Chủ tịch Quốc hội chủ trì toạ đàm trực tuyến tham vấn chuyên gia kinh tế - xã hội.

19:25, 27/09/2021

Một Chương trình hỗ trợ tiền mặt với quy mô khoảng 5% GDP quý, triển khai ngay từ thời điểm này và trong các tháng còn lại của năm 2021; chú trọng giải ngân nhanh, đặc biệt là đối với những người dân đang sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do đại dịch. Đây là một trong những kiến nghị được các đại biểu đề xuất tại Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội do Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng 27/9.

Sáng nay, 27/9, tại Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế, xã hội do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và điều hành, chia sẻ những cơ hội từ nền kinh tế số, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhấn mạnh nhu cầu và cơ hội để đào tạo lại và nâng cao trình độ lao động cho lĩnh vực tăng trưởng này trở thành ưu tiên hàng đầu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì tọa đàm. 

Xu hướng mới áp dụng công nghệ

Theo ông Andrew Jeffries, sự xuất hiện của các nền tảng kỹ thuật số đã giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (hay còn gọi là MSME) tiến hành hoạt động kinh doanh trực tuyến và giúp họ tiếp cận thị trường toàn cầu. Nhiều nền tảng như vậy đơn giản hóa hoạt động hậu cần và thậm chí thường tích hợp chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị xuyên biên giới, biến chúng thành phương tiện cho thương mại quốc tế. 

Vì các MSME tạo ra một số lượng lớn việc làm ở Việt Nam nên điều quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam và khả năng cạnh tranh tổng thể của Việt Nam là hỗ trợ việc áp dụng công nghệ của Chính phủ và các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô. 

Những nhà làm luật và hoạch định chính sách cần kết nối và tham gia sâu rộng với các khu vực bầu cử của họ để phát triển các hệ thống hỗ trợ và đáp ứng linh hoạt nhằm khuyến khích chuyển đổi kỹ thuật số cũng như cung cấp sự hỗ trợ cần thiết, làm cho nền kinh tế số bao trùm và bền vững.

Giống như bất kỳ công nghệ mới nào, các nền tảng kỹ thuật số thể hiện một động lực gây gián đoạn các thị trường hiện tại và những người tham gia thị trường.

Khi những nền tảng kỹ thuật số tạo ra các hệ sinh thái mới, nơi các nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ, người lao động và người tiêu dùng tương tác với các kênh phân phối mới, các tác động ngoại cảnh của mạng khổng lồ được tạo ra có thể phá vỡ các thị trường truyền thống và có khả năng chiếm ưu thế trên thị trường. 

Giám đốc ADDB cho rằng: Các chính sách và quy định phù hợp là cần thiết để quản lý mọi lợi thế quá mức và những gián đoạn không công bằng có thể tạo ra do sự xuất hiện của các nền tảng kỹ thuật số.

Về cạnh tranh, theo ông Andrew Jeffries, các nền tảng kỹ thuật số là “con dao hai lưỡi”. Trong khi những nền tảng này có thể cung cấp tiếp cận với các cơ hội chưa từng có cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, những nền tảng này cũng có xu hướng tạo ra một hoặc rất ít “người thắng cuộc” do hiệu ứng mạng mạnh mẽ và quy mô kinh tế lớn.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phần tham luận. 

Triển khai chương trình hỗ trợ tiền mặt càng nhanh càng tốt

Theo ông Terence Jones, Quyền Trưởng Đại diện Thường trú của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Việt Nam đã áp dụng hai biện pháp tài khóa kể từ đầu đại dịch. Nghị quyết số 42/NQ-CP về hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được ban hành vào tháng 4/2020 với gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ 20 triệu công nhân bị mất việc làm do đại dịch.

Một gói hỗ trợ mới trị giá 26 nghìn tỷ đồng đã được công bố vào ngày 1/7/2021 để giúp những người lao động bị ảnh hưởng bởi phong tỏa và giãn cách xã hội trong đợt bùng phát dịch gần nhất (Nghị quyết số 68/NQ-CP). Chính phủ đã có những hành động kịp thời nhằm giảm bớt khó khăn cho các hộ gia đình không có thu nhập do mất việc làm hoặc mất thu nhập từ công việc tự do.

Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy, gói hỗ trợ vừa không đủ lớn vừa không đủ rộng về phạm vi để bảo vệ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn khỏi bị mất thu nhập do phong tỏa, giãn cách xã hội.

Nghiên cứu mới đây do Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện cho thấy, tỷ lệ nghèo về thu nhập tạm thời đã tăng từ mức 10% trước đại dịch lên 33,4% vào tháng 8/2021.

90% số người được hỏi đã không nhận được hỗ trợ kể từ khi gói tháng 7/2021 được phê duyệt và lao động di cư, lao động tự do, người vô gia cư không đủ điều kiện được nhận trợ cấp.
Báo cáo đánh giá tình hình triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thực hiện khẳng định, tỷ lệ bao phủ của các Chương trình hỗ trợ tiền mặt còn thấp do thiết kế chương trình loại trừ các nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn như lao động di cư không đăng ký và lao động tự do trong khu vực phi chính thức.

