Chú trọng đào tạo, tuyên truyền cho sinh viên khai thác, sử dụng thông tin trên mạng hữu ích, an toàn

12:48, 29/12/2021

Kiến nghị với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền Phạm Minh Sơn cho rằng, cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống luật pháp liên quan đến quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng internet. Đặc biệt, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền cho giới trẻ nói chung, trong đó có sinh viên, về cách khai thác, sử dụng thông tin trên môi trường mạng bảo đảm đúng quy định, lành mạnh và hữu ích.

Sáng 28.12, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc với Học viện Báo chí và Tuyên truyền về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ nội dung thông tin, truyền thông khác trên mạng internet. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Xuân Phương - Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đặng Xuân Phương - Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc.

Là một trường Đảng trong hệ thống Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đồng thời xây dựng trở thành đại học trọng điểm quốc gia trong hệ thống giáo dục quốc dân, Học viện Báo chí và Tuyên truyền có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, cán bộ làm công tác tư tưởng lý luận, báo chí - truyền thông và một số ngành khoa học xã hội và nhân văn khác. Học viện hiện có 29 đơn vị trực thuộc Ban Giám đốc, trong đó có 17 khoa, viện giảng dạy, nghiên cứu và 12 đơn vị chức năng. Tổng số cán bộ, viên chức và người lao động của Học viện hiện nay là 389 người, trong đó có 29 Phó Giáo sư, 98 Tiến sĩ, 177 Thạc sĩ, 24 Cử nhân và 10 người có trình độ khác.

Tác động hai mặt của internet

Báo cáo với Đoàn giám sát, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền Phạm Minh Sơn khẳng định, những năm vừa qua, hòa với xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã chú trọng hiện đại hóa nhà trường và hướng tới xây dựng Học viện thông minh, do đó Học viện luôn quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường, đặc biệt là đầu tư về hệ thống công nghệ thông tin. Từ những năm 2000, Học viện đã có kết nối internet phục vụ công tác quản lý, điều hành. Năm 2010, Học viện đã đầu tư hệ thống đường truyền internet tốc độ cao Leased Line, mạng LAN, wifi tại hầu hết các tòa nhà làm việc cũng như giảng đường, hệ thống mạng wifi phủ sóng toàn khuôn viên của Học viện và cung cấp miễn phí cho tất cả cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên. Điều này giúp cho cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên của nhà trường dễ dàng tìm kiếm tài liệu, trao đổi thông tin qua internet để phục vụ cho công tác giảng dạy cũng như học tập.

Tuy nhiên, việc tham gia trên môi trường mạng cũng có nhiều mặt trái, ảnh hưởng không tốt và làm mất an toàn thông tin. Còn một bộ phận không nhỏ sinh viên chưa có nhận thức, hoặc nhận thức chưa đầy đủ về vấn đề an toàn thông tin và an ninh mạng, có hành động không đúng làm ảnh hưởng rất lớn cuộc sống của mình từ việc tiết lộ thông tin cá nhân, hay like, share, comment các bài viết có tính chất sai lệch, chống phá, không đúng sự thật, đả kích, lăng mạ người khác trên mạng mà các bạn không biết rằng điều đó là vi phạm pháp luật được quy định trong Luật An ninh mạng.

Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền Phạm Minh Sơn báo cáo với Đoàn giám sát.

Đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền để giảm thiểu tác động của thông tin độc hại

Trước thực trạng trên, Học viện đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền cho cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên về cách tham gia tương tác và ứng xử trên môi trường mạng internet và đặc biệt là việc bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng tại Học viện. Quán triệt thực hiện đề án “Tăng cường quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với học sinh, sinh viên trên môi trường mạng đến năm 2025” do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, Học viện đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn sinh viên khai thác, sử dụng thông tin đúng quy định, phục vụ việc nghiên cứu, học tập, giảm thiểu tác động của những thông tin độc hại; tăng cường công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với học viên, sinh viên trên môi trường mạng nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng khai thác, sử dụng thông tin trên môi trường mạng bảo đảm đúng quy định, lành mạnh và hữu ích.

Khó khăn hiện nay là công tác tuyên truyền, giáo dục chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến sinh viên thông qua môi trường mạng, Luật An ninh mạng, các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng internet, mạng xã hội còn nhiều bất cập nên chưa được thực hiện một cách triệt để. Đội ngũ cán bộ, nhà giáo phụ trách công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với sinh viên trên môi trường mạng chưa được bồi dưỡng chuyên sâu. Còn một bộ phận sinh viên thiếu bản lĩnh, dễ bị lôi kéo; sử dụng mạng xã hội chưa đúng mục đích...

Toàn cảnh buổi làm việc.

Nhanh chóng hoàn thiện hệ thống luật pháp

Học viện Báo chí và Tuyên truyền kiến nghị nhanh chóng hoàn thiện hệ thống luật pháp liên quan đến quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ nội dung thông tin, truyền thông khác trên mạng internet. Qua đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về thông tin điện tử, mạng xã hội.

Cụ thể, cần có các giải pháp kỹ thuật về công nghệ thông tin trong việc quản lý thông tin trên internet nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, khuyến khích mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của mạng xã hội. Nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về trang thông tin điện tử cả về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người sử dụng internet, mạng xã hội biết cách nhận diện thông tin tốt - xấu, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân khi tham gia sử dụng internet, mạng xã hội.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng mong muốn được tham gia các đề tài nghiên cứu của các cơ quan của Quốc hội trong các lĩnh vực thế mạnh của nhà trường, để vừa có cơ hội học hỏi, vừa được đóng góp cơ sở lý luận và thực tiễn vào quá trình lập pháp, giám sát hay quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Đoàn giám sát chúc mừng những thành tích của Học viện Báo chí và Tuyên truyền suốt 60 năm qua, một trong những cơ sở đào tạo đầu ngành, trọng điểm về báo chí và tuyên truyền; tin tưởng nhà trường sẽ tiếp tục hoàn thành vai trò kép - vừa là trường Đảng, vừa là cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia. Để thích ứng với xã hội thông tin hiện nay, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là hình thành cơ chế miễn dịch, không để thông tin xấu độc tác động đến mình. Làm được điều đó, nhà trường cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn sinh viên khai thác, sử dụng thông tin trên mạng đúng quy định, phục vụ việc nghiên cứu và học tập…

Theo/daibieunhandan.vn