chiến tranh đơn phương, Chiến tranh đặc biệt cho đến Chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh.

Ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa về với "thế giới người hiền", khát vọng lớn lao, mong mỏi suốt đời của Người chưa thực hiện được. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta chưa giành được thắng lợi hoàn toàn, đất nước vẫn còn bị chia cắt. Bác chưa được "đi khắp hai miền Nam - Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta", chưa "đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta". Nhưng những lời bất hủ Người dặn lại trong bản Di chúc cho hậu thế vẫn ngời sáng niềm tin tất thắng về cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp hòa bình thế giới: "Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà".

Với nguồn sức mạnh nội lực của ý chí thống nhất đất nước và khát vọng hòa bình trong muôn triệu người Việt Nam nung nấu soi đường, dẫn lối; vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, trên cơ sở đánh giá đúng tương quan lực lượng giữa ta và địch, Đảng ta đã đưa ra chủ trương, đường lối phù hợp với từng thời điểm lịch sử để lãnh đạo quân dân cả nước giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hoài bão của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng của Người về độc lập, tự do và thống nhất đất nước cùng khát vọng của toàn dân tộc đã trở thành hiện thực sinh động trên mảnh đất hình chữ S anh hùng.

50 năm đất nước kỷ niệm ngày thống nhất, non sông thu về một dải (1975-2025), một Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ đang ngày càng vững vàng trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập, với vị thế ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Thành tựu vĩ đại này trả bằng trí tuệ và máu xương của nhiều thế hệ người Việt Nam mà người đi tiên phong, có công lao lớn nhất trong sự nghiệp này là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Ước mong của Bác, con đường Bác chọn và đã đi đang được các thế hệ con cháu của Người thực hiện bởi "hơn ai hết, thế hệ hôm nay hiểu rõ rằng độc lập và thống nhất không phải là cái đích cuối cùng, mà là điểm khởi đầu cho một hành trình mới: hành trình xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, giàu mạnh, văn minh, phát triển và trường tồn".