Báo cáo chỉ ra rằng, độ bao phủ giữa các tỉnh là khác nhau vì chương trình dựa vào chính quyền địa phương để huy động nguồn kinh phí. Các quy định rườm rà cho người nhận trợ cấp và người sử dụng lao động cũng đã làm giảm tỷ lệ bao phủ, tỷ lệ giải ngân.
Ông Terence Jones kiến nghị, Chính phủ có thể triển khai ngay gói trợ cấp tiền mặt với quy mô tương đương 5% GDP một quý, tương đương khoảng 77.000 tỷ đồng. Số tiền này nên được giải ngân ngay trong những tháng cuối năm.

Số tiền này sẽ tạo ra "hiệu ứng cấp số nhân" tới việc gia tăng tiêu dùng lớn hơn. Gói trợ cấp 77.000 tỷ đồng sẽ có tác động lớn đến tổng tiêu dùng tư nhân và tổng sản lượng kinh tế.

Quyền trưởng đại diện thường trú của UNDP Terence Jones phát biểu.  

Quyền Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh, để đạt được đồng thời mục tiêu kép là hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và kích thích tăng trưởng kinh tế cần phải triển khai chương trình hỗ trợ tiền mặt càng nhanh càng tốt.

Cách nhanh nhất để triển khai là áp dụng ngay gói trợ cấp trẻ em cho mọi trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi (khoảng 11 triệu trẻ) với điều kiện xuất trình được giấy khai sinh chứng minh độ tuổi; phụ nữ mang thai; người cao tuổi từ đủ 60 (có khoảng 11,5 triệu người), bao gồm cả người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên, thuộc đối tượng bảo trợ xã hội thường xuyên với điều kiện họ không có lương hưu; người khuyết tật.

Bên cạnh đó, cần giảm thiểu yêu cầu về thủ tục hành chính và áp dụng việc đăng ký trực tuyến cho những người thuộc diện hỗ trợ. Tiền hỗ trợ sẽ được chi trả hàng tháng hay một lần, áp dụng cho ba tháng cuối năm 2021. Mức hỗ trợ có thể được xác định căn cứ trên mức tối thiểu để duy trì cuộc sống theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 136/2013/NĐ-CP).
Ông Terence Jones cho rằng, một mặt cần triển khai gói hỗ trợ tạm thời ngay lập tức; mặt khác cần chuẩn bị xây dựng các chương trình bổ sung nhằm duy trì tăng trưởng và tiêu dùng tư nhân trong trường hợp cần thiết.

Các chương trình bổ sung cần giải quyết các vấn đề mà các chương trình ngắn hạn chưa giải quyết được.

Trong đó, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang đăng ký điện tử cho các đối tượng thụ hưởng trợ cấp xã hội dựa trên mã số định danh duy nhất thay vì dựa trên đăng ký cư trú; triển khai chương trình hỗ trợ tiền thuê trọ nhằm đảm bảo người lao động thu nhập thấp không bị đuổi khỏi nơi thuê trọ trong thời gian giãn cách do mất thu nhập dẫn đến không trả được tiền trọ; triển khai chương trình hỗ trợ máy tính bảng giá phải chăng sản xuất trong nước cho mọi trẻ trong độ tuổi đến trường cần thiết bị để học online tại nhà trong thời gian giãn cách xã hội; phát phiếu mua hàng miễn phí hoặc giảm giá đối với các nhu yếu phẩm sản xuất trong nước, bao gồm gạo, rau củ quả, dầu ăn, quần áo, sách vở, dụng cụ học tập...

Mục tiêu của các chính sách, chương trình đề xuất này là để hỗ trợ cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong trường hợp kéo dài thời gian giãn cách xã hội và đồng thời để duy trì mức tiêu dùng trong nước.

Kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam

Đại diện WB đưa ra khuyến nghị về 4 bài học để đi vào trạng thái bình thường mới. Đó là tiêm chủng (đồng thời với xét nghiệm) có ý nghĩa quan trọng để kiểm soát đại dịch và cũng để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế; vẫn cần có những hạn chế đi lại nhưng phải hợp lý hơn; tìm điểm cân bằng phù hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; tăng cường trợ giúp xã hội để ngăn chặn tình trạng kiệt quệ tài chính ở những nhóm dễ bị tổn thương và hạn chế gia tăng bất bình đẳng.

Đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào Francois Painchaud nhấn mạnh, có sự khác biệt lớn trong cơ  cấu gói hỗ trợ tài khóa. Việt Nam chủ yếu dựa vào các biện pháp hoãn, giãn thuế trong khi các nước khác lại tập trung vào hỗ trợ tiền mặt và giảm thu ngân sách. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, Việt Nam cần tăng các khoản hỗ trợ bằng tiền cả về giá trị và số lượng người thụ hưởng, các thủ tục hành chính cần đơn giản hơn nữa, nên tăng gấp đôi các khoản hỗ trợ bằng tiền để đạt tỷ lệ thu nhập thay thế khoảng 60%, ngang với mức bảo hiểm thất nghiệp cho lao động ở khu vực chính thức.

Chân Hoàn (T/h)